Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 01:44

Tin tổng hợp

Những việc nên làm trong dịp Tết Quý Mão

18/01/2023

​Tết Nguyên Đán ở nước ta có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn của cuộc sống, khao khát của người Việt và sự hài hòa Thiên - Địa - Nhân. Tập tục đón Tết cổ truyền theo âm lịch, có rất nhiều nét độc đáo, thú vị. Mỗi mùa Tết đến, chúng ta cùng nhớ lại và hiểu biết thêm những phong tục truyền thống tốt đẹp vẫn còn được gìn giữ cho đến ngày nay.

Tết Nguyên Đán ở nước ta có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn của cuộc sống, khao khát của người Việt và sự hài hòa Thiên - Địa - Nhân. Tập tục đón Tết cổ truyền theo âm lịch, có rất nhiều nét độc đáo, thú vị. Mỗi mùa Tết đến, chúng ta cùng nhớ lại và hiểu biết thêm những phong tục truyền thống tốt đẹp vẫn còn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Cúng ông Công ông Táo
Việc chuẩn bị đón Tết thường bắt đầu khẩn trương từ ngày 23 tháng Chạp – ngày cúng ông Công ông Táo.
Theo quan niệm dân gian, ông Công ông Táo là những vị thần cai quản gia đình, chuyên lo chuyện phúc đức và bếp núc của một gia đình. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm thì ông lại cưỡi cá chép lên Thiên đình để bẩm báo mọi chuyện tốt xấu của gia đình lên Ngọc hoàng Thượng đế.
Dân gian cúng Tết ông Công ông Táo vì tin rằng vị thần linh này sẽ bảo trợ, phù trợ cho gia đình mình được ấm êm, hạnh phúc và may mắn.
Thông thường, lễ cúng diễn ra đúng ngày 23 tháng Chạp, nhưng có gia đình muốn cúng trước ngày 23 tháng Chạp có được không? Theo lịch vạn niên, năm 2023 có thể tiến hành cúng Táo quân vào các ngày Hoàng đạo trước ngày 23 tháng Chạp và chọn giờ Hoàng đạo để thực hiện (thời gian thực hiện nên trước 13 giờ; nếu được giờ Hoàng đạo lại Tốc hỷ vào giờ Ngọ thì rất hay).
Tảo mộ, lễ tạ mộ
Trong truyền thống tâm linh của người Việt Nam thờ cúng tổ tiên, tưởng nhớ đến những người đã khuất là một tập tục tín ngưỡng thiêng liêng đáng trân quý. Cứ đến cuối năm, mọi gia đình sẽ không quên dành thời gian để đến nghĩa trang, dọn dẹp phần mộ sạch sẽ, sửa sang, sơn kẻ lại nước sơn mới, đặt chậu hoa hoặc trồng cây hoa tại khu mộ và làm lễ tạ mộ, thắp hương khấn vái vong linh gia tiên.
Lễ tạ mộ cuối năm rất quan trọng, là cách con cháu thể hiện lòng kính hiếu, một nghi thức để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thuận, tri ân các bậc tiền nhân, cảm tạ thần linh thổ địa nơi có mộ phần, cảm tạ Phật thánh, quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần đã cho vong linh nương nhờ mảnh đất đó.
Thời gian tạ mộ thường là sau lễ Táo quân ngày 23 tháng Chạp, kéo dài đến ngày 29, 30 tháng Chạp. Lễ tạ mộ không cần phải sắm lễ to lớn mà chỉ cần hoa quả đơn giản: hương, nước, rượu, trầu cau, thuốc, chè…, có thể dùng vàng mã hoặc tùy vong linh mà thêm áo quần, giầy, mũ nón… nhưng không nên quá nhiều. Nếu nơi nghĩa trang có miếu thờ thần linh thổ địa riêng thì phải bày lễ 2 nơi và tùy phong tục địa phương mà điều chỉnh cho thích ứng; không nên dùng những đồ sát sinh trong lễ cúng tâm linh này.
Dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa
Sau ngày 23 tháng Chạp là những ngày giáp tết, nên khẩn trương lau dọn, sơn quét, trang trí lại nhà cửa… Việc này mong muốn đẩy đi những xui xẻo của năm cũ, vứt bỏ những đồ dùng cũ hư hỏng, không dùng tới, rửa chén bát, lau sàn nhà, quét mạng nhện, làm mới lại cho tươi hơn, vui hơn. Đồng thời, mua sắm thêm những thứ cần cho ngày Tết sắp tới. Những câu đối truyền thống, những chậu hoa màu đỏ, hồng mang tính dương… rất được yêu thích: hoa sống đời, hoa trạng nguyên, hoa đồng tiền… mang lại nhiều may mắn.
Trong loạt công việc trên, việc dọn dẹp và bài trí bàn thờ là quan trọng nhất. Cần kính cẩn thắp nhang xin phép bề trên cho gia chủ được di dời, lau dọn sạch sẽ để đón Tết. Phải dùng rượu pha gừng giã nhỏ và khăn sạch để lau rửa. Nếu có đinh hương nên đánh bóng cho mới, làm sáng lên các hình trạm, họa tiết, tăng tính dương thêm sức mạnh, thông minh và no đủ. Việc rút chân hương, lưu ý chỉ để lại 3 hoặc 5 chân nhang. Số chân nhang đã rút ra, nên hóa, không vứt bừa bãi vào thùng rác.
Giờ tốt để khởi sự việc lau dọn bàn thờ: chọn giờ Hoàng đạo để làm. Thông thường trong dịp này, nếu gặp ngày Trực Trừ là hay nhất. Năm nay, Trực Trừ vào ngày 17 tháng Chạp. Những gia đình vừa trải qua một năm xấu, thất bại, đang cầu mong có sự thay đổi hoàn toàn trong năm mới, thì nên chọn ngày Trực Trừ này để dọn dẹp nhà cửa (Ngày này có thể cúng ông Táo và sau đó tiền hành việc dọn dẹp nhà cửa). Trực Trừ có ý nghĩa loại trừ, trừ bỏ cái xấu, xui xẻo đã qua.
Việc dọn dẹp nên được kết thúc bằng việc xông nhà để xua đi những vận khí xấu. Có thể dùng trầm hoặc các gói thuốc bằng lá cây thảo mộc có bán sẵn tại các cửa hàng phong thủy.
Cúng tất niên và cúng tân niên
* Lễ cúng tất niên vào ngày 30 tháng Chạp, ngày Kỷ Mão (tức ngày thứ 7, 21/1/2023), Bảo quang Hoàng đạo
Đây là lễ rất quan trọng trước tết. Ngày giờ này, bố mẹ, con cháu trong gia đình ngồi lại với nhau, sum họp để ăn cơm tất niên.
Có thể buổi trưa, thường lễ buổi chiều ngày 30 tháng Chạp. Làm lễ cúng tất niên đồ lễ gồm hoa tươi, quả tươi (quả chín) bánh chưng. Mâm cỗ có đồ ăn mặn phải để bàn thấp hơn, không để trên bàn thờ. Mâm cỗ này là mâm cơm thường đủ món, sau khi cúng gia đình dùng làm bữa tối, chứ không để đấ rồi đến giao thừa thắp hương lại. Đồ uống đã đưa lên bàn thờ thì phải mở nắp hoặc rót ra chén, cốc…. Lễ cúng này để báo hiếu ông bà tổ tiên, báo cáo một năm đã qua, cầu mong bình an trong năm mới; đồng thời kính mời hương linh ông bà tổ tiên và những người thân cùng trở về ăn cơm, vui tết cùng con cháu.
* Đêm 30 tết là đêm giao thừa, còn gọi là đêm Trừ Tịch
“Trừ” nghĩa là thay đổi, hoán đổi và “Tịch” là đêm. “Trừ Tịch” nghĩa là “đêm của sự thay đổi”, “đêm của thời khắc giao thừa”.
Thời khắc lễ giao thừa còn gọi là lễ Trừ Tịch. Trừ Tịch chính là đem bỏ đi hết những điều xấu, dở, cũ kỹ của năm cũ sắp qua để đón những cái mới, tốt đẹp của năm mới. Trừ cũng là trừ khử ma quỷ trong văn hóa phương Đông. Theo phong tục cổ truyền, lễ này tiến hành cả ngoài trời và trong nhà.
