Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 16:10

Tin hoạt động ngân hàng

Tín dụng tam nông vẫn là điểm nhấn chính sách

16/03/2015

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tiến Đông trả lời phỏng vấn của phóng viên TBNH.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tiến Đông trả lời phỏng vấn của phóng viên TBNH.

Ông Nguyễn Tiến Đông 

Đề nghị ông cho biết tình hình tín dụng từ đầu năm đến nay?

Đến ngày 10/3, tăng trưởng tín dụng (TTTD) đạt 0,46% so với đầu năm. Con số này có giảm so với tháng trước do Tết Nguyên đán năm nay đến khá muộn, rơi vào giữa tháng 2 Dương lịch. Mà khách hàng thường vay trước Tết 1 – 2 tháng để mua hàng. Còn sau Tết, họ bán hàng thu tiền để trả nợ NH là chủ yếu. Những người không vay vốn thì gửi tiền vào NH. Tôi nghĩ, phải đến tháng 4 tín dụng mới tăng mạnh trở lại, sau khi kết thúc các tháng lễ hội.

Dẫu vậy, qua tiếp xúc với một số DN, trong đó có cả DNNVV, họ cho biết, sau ngày rằm tháng Giêng họ đã ký kết được đơn đặt hàng, khác hẳn với năm trước thời điểm này chưa có đơn hàng nào. Dù có thể chưa đại diện hết các lĩnh vực nhưng đây là dấu hiệu tốt. Có thể thấy tín dụng đang phát đi những tín hiệu khả quan so với cùng thời điểm những năm trước.

Năm 2015, lĩnh vực nào sẽ là điểm nhấn trong chính sách tín dụng của NHNN, thưa ông?

Tôi nghĩ điểm nhấn chính sách tín dụng trong năm 2015 là về phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) sau khi có Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ - CP của Chính phủ. Đây là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua các hình thức cho vay chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao…

Hiện tại, Bộ Tư pháp thẩm định xong Dự thảo Nghị định này và đang trình Thủ tướng Chính phủ. Tôi được biết, về cơ bản Chính phủ cũng nhất chí nội dung tại Dự thảo nhưng muốn làm rõ thêm một số chính sách về khoanh nợ, xóa nợ, khái niệm thế nào là rủi ro trên diện rộng, cấp nào là cấp công bố việc này. Khi DN, hộ gia đình, cá nhân khu vực NNNT xảy ra rủi ro thì xử lý thế nào cũng cần phải bàn tính để cân đối nguồn ngân sách, không ảnh hưởng nhiều đến chi ngân sách. NHNN cũng đã có bản giải trình, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết vấn đề trên.

Song, để khuyến khích đầu tư phát triển NNNT, theo tôi phải có chính sách cụ thể, rõ ràng. Bởi thực tiễn cho thấy, nếu xảy ra thiên tai, dịch bệnh, NH phải khoanh nợ, giãn nợ nhưng khi trình sang Bộ Tài chính có khi vài năm chưa xong. Để tạo động lực DN đầu tư cho lĩnh vực này, ít nhất phải đảm bảo khi DN bỏ ra 3 đồng vốn tự có, vay 7 đồng NH, trong trường hợp rủi ro xảy ra họ mất hết cả 3 đồng thì còn 7 đồng kia được Nhà nước hỗ trợ phần nào.

Ngoài ra, một số điều chỉnh thay đổi khác cũng rất quan trọng. Cụ thể, đối tượng tham gia được mở rộng như hộ ven đô, thành thị khi đầu tư NNNT cũng được đưa vào đối tượng điều chỉnh. Rồi tất cả DN, hoạt động cả đầu vào như cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu… và đầu ra như thu mua sản phẩm như cà phê, cao su, lúa gạo… đều được tính là DN đầu tư vào NNNT chứ không nhất thiết phải có trụ sở tại khu vực này.

Mức vốn cho vay tín chấp nâng lên gấp 2-3 lần. Tất cả các NHTM đều được tham gia vào lĩnh vực này và được hưởng chính sách ưu đãi của NHNN, đó là tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức thấp nhất. Hiệu suất quay vòng vốn cao khi NH được giảm dự trữ bắt buộc. Theo đó, khuyến khích các NH tham gia cho vay lĩnh vực NNNT. Với tốc độ thực hiện như hiện nay, tôi nghĩ rằng khả năng quý II/2015, Nghị định mới thay thế Nghị định 41 sẽ được ban hành.

Ngoài ra, khoảng đầu quý III/2015, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế sẽ xin ý kiến Thống đốc sơ kết đánh giá lại chương trình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao… Qua sơ bộ đánh giá khá tốt các chương trình này, một số DN, một số tỉnh đề nghị tham gia. Nhưng, đợi sau khi đánh giá hiệu quả đầy đủ chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình trên.

Tiến độ giải ngân theo Nghị định 67 hiện khá chậm. Liệu có vướng mắc gì về cơ chế chính sách không?

Nếu nói về cơ chế chính sách, tôi nghĩ không còn vướng mắc gì lớn. Nhưng trong quá trình triển khai thực tiễn có phát sinh thêm một số vấn đề. Lý do số ngư dân vay vốn đóng tàu chưa nhiều không phải vì NH chưa tích cực cho vay mà do chính tâm lý của họ.

Thực tế đóng một con tàu 5-7 tỷ đồng thậm chí cả chục tỷ, bằng cơ nghiệp cả xóm chứ không riêng một hộ nên họ rất lo. Không chỉ áp lực về tài chính mà còn cả vấn đề quản lý khai thác như thế nào cho hiệu quả cũng không phải đơn giản đối với năng lực tự thân của ngư dân. Trong khi tàu sắt là vấn đề hoàn toàn mới đối với người dân nên họ còn thăm dò và có người chưa hiểu đúng về chính sách vì vẫn còn tư tưởng được Nhà nước bao cấp. Thực tế, đúng là Nhà nước bao cấp nhưng chỉ là phần lãi, còn gốc họ phải trả. Và muốn được vay vốn thì ngư dân cũng phải có một số vốn nhất định.

Tôi lấy ví dụ một con tàu 7 tỷ đồng, ngư dân phải có vốn đối ứng 10%, tức là phải lo 700 triệu đồng. Đối với ngư dân bỏ ra 700 triệu đồng tiền tích lũy không phải dễ dàng. Vì nhiều ngư dân để có một chuyến đi biển chỉ hơn 150 – 180 triệu đồng họ còn phải vay “nóng” ở ngoài. Có thể nói, vốn đối ứng đang là vấn đề rất khó khăn đối với ngư dân.

Chưa kể theo quy định tại Nghị định, các thông tư hướng dẫn, máy đầu tư cho công suất lớn phải là máy mới, kể cả hoán cải, nâng công suất. Tuy nhiên, do tâm lý người dân tiết kiệm, họ muốn mua máy cũ 80 – 90% với giá rẻ hơn. Nhưng về phía cơ quan quản lý thì cho rằng đóng tàu to, tàu sắt đi ra ngoài khơi xa nếu không may máy hỏng, gặp sóng to gió lớn thì không đảm bảo an toàn tính mạng…

Về phía ngành NH, các NHTM vào cuộc rất quyết liệt, tuy nhiên không thể làm theo hình thức, phong trào. Không cẩn thận sẽ lại vướng vào những hạn chế của chương trình cũ, dân cũng khổ, NH càng khổ hơn.

Xin cảm ơn ông!

 

Thanh Huyền thực hiện (theo thơibaonganhang)

Tin cùng chuyên mục