Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 09/01/2025 | 22:42

Tin hoạt động ngân hàng

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Luật Các TCTD là một luật khó, rất phức tạp và nhạy cảm

25/11/2023

​Phát biểu tiếp thu giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Luật Các TCTD là một luật rất khó, rất phức tạp và rất nhạy cảm do TCTD là các trung gian tài chính huy động tiền của người dân, của doanh nghiệp và tiền của các tổ chức khác để cho vay cho nên các TCTD phải tuân thủ các quy định để đảm bảo kiểm soát rủi ro cũng như các giới hạn an toàn.

Phát biểu tiếp thu giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Luật Các TCTD là một luật rất khó, rất phức tạp và rất nhạy cảm do TCTD là các trung gian tài chính huy động tiền của người dân, của doanh nghiệp và tiền của các tổ chức khác để cho vay cho nên các TCTD phải tuân thủ các quy định để đảm bảo kiểm soát rủi ro cũng như các giới hạn an toàn. Chính Luật Các TCTD này sẽ quy định tất cả những vấn đề giới hạn an toàn để kiểm soát rủi ro.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp thu, giải trình tại Quốc hội
Minh bạch, giảm thao túng, sở hữu chéo
Thống đốc NHNN cho biết, trong dự thảo luật này cũng có rất nhiều quy định đã được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung so với dự thảo luật mà Quốc hội đã thảo luận vào tháng 5. Đặc biệt, những nội dung để nâng cao khả năng quản trị, điều hành của các TCTD để hạn chế lạm dụng quyền của cổ đông lớn, bổ sung yêu cầu trách nhiệm và các giải pháp từ chính các cổ đông của các TCTD khi các TCTD có vấn đề; trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng quản trị và Ban điều hành của TCTD; minh bạch hóa thông tin trong hoạt động điều hành, thông tin công khai về tỷ lệ của các cổ đông nắm giữ từ 1% trở lên…
Báo cáo về một số nội dung về giảm thao túng, giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng, Thống đốc cho biết, đây là những vấn đề Đảng, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm, có rất nhiều chỉ đạo làm sao để xử lý triệt để vấn đề thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động của ngân hàng. Khi soạn thảo để đạt được mục tiêu này, NHNN cũng nhận thức rằng phải có một loạt các giải pháp mới xử lý được.
Muốn vậy, trước tiên trong luật này phải có các quy định. Dự thảo luật mà Quốc hội thảo luận vào tháng 5 có những quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân từ 5% xuống 3%. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận nhiều đại biểu có ý kiến không cần thiết phải giảm xuống 3% và đặt ra câu hỏi là quy định như vậy thì có xử lý được triệt để hay không.
Thống đốc cho biết, trong rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, NHNN trả lời rằng, nếu chỉ quy định thì không thể xử lý triệt để được, bởi vì quy định là để có căn cứ, có cơ sở xử lý khi xảy ra sai phạm, còn quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên theo Thống đốc, chỉ một mình ngành Ngân hàng cũng chưa đủ. “Chúng ta quy định 5% cổ phần, nhưng nếu cổ đông cố tình nhờ người khác đứng tên thì việc xử lý thao túng này cũng không thể xử lý được. Cho nên cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ. Việc này đòi hỏi phải có một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành Ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương. Đặc biệt là phải có một hệ thông tin về doanh nghiệp, về cá nhân để xác thực được họ là ai và họ có liên quan như thế nào với doanh nghiệp đi vay vốn và những người có liên quan…”, Thống đốc phân tích.
Bên cạnh đó, để giảm thao túng dự thảo luật đã thiết kế phải giảm tỷ lệ cấp tín dụng đối với khách hàng và những khách hàng có liên quan từ 15% xuống 10%. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng nêu việc này cần phải có lộ trình. Trên thực tế, cơ quan soạn thảo đã dự thảo một lộ trình để giảm từ 15% xuống 10%. Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu có thể sẽ giao cho Chính phủ quy định về lộ trình cụ thể này.
“Về phía NHNN trong quá trình chỉ đạo điều hành và thanh tra giám sát, chúng tôi cũng nhận diện và cũng nhận thức được cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Đặc biệt ở các TCTD đều có bộ phận kiểm soát, kiểm toán của từng TCTD. Họ phải có trách nhiệm trong việc giám sát tối cao đối với hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Đó là một số những giải pháp tôi cho rằng thời gian tới sẽ tăng cường để hoàn thiện chỉnh lý để giảm thao túng cũng như giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng”, Thống đốc phát biểu.
Cần luật hóa “can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt”
Liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và cho vay đặc biệt, Thống đốc cho biết, đây là những vấn đề rất lớn và rất cần quy định để khi các TCTD có vấn đề sẽ có cơ sở pháp lý để thực hiện. Bởi trong thời gian vừa qua khi NHNN xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng và ngân hàng yếu kém hay trong quá trình xử lý sự cố SCB, trong quá trình tham vấn các cơ quan bộ, ngành, tất cả đều nêu rằng: vậy giải pháp này thực hiện quy định ở điều nào, khoản nào trong luật? Vì vậy nếu trong luật không quy định, sau này sẽ rất khó có cơ sở để thực hiện.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn bộ các giải pháp hỗ trợ đối với TCTD trong quá trình can thiệp sớm, cho vay đặc biệt phải có tài sản đảm bảo. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng nhận thấy đây là những quy định để hướng tới những quy định mang tính phổ quát trong hoạt động của ngân hàng. Để bản thân các TCTD phải nhận thức được trách nhiệm của mình, không ỷ lại và phải chịu trách nhiệm về những rủi ro mà TCTD do họ sở hữu phát sinh, gây hệ lụy.
Đồng thời cơ quan chủ trì soạn thảo luật cũng có một số băn khoăn. Hoạt động ngân hàng là trung gian tài chính, rất dễ tác động lan truyền, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống và an ninh tiền tệ của quốc gia. Nếu trong trường hợp khẩn cấp, cấp thiết, nếu như trong luật không có những quy định để các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, lúc đó sẽ rất khó có thể có những biện pháp để xử lý trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của quốc gia.
Tuy nhiên Thống đốc cho biết, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, là những vấn đề lớn và cũng cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Bởi vậy Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Các TCTD tại kỳ họp này là hết sức cần thiết để các cơ quan có thời gian nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình báo cáo Quốc hội thông qua ở kỳ họp sau.
“Qua lắng nghe các ý kiến của đại biểu chúng tôi cũng ghi chép rất kỹ lưỡng. Tất cả những ý kiến này cơ quan soạn thảo cũng sẽ tích cực, sẽ vào cuộc ngay, phối hợp với UBKT để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và chúng tôi sẽ Báo cáo Chính phủ để Chính phủ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội ở kỳ họp sau”, Thống đốc phát biểu.
Trần Hương (TBNH)

Tin cùng chuyên mục