Cúng giao thừa ngoài trời: Thường được đặt ngoài cửa chính của mỗi nhà, hoặc ở sân để cúng thiên địa. Lễ này được làm trước, có thể từ sau 11 giờ đêm (thường là từ 23h45) nhằm “nghênh tân tiễn cửu”, tức là đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ. Năm mới 2023, vị hành khiển mới là Trịnh Vương Hành Khiển, Thạch Tinh Chi Thần, Liêu Tào Phán Quan.
Sắm lễ: thường là hoa quả, hương nến, trầu rượu, tiền vàng mã, các món ăn truyền thống đồ chín (xôi nếp, bánh chưng, gà trống, hoặc thủ lợn… tùy vào hoàn cảnh). Tuy nhiên, lễ vật bao giờ cũng phải có vàng hương và rượu.
Ở chung cư, không có đất vườn nên không nhất thiết phải cúng ngoài trời. Nếu muốn cũng ngoài trời nên xuống dưới sân nhà chung cư. Việc cúng ngoài trời cần có khoảng không gian có trời và đất, do vậy, lễ vật cần được đặt gần với mặt đất (bên trên có trời, bên dưới có đất, ở giữa là con người – thể hiện sự hài hòa giữa Thiên – Địa – Nhân, gắn kết được thế giới tâm linh với con người tốt hơn).
Nếu có địa thế cúng, nên lưu ý: chắp khít bàn tay, lạy tứ phương 8 hướng, rồi quay vào hướng sinh môn (Tây Bắc) để đọc bài khấn.
Cúng giao thừa trong nhà: Lễ này được cúng vào giờ chính Tý (Tức 24h00, giao thời giữa ngày 30 tháng Chạp và 1/1 âm lịch). Đây là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc giao thừa vừa tới, nhằm cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình gặp những điều tốt lành trong năm mới sắp đến. Nếu có thể, khi cúng giao thừa, tất cả thành viên gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ khấn tổ tiên. Bài khấn thường được làm sẵn, nhắc đến công ơn dưỡng dục sinh thành của tổ tiên, tạ lỗi cùng cha mẹ, làm hòa với nhau, trút bỏ điều xấu và hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ thực hiện.
Sắm lễ: Tương tự như cúng ngoài trời. Mâm lễ này chủ yếu là thành tâm, không quá cầu kỳ, nhưng không thể quá sơ sài. Từng vùng miền khác nhau mà mâm cúng có thể có khác biệt. Song về cơ bản, phải có hương đèn, trà rượu, nước hoa quả, xôi màu, bánh chưng, gạo, muối…
Xông đất đầu năm
Ngày mồng 1 đầu năm, ai bước vào nhà bạn đầu tiên thì đấy chính là người xông đất đầu năm. Thời gian xông đất thường chỉ 5 – 10 phút, không ở lại lâu để mọi việc năm mới trôi chảy, thông suốt. Khách cần chuẩn bị bao lì xì màu đỏ để nhập tài cho gia chủ được lộc đầu tiên của năm mới. Chủ nhà cũng có bao lì xì đáp lễ vị khách để lấy may, cùng chúc nhau những lời tốt đẹp.
Thông thường, cuối năm, mỗi gia đình đều tìm trước để nhờ người đó đến xông đất. Khi chọn, nên quan tâm đến các yếu tố phong thủy sau: thiên can, địa chi, ngũ hành mệnh của khách phải tương sinh với chủ (tức là tuổi hợp với gia chủ) và hợp với năm Quý Mão, người tốt vía (hiền lành, đức độ, mạnh khỏe, làm ăn khấm khá… và nên chọn người nam để được nhiều dương khí).
Có nhiều cách tính tuổi xông đất, nhưng thông thường, hay tìm người “Tam hợp” hoặc “Lục hợp” với gia chủ, hoặc tìm người cùng niên mệnh.
Bạn muốn tự mình xông đất? Chỉ nên tự mình xông đất khi biết năm đó mình được vận tốt, nếu không sẽ bị bó kẹt lại, khó phát triển và thành công trong năm mới.
Trịnh Bá Tửu (thitruongtaichinhtiente)

Tin cùng chuyên mục