Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 06:44

Công tác nữ công

Phụ nữ ngân hàng chủ động thích nghi trong thời đại số

04/03/2023

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và thi đua lập thành tích hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng (6/5/2023), Thời báo Ngân hàng phối hợp cùng Công đoàn Ngân hàng Vietcombank và một số đơn vị tổ chức Talk show với chủ đề “Nữ cán bộ ngân hàng trong thời đại số”.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và thi đua lập thành tích hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng (6/5/2023), Thời báo Ngân hàng phối hợp cùng Công đoàn Ngân hàng Vietcombank và một số đơn vị tổ chức Talk show với chủ đề “Nữ cán bộ ngân hàng trong thời đại số”.

Tham dự Talk show có bà Lê Thị Quyên, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn cơ quan Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Trung ương; ông Ngô Đức Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Vietcombank và bà Nguyễn Thu Hằng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).
Làm tốt công tác bình đẳng giới
Trao đổi tại Talk show, bà Lê Thị Quyên chia sẻ, trong thời gian qua, Công đoàn cơ quan NHNN Trung ương đã không ngừng có các hoạt động nhằm tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động nữ. Đơn cử như xác định được vai trò quan trọng của công tác bình đẳng giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác cán bộ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Ngành.
Hiện nay, theo thống kê, lực lượng lao động nữ trong toàn ngành Ngân hàng đang chiếm tới hơn 58%, tham gia trên tất cả các lĩnh vực, từ hoạch định chính sách, đào tạo, thực hiện các nghiệp vụ khác nhau của Ngân hàng Trung ương, ngân hàng thương mại, đến các hoạt động xã hội, đoàn thể. Ngày 31/12/2021, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 2133/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021-2030. Đây có thể nói là những điều kiện hết sức thuận lợi cho nữ cán bộ ngành Ngân hàng phát triển.
Cùng bàn luận về công tác bình đẳng giới, ông Ngô Đức Bình cho biết, tại Ngân hàng Vietcombank, công tác bình đẳng giới rất được quan tâm. Thấu hiểu được nỗi vất vả của cán bộ nữ khi vừa phải lo công việc chuyên môn, vừa phải chăm lo cho gia đình, Ban lãnh đạo Vietcombank đã có các chính sách dành riêng cho chị em phụ nữ. Ví dụ như, tại ngân hàng có phòng vắt sữa cho nữ cán bộ, các chương trình, chính sách cho cán bộ nữ ngày càng phát triển, ngay cả trong quy hoạch cán bộ cũng có quy định rõ ràng về tỷ lệ cán bộ nữ. Điều này góp phần chứng tỏ những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác bình đẳng giới đã đi vào cuộc sống.
Bà Nguyễn Thu Hằng, Phó Tổng Giám đốc CIC chia sẻ, công tác bình đẳng giới tại CIC luôn được quan tâm, chú trọng bởi lẽ Ban lãnh đạo nhận thức sâu sắc rằng khi triển khai công tác này tốt, sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển, đầu tiên là các nữ cán bộ, kế tiếp là cơ quan, đơn vị và cả ngành. Khi được đối xử bình đẳng, người phụ nữ sẽ có động lực vươn lên mạnh mẽ, có ý chí phấn đấu để cống hiến cho ngành và cho xã hội.
CIC đã chủ động ban hành các chính sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ nữ như: Xây dựng phòng trữ sữa để các cán bộ nữ dễ dàng thực hiện thiên chức làm mẹ khi trở lại công tác sau chế độ thai sản; tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho cán bộ, công nhân viên chức CIC, trong đó riêng nữ cán bộ được khám thêm 01 lần/năm. Ban chấp hành Công đoàn cũng có những chế độ để thăm hỏi, động viên đối với các cán bộ khi bị ốm; thường xuyên hỗ trợ một phần kinh phí cho các hoạt động thể thao, văn nghệ của các công đoàn viên nữ để giúp cán bộ nâng cao sức khỏe, thể lực, tinh thần.
Bên cạnh đó, CIC thường xuyên triển khai các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phổ biến các chương trình đào tạo về công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn... tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa để các cán bộ nữ tham gia các chương trình đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành Ngân hàng và toàn xã hội.
Nhập cuộc thời đại số với đủ “tâm, tài, đức”
