Sáng 16/11/2018, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐVN tổ chức hội nghị lần thứ 7 về "Chia sẻ thông tin và Hợp tác giữa Tổng Liên đoàn với các tổ chức đoàn kết hỗ trợ công đoàn và các công đoàn ngành toàn cầu" với sự tham dự của đại diện 12 tổ chức quốc tế, đại diện một số LĐLĐ tỉnh, TP và Công đoàn ngành Trung ương. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 16-17.11, do Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải chủ trì.
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Hải đã thông tin nhanh về kết quả Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, thông tin tổng quan về các dự án giai đoạn 2016- 2018 do các đối tác quốc tế đang hỗ trợ triển khai ở VN, đồng thời đánh giá hiệu quả tác động, những điểm sáng và những điểm cần hoàn thiện. Đồng chí cho biết, những ý kiến đóng góp và những đề xuất được nêu ra tại Hội nghị các tổ chức CĐ quốc tế tài trợ cho Công đoàn Việt Nam (TUSSO) lần thứ 6 năm 2016 (TUSSO được tổ chức 2 năm/lần) tại Đồ Sơn, Hải Phòng, hoạt động của các dự án và chương trình hợp tác giữa Tổng LĐLĐVN với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tổ chức CĐ các nước và các tổ chức quốc tế khác đã được tăng cường và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực đối với Công đoàn Việt Nam.
Trong 2 năm qua, Công đoàn Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính từ ILO; tổ chức CĐ các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển; các nước Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; các tổ chức CĐ ngành quốc tế: CĐCN và sản xuất toàn cầu (IndustriALL), CĐ Gỗ và Xây dựng quốc tế (BWI), Mạng lưới CĐ quốc tế (UNI); các tổ chức phi chính phủ: Tổ chức Nhân dân Australia về y tế, giáo dục và viện trợ hải ngoại (APHEDA), Viện Friedrich Ebert Stifftung (FES)…
Các dự án, chương trình hợp tác do các tổ chức quốc tế tài trợ chủ yếu tập trung vào các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn các cấp, đặc biệt là CĐCS khu vực ngoài nhà nước về kỹ năng hoạt động CĐ như thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc, thí điểm thương lượng tập thể nhóm, đào tạo giảng viên kiêm chức về thương lượng tập thể, nghiên cứu tác động của Cách mạng công nghệ 4.0 với việc làm, giải quyết tranh chấp, bình đẳng giới, tư vấn pháp luật, ATVSLĐ…
Tại hội nghị các đại biểu đã chia sẻ thông tin, thảo luận về mô hình hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật Đồng Nai; các đại biểu thảo luận và chia sẻ nhiều vấn đề quan trọng như: Tiến trình & xu hướng phát triển của quan hệ lao động ở Việt Nam, Chính sách & chủ trương về vai trò của Nhà nước trong quan hệ lao động tiền lương, BHXH; Định hướng và ưu tiên của Công đoàn Việt Nam & những yêu cầu mới đối với Công đoàn Việt Nam, nhu cầu hỗ trợ của Công đoàn Việt Nam trong thời gian tới…
Ông Chang Hee Lee - Giám đốc ILO Việt Nam đã có bài phát biểu phân tích về ý nghĩa của quan hệ lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với Việt Nam. Hiệp định được ký kết bởi 11 quốc gia vào ngày 8/3, bao trùm thị trường rộng lớn với 500 triệu dân, chiếm 13,5% nền kinh tế thế giới và 15% thương mại toàn cầu. Nhiều đại biểu tham dự cho rằng khi Việt Nam phê chuẩn các công ước 87 và công ước 98, bộ Luật LĐ, Luật CĐ sẽ phải sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với Công ước. Trong đó sẽ sửa đổi quy định về thành lập tổ chức CĐ trong DN theo hướng đảm bảo quyền CĐ của NLĐ, có thể sẽ quy định chung về quyền thành lập CĐ của NLĐ tại nơi làm việc. Như vậy sẽ có một hoặc nhiều hơn một tổ chức CĐ trong DN. Các tổ chức CĐCS này có thể nằm trong hoặc không nằm trong hệ thống tổ chức của CĐ Việt Nam, tùy thuộc vào sự lựa chọn của NLĐ. Đây là thách thức mới cho tổ chức CĐ, nhưng cũng sẽ là cơ hội để CĐ Việt Nam tự đổi mới, thích ứng với điều kiện mới.
Theo đó, các đại biểu đã thảo luận nhóm các giải pháp chủ yếu đó là: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung điều lệ CĐ Việt Nam và tham gia sửa đổi pháp luật LĐ và Luật CĐ; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐ; Sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên; Đổi mới công tác cán bộ và đào tạo bồi dưỡng cán bộ CĐ đáp ứng yêu cầu hoạt động theo phương thức mới; Chuyển hướng công tác chỉ đạo của CĐ cấp trên theo hướng lấy ĐVCĐ, NLĐ và CĐCS làm trung tâm.
BTC