Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 09/01/2025 | 11:13

Hỏi - Đáp

Trách nhiệm của công đoàn trong việc tiếp cán bộ, đoàn viên, lao động?

30/05/2018

Công đoàn các cấp có trách nhiệm như thế nào đối với việc tiếp cán bộ, đoàn viên, NLĐ?

Câu hỏi 1: Công đoàn các cấp có trách nhiệm như thế nào đối với việc tiếp cán bộ, đoàn viên, NLĐ?
Trả lời: Theo Hướng dẫn 742/HD-TLĐ ngày 17/4/2018 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN, công đoàn các cấp có trách nhiệm bố trí lịch tiếp, nơi tiếp(*) cán bộ công đoàn, đoàn viên và NLĐ đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh các vấn đề liên quan đến Điều lệ Công đoàn, quy định, quyết định của công đoàn và chính sách, pháp luật của Nhà nước…
- Căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp công đoàn các cấp có trách nhiệm hướng dẫn việc tiếp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng hướng dẫn của Tổng Liên đoàn.
(*) Nơi tiếp cán bộ, đoàn viên công đoàn và NLĐ phải bố trí phòng tiếp, có bảng nội quy tiếp, lịch tiếp đối với người đến khiếu nại, tố cáo,...
Câu hỏi 2: Chủ tịch công đoàn các cấp có trách nhiệm như thế nào đối với việc tiếp cán bộ, đoàn viên, NLĐ?
Trả lời: Ngoài việc bố trí nơi tiếp, thời gian tiếp, lịch tiếp cán bộ, đoàn viên, NLĐ theo yêu cầu, Chủ tịch công đoàn các cấp (hoặc người được ủy quyền) còn có trách nhiệm bố trí thời gian tiếp/lịch tiếp định kỳ công khai. Cụ thể như sau:
- Chủ tịch công đoàn các cấp từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố/công đoàn ngành trung ương/công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, mỗi tháng tiếp từ một (01) đến hai (02) ngày tính theo giờ làm việc của đơn vị (trường hợp, do bận công tác thì ủy quyền cho 01 đồng chí Phó Chủ tịch tiếp thay).
- Chủ tịch Tổng Liên đoàn tiếp mỗi tháng một (01) ngày ấn định vào thứ năm của tuần thứ 4 hàng tháng (trường hợp, do bận công tác thì ủy quyền cho 01 đồng chí Phó Chủ tịch tiếp thay).
Câu hỏi 3: Cán bộ làm công tác tiếp cán bộ, đoàn viên, NLĐ đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm như thế nào?
Trả lời: Cán bộ làm công tác tiếp cán bộ, đoàn viên, NLĐ có trách nhiệm:
- Xem xét, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo,… thuộc thẩm quyền của công đoàn.
- Tư vấn cho cán bộ công đoàn khi họ tham gia giải quyết các tranh chấp về lao động hoặc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ công đoàn trước cơ quan có thẩm quyền.
- Tư vấn tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật lao động, cung cấp thông tin để góp phần nâng cao chất lượng công tác pháp luật của tổ chức công đoàn,…
- Tư vấn, hướng dẫn những vấn đề liên quan đến thi hành chính sách, pháp luật về HĐLĐ, tuyển dụng lao động, cho thôi việc, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, BHXH, BHYT và các chế độ, chính sách khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của NLĐ.
- Tư vấn, hướng dẫn đoàn viên, NLĐ thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo,… thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước và NLĐ.
- Xem xét, chuyển đơn khiếu nại, tố cáo,… đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết và người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
NTT