Theo ông Ngô Đức Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Vietcombank, trong thời đại công nghệ số phát triển, có nhiều cơ hội cũng như thách thức, mỗi nữ cán bộ trước hết cần yêu Ngành, yêu nghề, có tính liêm chính, chuẩn mực trong tư duy, hành động, thích ứng nhanh trong quá trình chuyển đổi số.
“Cán bộ nữ ngành Ngân hàng cần hội tụ đủ “tâm, tài, đức” để khẳng định vị thế trong thời đại mới”, ông Bình nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bà Lê Thị Quyên cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã có những tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế - xã hội, để thích nghi và hội nhập, trước hết người cán bộ phải giỏi chuyên môn, có giỏi chuyên môn thì mới đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập sâu và rộng.
Bên cạnh đó, theo bà Quyên, hiện ngành Ngân hàng đã đưa ra bộ quy chuẩn ứng xử trong Ngành, Công đoàn cơ quan NHNN Trung ương đã phát động toàn thể cán bộ trong ngành thực hiện bộ quy chuẩn này. Các công đoàn cơ sở cần phối hợp với chuyên môn tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt Quy chế văn hóa công sở, trật tự nội vụ tại Cơ quan NHNN Trung ương.
Trong thời gian tới, trước những vận hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn cơ quan NHNN Trung ương chia sẻ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Ban lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các cấp, công đoàn chuyên môn đối với hoạt động dành cho lao động nữ của Ngành. Đồng thời, mong rằng sẽ có nhiều buổi tập huấn, trao đổi, tọa đàm dành riêng cho cán bộ nữ, giúp các cán bộ nữ tiếp cận và sử dụng các thiết bị công nghệ một cách tốt nhất.
Để hỗ trợ cho cán bộ nữ, bà Nguyễn Thu Hằng cũng cho rằng việc tiếp cận các công nghệ mới vô cùng quan trọng, vì thế rất cần các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm, có riêng những lớp học về công nghệ cho cán bộ nữ.
Cho rằng mặt trái của quá trình chuyển đổi số là sẽ giảm dần nguồn nhân lực trực tiếp, ông Ngô Đức Bình nhấn mạnh cần có cơ chế, chính sách đảm bảo lợi ích của các cán bộ nữ toàn hệ thống ngân hàng. Tại Vietcombank, hiện công đoàn ngân hàng dành 60 - 70% kinh phí để tổ chức các hoạt động nữ công dành cho cán bộ nữ. Thời gian tới, ngân hàng sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để cán bộ nữ có cơ hội tiếp cận với các kiến thức mới. Ngoài ra, thúc đẩy phong trào nữ đoàn viên trẻ đồng hành cùng nữ đoàn viên cao tuổi trong quá trình chuyển đổi số.
Bà Lê Thị Quyên, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn cơ quan NHNN Trung ương: Chăm lo cho người lao động bằng cái tâm của người làm công tác công đoàn
Nhiệm vụ của tổ chức công đoàn là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, chúng tôi làm bằng cái tâm của người làm công tác công đoàn, đặt mình vào vị trí của người lao động. Với trách nhiệm là tổ chức công đoàn của cơ quan NHNN Trung ương, chúng tôi ý thức được nhiệm vụ của mình, để có thể chăm lo đời sống của đoàn viên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Công đoàn đã tích cực tổ chức các hoạt động online để động viên tinh thần người lao động, khi dịch bệnh được đẩy lùi, các hoạt động trực tiếp đã quay trở lại. Ngoài ra, Công đoàn cơ quan NHNN Trung ương cũng tích cực chăm lo cho sức khoẻ của người lao động như hỗ trợ mua bảo hiểm cho người lao động; chăm sóc thăm hỏi ốm đau, hỗ trợ người có bệnh hiểm nghèo, tổ chức hoạt động cho các cháu con em cán bộ, các chương trình an sinh - xã hội.
Có thể nói, một trong những lợi thế của của Công đoàn cơ quan NHNN Trung ương là được sự quan tâm của đồng chí Phó Thống đốc, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú. Việc triển khai công tác tham gia quản lý cơ quan và thực hiện Quy chế phối hợp giữa Thủ trưởng hành chính Cơ quan NHNN Trung ương và Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan NHNN Trung ương theo Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT-NHNNVN-CĐCQNHNNTW ngày 17/7/2018 được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phối hợp chặt chẽ. Từ đó, tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn phát huy tốt vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của Công đoàn cơ quan NHNN Trung ương đối với các công đoàn cơ sở trực thuộc.
