Vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ ngành Ngân hàng thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước và hội nhập quốc tế
16/01/2015
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành Ngân hàng đã có bước tiến quan trọng, kịp thời đáp ứng được những nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó trong từng thời kỳ. Trong đó, tổ chức Công đoàn và đoàn viên, lao động ngành Ngân hàng rất vinh dự được đóng góp công sức và trí tuệ vào sự phát triển chung đó, đặc biệt thông qua các phong trào thi đua yêu nước đầy tính sáng tạo.
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐNHVN) đã chủ động, tích cực tuyên truyền cán bộ, CNVCLĐ trong toàn Ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 39 - CT/TW ngày 21 tháng 5 năm 2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”; Chỉ thị số 34 - CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động; các Quy định của Luật Thi đua Khen thưởng.Qua đó đã quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò của công tác thi đua khen thưởng; đổi mới nhận thức, quan điểm, biện pháp tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, gắn nội dung các phong trào thi đua với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của từng cơ quan, đơn vị và nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Với tinh thần đó, CĐNHVN và các cấp công đoàn trong toàn Ngành đã có nhiều đổi mới nội dung, phương thức, hình thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn, với phương châm thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở và người lao động.CĐNHVN đã chỉ đạo và hướng dẫn các cấp công đoàn thường xuyên phát động các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”; phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời cụ thể hóa các phong trào thi đua của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN tại Công đoàn cấp trên cơ sở, CĐCS trực thuộc CĐNHVN như: phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ngân hàng giai đoạn 2010 - 2015; phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ngân hàng theo từng năm; Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Phong trào thi đua kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam”; “Phong trào thi đua lập thành tích kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc”... Theo đó, các cấp Công đoàn trong toàn Ngành đã hưởng ứng phát động thi đua tại từng đơn vị bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị của từng đơn và của toàn Ngành như: phong trào thi đua “lao động giỏi, huy động vốn, nâng cao chất lượng tín dụng”; “Hoạt động Ngân hàng an toàn, hiệu quả, hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế”; “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh”; “Phong trào thi đua gói kích thích bán hàng nhóm dịch vụ ngân hàng điện tử”, “Giảng dạy, học tập nghiên cứu khoa học tốt - quản lý và phục vụ tốt; “Đẩy mạnh trật tự kỷ cương và văn hóa công sở”; “xây dựng phát triển thương hiệu và thực hiện văn hóa tại đơn vị” ...
Phong trào thi đua đã có sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa chuyên môn với các tổ chức đoàn thể. Nội dung thi đua tập trung vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Phương pháp tổ chức phong trào thi đua được đổi mới theo hướng gần gũi, thân thiện, thiết thực với mọi đối tượng tham gia. Quá trình tổ chức, triển khai đều được thực hiện đúng quy trình, quy định như đăng ký thi đua, ký kết giao ước thi đua từ các tổ công đoàn, công đoàn cơ sở…. Mỗi một phong trào thi đua dù ở quy mô toàn ngành hay trong từng hệ thống, từng đơn vị cơ sở khi kết thúc các đơn vị đều tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và tuyên dương khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, tạo không khí phấn khởi đối với CNVCLĐ tiếp tục thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong từng tập thể. Chính vì vậy, phong trào thi đua đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và tích cực của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và toàn Ngành.
Với những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn vừa qua (2010 - 2014) CĐNHVN đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất; Tổng LĐLĐVN tăng thưởng gần 102 Cờ thi đua các loại; hơn 863 bằng khen cho tập thể, cá nhân; Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tặng thưởng 319 Cờ thi đua các loại; hơn 6.327 bằng khen cho tập thể, cá nhân; tôn vinh 85 gương điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ ngành Ngân hàng giai đoạn 2011 - 2013; Thống đốc NHNN, TLĐ và CĐNHVN tôn vinh 81 gia đình, 209 cá nhân tại Hội nghị biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu lần thứ III.
Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến ngành Ngân hàng giai đoạn 2011 - 2013
Trên cơ sở đề nghị khen thưởng của các cấp công đoàn trong toàn ngành, CĐNHVN đã tổ chức tiếp nhận, rà soát, thẩm định mỗi năm từ 1.500 đến 1.700 bộ hồ sơ đề nghị khen thưởng/tổng số đoàn viên thuộc hệ thống CĐNHVN là hơn 134.000 người và hơn 860 CĐCS (trong đó đề nghị khen thưởng cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoảng 0,8% đến 1%) theo đúng quy trình, tuyến trình và đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Nhà nước, của Tổng LĐLĐVN và CĐNHVN.
Từ thực tiễn tổ chức các phong trào thi đua, phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến những năm qua, CĐNHVN rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; các phong trào thi đua do tổ chức Công đoàn phải thiết thực, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhiệm vụ chính trị của Ngành; khen thưởng phải chính xác, kịp thời, đặc biệt quan tâm đến đối tượng là công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; phát hiện, bồi dưỡng, khen thưởng cá nhân điển hình tiên tiến một cách kịp thời, công khai, dân chủ, đúng người đúng việc, đúng thành tích; cần phải tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng hợp lý và bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, công tâm, nhất là ở các đơn vị cơ sở.
TH - Ban CS - PL CĐNHVN