Cách đây 25 năm, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 480/QĐ-TLĐ của Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc thành lập Công đoàn Ngân hàng Việt Nam là một bước tiến mang tính lịch sử, đưa hoạt động công đoàn tập trung về một mối, phát huy tối đa sức mạnh của tổ chức Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trên phạm vi cả nước.
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam ra đời được 25 năm (1993 - 2018), song hoạt động của tổ chức công đoàn trong hệ thống ngân hàng đã được hình thành kể từ khi thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (tháng 5/1951). Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong sự nghiệp khôi phục, phát triển kinh tế của đất nước, tổ chức Công đoàn ngành Ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục, đoàn kết, cổ vũ, động viên cán bộ, đoàn viên và người lao động vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp công sức to lớn vào 2 cuộc kháng chiến vĩ đại giành độc lập tự do của dân tộc và sự phát triển đi lên của đất nước trong thời kỳ cách mạng và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Bước vào nền kinh tế thị trường, ngành Ngân hàng đứng trước những thời cơ và thách thức mới, nhiều tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh ra đời, đòi hỏi cán bộ ngân hàng cần có trình độ chuyên môn giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt để vững vàng trước cơ chế thị trường, đồng thời cần có một tổ chức công đoàn mang tầm vóc để tập hợp và phát huy sức mạnh về trí và lực của người lao động ngành Ngân hàng.
Việc thành lập của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động trong Ngành, là một dấu mốc mang tính lịch sử, đưa hoạt động công đoàn tập trung theo hệ thống từ trên xuống dưới, phù hợp với đặc trưng của ngành Ngân hàng, có sự quản lý, thống nhất cao về tổ chức bộ máy, cán bộ và các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính - tiền tệ.
Khi mới được thành lập, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam quản lý 53 CĐCS Ngân hàng tỉnh, thành phố; 06 CĐCS cơ quan Trung ương và Hội sở chính; 19 CĐCS gồm công đoàn các công ty, xí nghiệp, Trường Ngân hàng và 258 CĐCS trong toàn hệ thống.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo 3 cấp: Công đoàn Ngân hàng Việt Nam - Công đoàn chuyên ngành (nay là Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở) - Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Ngân hàng Việt Nam với 08 công đoàn chuyên ngành, 381 CĐCS và 48.793 đoàn viên.
Việc chuyển đổi mô hình hoạt động này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trong việc chỉ đạo từ cấp Trung ương đến cơ sở và đã minh chứng cho việc hình thành tổ chức Công đoàn ngành, nghề là cần thiết và đúng đắn.
Trong các thời kỳ, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã từng bước thể hiện rõ vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi, hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động trong Ngành, tham gia có hiệu quả việc hình thành các cơ chế, chính sách, các văn bản pháp quy của ngành đối với đoàn viên và người lao động trong trong toàn hệ thống; cổ vũ, động viên đoàn viên và người lao động hăng say lao động, học tập và công tác góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Ngân hàng Việt Nam ngày càng phát triển, lớn mạnh.
Giai đoạn 2003 - 2008 là thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập và phát triển của ngành Ngân hàng và của đất nước. Trong giai đoạn này, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức nhiều phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tế. Qua các hoạt động và các phong trào thi đua đã xuất hiện những sáng kiến, đề tài khoa học làm lợi cho Ngành, đất nước hàng tỷ đồng; nhiều tập thể cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng thời kỳ đổi mới”.
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối ngoại với tổ chức Công đoàn quốc tế và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNI - Apro) và Công đoàn ngành Tài chính - Ngân hàng các nước như Công đoàn Ngân hàng Tài chính Singapore, Hàn Quốc, Malaysia.. nhằm mở rộng hợp tác giao lưu học hỏi về hoạt động công đoàn trong thời kỳ hội nhập.
Trong giai đoạn tiếp theo 2008 - 2013 Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã quyết định chuyển các CĐCS Chi nhánh 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về trực thuộc trực tiếp Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, đồng thời giải thể Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và nâng cấp Công đoàn cơ quan Ngân hàng Nhà nước Trung ương từ CĐCS lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Công đoàn cơ quan ngang bộ) cho phù hợp với hoạt động trong tình hình mới.
Trong nhiệm kỳ này, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã chính thức đưa chuyên mục hoạt động Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (trên Website Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) vào hoạt động, đổi mới căn bản về hình thức tuyên truyền, giáo dục của tổ chức công đoàn; các phong trào thi đua được triển khai rộng khắp trong toàn hệ thống và đạt hiệu quả cao; tổ chức các hoạt động hội thao, hội diễn từ cấp cơ sở đến cấp Ngành để chào mừng các sự kiện chính trị của đất nước, của ngành Ngân hàng và của tổ chức Công đoàn; làm tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, công tác đối ngoại tiếp tục được quan tâm và duy trì, trong đó đã mở rộng quan hệ thêm với Công đoàn Tài chính Ngân hàng Belarus, Công đoàn Ngân hàng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
Trong nhiệm kỳ V (2013-2018), là nhiệm kỳ mà ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu; triển khai đồng bộ các giải pháp để điều hành Chính sách tiền tệ chủ động, chặt chẽ, linh hoạt phù hợp với diễn biến kinh tế, thị trường trong nước và quốc tế trong từng giai đoạn; kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã xác định rõ nhiệm vụ trong nhiệm kỳ này đó là:
“Đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của các cấp công đoàn trong Ngành; tập trung hướng về cơ sở, nâng cao năng lực tham gia quản lý, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, đề cao giá trị đạo đức nghề nghiệp, góp phần đưa ngành Ngân hàng phát triển An toàn - Hiệu quả - Bền vững”.
