Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 09/01/2025 | 22:53

Tin TLĐ

Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân: Thúc đẩy đoàn viên, người lao động gắn bó với doanh nghiệp

28/08/2023

​Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội sẽ giúp đoàn viên, người lao động tại địa phương yên tâm, ổn định hơn; tạo nguồn lực lao động tốt hơn so với những địa phương không có nhà ở xã hội; tăng uy tín của tổ chức Công đoàn đối với người lao động...

Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội sẽ giúp đoàn viên, người lao động tại địa phương yên tâm, ổn định hơn; tạo nguồn lực lao động tốt hơn so với những địa phương không có nhà ở xã hội; tăng uy tín của tổ chức Công đoàn đối với người lao động...
Công nhân thuê trọ trong căn hộ khang trang tại khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam. Ảnh: Hải Nguyễn
Đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm khu đất cho Tổng LĐLĐVN
Mới đây, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho hay, Tổng LĐLĐVN đã có buổi làm việc để giải trình nhiều vấn đề với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng để thảo luận, trao đổi, thống nhất về quy định Tổng LĐLĐVN là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Trước thực trạng bức xúc về nhà ở của công nhân, theo đề xuất của Tổng LĐLĐVN, ngày 12.5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sau này sửa đổi thành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4.11.2020 của Thủ tướng Chính phủ). Tổng LĐLĐVN đã báo cáo cơ quan chức năng và thành lập Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn.
Theo đó, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức triển khai ở các địa phương khác nhau, trong đó đã xây dựng khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam, đóng tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên, được thiết kế gồm 5 tòa nhà với tổng số 244 căn hộ, 100% công nhân đã vào thuê. Vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã về khảo sát thực tế, được chứng kiến điều kiện ăn, ở, cuộc sống… của người lao động. Trong quá trình vận hành đến nay không phát sinh những vấn đề lớn.
Việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg và Quyết định số 1729/QĐ-TTg được lãnh đạo và nhân dân các địa phương, nhất là công nhân rất ủng hộ, mong chờ; đến nay đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm khu đất cho Tổng LĐLĐVN, trong đó có 13 đơn vị đã phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Định hướng đầu tư của Tổng LĐLĐVN là chỉ xây dựng để cho thuê. Nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê của Tổng LĐLĐVN lấy từ nguồn tài chính công đoàn.
Cơ quan tổ chức thực hiện là Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn có năng lực chuyên môn tốt. Đến nay, hoàn toàn có đủ cơ sở quy định Tổng LĐLĐVN tham gia đầu tư dự án nhà ở cho công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở.
“Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê vừa là vấn đề an sinh xã hội, kinh tế, thúc đẩy đoàn viên, người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đó còn là vấn đề có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn. Từ đó giúp Công đoàn làm tròn sứ mệnh của mình” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh.
Tạo ra nơi ở có môi trường tốt cho người lao động
Theo ông Lê Văn Nghĩa - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn Tổng LĐLĐVN - Tổng LĐLĐVN tham gia xây dựng nhà ở xã hội với vai trò là cơ quan chủ quản đầu tư (cơ quan phê duyệt, cấp vốn đầu tư) mà không trực tiếp với vai trò là chủ đầu tư dự án. Tổng LĐLĐVN sẽ giao Ban QLDA thiết chế Công đoàn thuộc Tổng LĐLĐVN làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Khi đó Tổng LĐLĐVN thực hiện vai trò là đơn vị chủ quản đầu tư: phê duyệt, cấp phát vốn, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt giá cho thuê.
Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê của Tổng LĐLĐVN lấy từ nguồn tài chính công đoàn.
Liên quan đến vấn đề sở hữu nhà ở công nhân, người lao động tại khu nhà ở xã hội có sự tham gia đầu tư của Tổng LĐLĐVN, ông Lê Văn Nghĩa cho biết, Tổng LĐLĐVN là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở xã hội để cho thuê đầu tư bằng nguồn vốn tài chính công đoàn.
Theo ông Lê Văn Nghĩa, nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐVN tham gia đầu tư để cho thuê được quản lý vận hành như hình thức nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, khi đó Tổng LĐLĐVN sẽ quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở; trường hợp có từ hai đơn vị trở lên đăng ký tham gia thì việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở được thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu.
Khi Tổng LĐLĐVN tham gia đầu tư các khu nhà ở xã hội để cho thuê thì người lao động sẽ được thuê những căn hộ có giá rẻ hơn so với thị trường bên ngoài. Khi xây dựng nhà ở xã hội, Tổng LĐLĐVN sẽ xây dựng khu thiết chế văn hóa - thể thao trong khu, tạo ra một nơi ở có môi trường tốt, giúp người lao động tái tạo sức lao động tốt hơn, trong khi các khu nhà ở xã hội khác ít quan tâm đến các khu văn hóa thể thao hay khu cộng đồng.
Ngoài ra, nếu xây dựng, Tổng LĐLĐVN sẽ triển khai xây nhà tại các khu ở gần khu công nghiệp, với khoảng cách từ 3-5km, xa nhất là 7-8km. Nhờ đó, áp lực về giao thông, hạ tầng sẽ giảm đi; tiết kiệm chi phí cho xã hội cũng như của người lao động. Bên cạnh đó, người lao động sẽ được đảm bảo an ninh trật tự tốt hơn khi sống trong các khu nhà này.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát triển nhà ở cho công nhân là phù hợp chức năng
Bà Nguyễn Thị Như Ý - Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho biết: Nhu cầu nhà ở cho công nhân tại Đồng Nai rất lớn, song số lượng nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho người lao động thu nhập thấp đang thấp. Do đó việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động. Trong đó, chăm lo đến nhu cầu thiết yếu của đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, đó là nhu cầu về nhà ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu phục vụ nhu cầu ở...
Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 20.000 khu nhà trọ với khoảng hơn 150.000 phòng trọ, đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho NLĐ. Năm 2021, LĐLĐ tỉnh khảo sát nhu cầu nhà ở của NLĐ, có hơn 50% NLĐ được hỏi cho biết, với đồng lương ít ỏi, khả năng tài chính của NLĐ chỉ dưới 300 triệu đồng cho một căn nhà, do tài sản tích lũy được của NLĐ từ tiền lương, tiền công hạn chế. Trong khi đó, giá trị một căn nhà trên địa bàn có thể lên tới cả tỉ đồng.
Khảo sát khác của tổ chức Công đoàn tỉnh Đồng Nai cũng cho thấy, NLĐ đang sống trong các phòng trọ chật chội, nóng bức với tiền thuê từ khoảng 800.000 đồng - 1,5 triệu đồng/tháng. Nhiều NLĐ, nhất là lao động có thu nhập thấp đang trông chờ vào các dự án nhà ở xã hội giá rẻ để họ có thể mua căn hộ trả góp, phù hợp thu nhập.
Thực tế khác cho thấy, trong năm 2022 và năm 2023, thu nhập của NLĐ bị giảm sâu tới 50% do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, khiến nhu cầu về nhà ở công nhân ngày càng trở nên cấp thiết. 
Hà Anh Chiến (Báo Lao động)

Tin cùng chuyên mục