Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 09/01/2025 | 22:43

Tin hoạt động ngân hàng

Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024

08/01/2024

Ngày 8/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ngày 8/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thay mặt Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN bày tỏ niềm vinh dự, vui mừng và trân trọng cảm ơn Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã dành thời gian tham dự Hội nghị quan trọng của ngành Ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Trungương, lãnh đạo Ủy ban nhân dân và lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tới dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm và 63 điểm cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố.
Thông tin cụ thể về hoạt động ngân hàng trong năm 2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Chính phủ.
Lạm phát thế giới đã giảm song còn ở mức cao khiến nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), đồng Đô la Mỹ, giá dầu, giá vàng diễn biến phức tạp, sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu… là những yếu tố tác động tới kinh tế, tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc hội nghị
Ở trong nước, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp mặc dù có sự cải thiện nhờ điều hành quyết liệt của Chính phủ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên vẫn tạo áp lực đối với nhu cầu vốn từ hệ thống ngân hàng. Dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB vào cuối năm 2022 tác động lớn tới thanh khoản, tâm lý thị trường, khiến các TCTD thận trọng hơn trong việc quản trị và cân đối nguồn vốn tín dụng.
Dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời nhận định tình hình đề ra các chủ trương, định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết thúc năm 2023, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% (tuy thấp hơn mục tiêu nhưng là mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực), lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5% Quốc hội đặt ra), các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tạo động lực bền vững trong thời gian tới.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo những khó khăn, thách thức phải đối mặt, cùng với cả hệ thống chính trị, ngay từ đầu năm và cả năm 2023, NHNN đã ứng phó với sự chắc chắn, chủ động và linh hoạt với diễn biến tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động và về cơ bản đã góp phần vào thành tựu chung về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Kết thúc năm 2023, về cơ bản ngành Ngân hàng đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra: đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ, ngoại hối về cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất giảm, đưa mặt bằng lãi suất trở về mức lãi suất trước dịch COVID-19; VND là 1 trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới, năm 2023 VND mất giá khoảng 2,9%; an toàn hoạt động ngân hàng được đảm bảo, các nội dung chuyển đổi số đạt các chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng năm 2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các ý kiến phát biểu cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đánh giá mặt được, mặt hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị để đề xuất các giải pháp trong năm 2024.
Trong đó cần tập trung trao đổi về những vấn đề trọng tâm như: điều hành CSTT, tín dụng, tỷ giá, ngoại hối để đảm bảo hài hoà mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Đảng, Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo; Vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD; Vấn đề chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ngân hàng, triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn năm 2030...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trong năm 2023, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước trong bối cảnh tình hình gặp nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.
Thủ tướng cho rằng, cần phân tích rõ hơn nguyên nhân của những thành quả và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động ngân hàng năm 2023.
Nhấn mạnh những kết quả nổi bật của hoạt động ngân hàng năm 2023, Thủ tướng nêu rõ, NHNN đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định thị trường ngoại hối, tỉ giá.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là sức ép lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời và phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; góp phần tham mưu chuyển hướng chính sách kịp thời, từ "chặt chẽ" sang "nới lỏng, linh hoạt". Giá trị tiền đồng Việt Nam được giữ ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực. Đây là những kết quả tích cực giúp cho nền kinh tế ta tiếp tục được nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao.
NHNN đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng nhiều giải pháp, chính sách cụ thể. Nổi bật là thực hiện 4 lần điều chỉnh giảm liên tục các mức lãi suất điều hành; quyết liệt điều hành tăng trưởng tín dụng trong quý IV và cuối năm 2023, đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022.
Theo Thủ tướng, NHNN đã phát huy tốt vai trò điều hành, giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. NHNN đã tích cực rà soát, hoàn thiện thể chế về tiền tệ và ngân hàng, và kịp thời xác định, tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển một số thị trường quan trọng; tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ban hành kịp thời các Thông tư số 03, Thông tư số 06, Thông tư số 10 hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản… Điều hành, giám sát, bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định và luôn trong tầm kiểm soát.