Ông Ngô Đức Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Vietcombank: Hoạt động dựa trên 5 giá trị cốt lõi
Nhắc tới Vietcombank là nhắc tới ngân hàng xanh, phát triển bền vững, vì cộng đồng, là ngân hàng chủ lực trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, những thành tích, thương hiệu uy tín mà Vietcombank đạt được đó là nhờ vào tầm nhìn chiến lược và năng lực quản trị của các thế hệ lãnh đạo, sự chung sức đồng lòng của tất cả người lao động, đặc biệt là giá trị tư tưởng, văn hoá được bảo tồn, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. 5 giá trị cốt lõi của ngân hàng đó chính là: Tin cậy, Chuẩn mực, Sẵn sàng đổi mới, Bền vững và Nhân văn.
Hiện tại, các hoạt động hiện tại của ngân hàng xoay quanh 5 giá trị này, tạo nên văn hóa, bản sắc của Vietcombank, để tất cả người lao động đồng lòng, cùng vững bước đưa ngân hàng phát triển trên chặng đường sắp tới.
Vietcombank luôn coi giá trị văn hóa là nền tảng, con người là trung tâm trong quá trình phát triển, chính vì thế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá, nhân tố quyết định hiệu quả kinh doanh và phát triển của ngân hàng. Trong quá trình tái cơ cấu, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển ngân hàng, công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Từ việc xây dựng cơ chế lương, đãi ngộ ưu việt thì từ khâu tuyển dụng, quy hoạch, sử dụng cán bộ cũng được thực hiện bài bản, phù  hợp với năng lực công tác. Đặc biệt là sự phát hiện, đào tạo cán bộ trẻ, từ đó có nguồn cán bộ chất lượng.
Năm 2022, là năm thứ bảy liên tiếp ngân hàng được bình chọn là doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam, tạo sự hấp dẫn với thị trường lao động và sự tự hào của ngân hàng. Hiện việc xây dựng đội ngũ nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên”, có tính sáng tạo, linh hoạt cao đang là ưu tiên của Vietcombank. Ngoài ra, công tác đào tạo nhân lực cũng được ngân hàng chú trọng và đổi mới mỗi ngày.
Bà Nguyễn Thu Hằng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC): Đi đầu trong phát triển phong trào công đoàn, nữ công
Để triển khai thành công các phong trào nữ công tại CIC, trước hết, là sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn từ các cấp lãnh đạo NHNN cũng như Ban Lãnh đạo, Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Nữ công CIC. Bên cạnh đó, CIC với 70% cán bộ là nữ, đa số là những cán bộ trẻ, có năng lực trình độ, năng lực, nhiệt tình, sáng tạo, luôn hãng hái tham gia các hoạt động chuyên môn cũng như ngoại khóa do Ban chấp hành Công đoàn, Ban Nữ công phát động. Tôi nghĩ đây cũng là một lợi thế rất lớn tạo nên sự thành công cho hoạt động nữ công tại CIC trong thời gian qua.
Thời gian qua, Ban Nữ công CIC đã phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động công đoàn nói chung, hoạt động nữ công nói riêng, tổ chức nhiều hoạt động, sinh hoạt định kỳ nhằm tạo điều kiện cho chị em phát huy tốt vai trò và khả năng của mình trong cả công việc chuyên môn và công tác xã hội.
Đơn cử như bên cạnh việc tích cực tham gia các hoạt động, cuộc thi do Công đoàn, Ban Nữ công Ngân hàng Trung ương tổ chức, Công đoàn CIC cũng đã chủ động tổ chức thành công các Cuộc thi như “Ảnh đẹp nữ công qua Smartphone” và “Duyên dáng áo dài phụ nữ CIC” tạo được không khí vui tươi, khí thế cho toàn đơn vị, để lại dấu ấn không chỉ với các cán bộ CIC mà còn với chính những đoàn viên tham gia dự thi cùng những kỉ niệm đẹp trong quá trình công tác.
Bên cạnh đó, Ban Nữ công đã phối hợp Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức được nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, hội nghị, tọa đàm và mời chuyên gia đến nói chuyện xoay quanh các chủ đề về “Bình an và Hạnh phúc”, “Bí quyết giữ lửa gia đình”, “Trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho cán bộ nữ CIC”, “Nghệ thuật nuôi dưỡng tình yêu trong hôn nhân”, “Phụ nữ với cân bằng công việc và cuộc sống”.... Đây là các chương trình rất thiết thực, giúp các cán bộ nữ CIC trang bị những kiến thức quý, làm hành trang trong cuộc sống, phát huy tốt hơn vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình.
Bài: Quỳnh Trang, ảnh: Hoàng Giáp (TBNH)


Tin cùng chuyên mục