Đây là nhiệm kỳ hoạt động mang tính đột phá của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trên các mặt hoạt động và công tác. Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã kiện toàn bộ máy tổ chức đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, chức năng giám sát việc thực hiện chế độ đối với người lao động; xây dựng Chương trình nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động, Chương trình nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn, chương trình phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS.
Trong nhiệm kỳ này cũng đã kết nạp đoàn viên và thành lập CĐCS với số lượng lớn nhất từ trước đến nay với trên 24.000 đoàn viên được phát triển mới và thành lập trên 80 CĐCS trong toàn hệ thống; tổ chức nhiều hoạt động có tầm quy mô toàn ngành như tôn vinh lao động điển hình tiên tiến, tôn vinh Chủ tịch CĐCS tiêu biểu, gia đình CNVCLĐ tiêu biểu; thực hiện có hiệu quả các chương trình đền ơn đáp nghĩa và công tác an sinh xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Trong những chặng đường qua, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã cùng chuyên môn tổ chức nhiều phong trào thi đua đến đoàn viên và người lao động trong ngành phù hợp và hiệu quả, qua đó đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng.
Trong đó, nổi bật là các phong trào: “Cán bộ Ngân hàng đạo đức tốt, nghiệp vụ giỏi, vững tin bước vào hội nhập với Ngân hàng khu vực và quốc tế”; phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào nữ CNVCLĐ “Giỏi việc Ngân hàng, đảm việc nhà”, phong trào “Học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”, phong trào “Đề cao giá trị đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật”, phong trào “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”... các phong trào thi đua đã lan tỏa tới các cấp công đoàn trong hệ thống.
Để góp phần cùng với ngành Ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao phó, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã tập trung xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, đổi mới về nội dung và phương pháp hoạt động; công tác tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền luôn được tổ chức công đoàn quan tâm chú trọng cùng với việc thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đã có hàng nghìn đoàn viên ưu tú do công đoàn giới thiệu được kết nạp vào Đảng, hàng trăm cán bộ được tổ chức công đoàn giới thiệu tham gia vào cấp ủy và bộ máy lãnh đạo các cấp, hàng chục nghìn lượt người lao động được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, kỹ năng... để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam còn chú trọng mở rộng quan hệ đối ngoại với tổ chức công đoàn quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNI - Apro), tham gia các Hội thảo để trao đổi các nội dung liên quan đếnxây dựng mối quan hệ lao động trong ngành Ngân hàng như giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động khi các ngân hàng tái cơ cấu, có yếu tố của các ngân hàng nước ngoài, sáp nhập, mua lại...
Thông qua các hoạt động đối ngoại đã quảng bá hình ảnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tới bạn bè Quốc tế và trong khu vực.
Với truyền thống nghĩa tình cao đẹp của ngành Ngân hàng, cán bộ, đoàn viên và người lao động ngành Ngân hàng luôn tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc đóng góp vào các chương trình an sinh xã hội như: Chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ngân hàng Việt Nam với Trường Sa thân yêu”, “Tấm lưới nghĩa tình vì Hoàng Sa, Trường Sa”, Chương trình ủng hộ đồng bào vũng lũ, Chương trình thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ... với tổng số tiền đóng góp, ủng hộ lên đến hàng nghìn tỷ đồng được xã hội, nhân dân đánh giá cao và ghi nhận.
Với những thành tích đạt được trong 25 năm qua, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Nhất, Cờ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cũng như nhiều Bằng khen của các Bộ, Ngành Trung ương khác. Có thể thấy, tổ chức Công đoàn Ngân hàng Việt Nam thể hiện rõ vai trò là trung tâm đoàn kết và tập hợp sức mạnh của CNVCLĐ trong Ngành, là mái nhà chung của đoàn viên và người lao động ngành Ngân hàng, khẳng định vị thế của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Ngân hàng Việt Nam.
Những kết quả mà Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đạt được trong 25 năm qua là nhờ có sự quan tâm định hướng và chỉ đạo sát sao của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước qua các thời kỳ, là công sức, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công đoàn và đoàn viên, người lao động trong toàn Ngành để Công đoàn Ngân hàng Việt Nam có được kết quả như ngày hôm nay.
Thanh Thủy