NHNN tiếp tục là ngành tiên phong trong chuyển đổi số, cải cách hành chính, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần tối ưu các chi phí cho nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. 7 năm qua, NHNN đứng đầu các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính (Par Index).
Đáng chú ý, năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng. Điều này cho thấy thu nhập được cải thiện của người dân và sự tin tưởng của người dân vào Đảng, Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Đây là nguồn lực lớn để phát triển đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng cho rằng, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Do vậy, Thủ tướng cho rằng, ngành Ngân hàng cần cố gắng hơn nữa trong bám sát, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, đúng thời điểm; hoạt động ngân hàng chấp nhận có rủi ro nhưng cần lưu ý hơn nữa các công cụ kiểm soát rủi ro; phối hợp tốt hơn nữa với các bộ, ngành; thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa với doanh nghiệp và người dân trong lúc khó khăn; coi trọng hơn nữa công tác thanh tra, giám sát.
Về định hướng điều hành trong năm 2024, Thủ tướng cho biết, năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục củng cố và tăng cường đoàn kết, đồng hành, phối hợp, chia sẻ, giúp đỡ trong hệ thống ngân hàng; giữa các cấp, các ngành, các cơ quan với hệ thống ngân hàng; giữa hệ thống ngân hàng với doanh nghiệp và người dân.
Cùng với đó, tiếp tục quán triệt "5 quyết tâm" mà Chính phủ đã xác định trong năm 2023 (quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức; quyết tâm không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật; quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024).
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng yêu cầu, NHNN và toàn ngành Ngân hàng cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để có phản ứng chính sách kịp thời. Chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô tốt.
Thủ tướng hoan nghênh việc NHNN đã có những cơ chế mới đối với việc điều hành tín dụng năm 2024 khi giao ngay hạn mức tín dụng từ ngày 1/1 cho tất cả các tổ chức tín dụng là 15%; đồng thời lưu ý điều hành tín dụng linh hoạt, kịp thời và phù hợp, theo dõi, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tăng trưởng tín dụng.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn, đúng và trúng hơn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi.
Tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra; có giải pháp kịp thời, hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại, sai phạm, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt và mở rộng hệ sinh thái số để đáp ứng kịp thời các nhu cầu của nền kinh tế. Cần có chính sách tín dụng phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên, mới nổi, trong đó có chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, y tế giáo dục…
Tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hoạt động tiền tệ, ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bắt kịp với xu thế, chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp tiếp theo. Rà soát, đánh giá sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản pháp luật quy định nghiệp vụ còn chưa phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn.
Tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, xây dựng bộ máy tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh hơn nữa đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Kiện toàn bộ máy và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát theo tinh thần phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn từ sớm, từ xa, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, "chữa bệnh phải dứt việc, để người bệnh khỏe mạnh mới thôi", xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2024.
Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền tối đa để cấp dưới xử lý kịp thời nhất các diễn biến rất nhanh của hoạt động ngân hàng. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác truyền thông, nhất là hướng dẫn người dân, như cảnh báo lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn…
Đối với các tổ chức tín dụng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Thủ tướng biểu dương sự trưởng thành, phát triển rất nhanh, một số ngân hàng thương mại được các đối tác quốc tế đánh giá cao, mua lại cổ phần… "Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng đã góp phần làm lên thành tích chung của ngành Ngân hàng, qua đó đóng góp chung cho thành tựu của đất nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương.
Thủ tướng mong muốn các ngân hàng tiếp tục nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ và NHNN, bảo đảm kinh doanh hiệu quả, an toàn, lành mạnh; chia sẻ hơn nữa với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, cùng phát triển trong hệ sinh thái chung, thúc đẩy hơn nữa niềm tin của người dân và doanh nghiệp; rà soát điều kiện, thủ tục (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống.
Thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể trong nền kinh tế, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra đối với ngành Ngân hàng trong năm 2024 và thời gian tới là rất cao, rất khó khăn, nhưng Thủ tướng tin tưởng rằng, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.
PV

Tin cùng chuyên mục