Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 14:28

Công tác nữ công

Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình

01/06/2022

Đây là dịp để các cấp, các ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng nhìn nhận và nâng cao trách nhiệm trong công tác gia đình và trẻ em, vì mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tháng 6 là Tháng hành động vì trẻ em và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.Đây là dịp để các cấp, các ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng nhìn nhận và nâng cao trách nhiệm trong công tác gia đình và trẻ em, vì mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tại Việt Nam còn được gọi là ngày Tết Thiếu nhi, bên cạnh Tết Trung thu thì đây là một ngày hội lớn của trẻ nhỏ, được các em háo hức mong đợi.
Tuy nhiên, ít ai biết nguồn gốc Ngày Quốc tế Thiếu nhi bắt đầu từ sự kiện lịch sử buồn của nhân loại, khi Phát xít Đức gây ra tội ác tàn nhẫn ở các nước Châu Âu và rất nhiều trẻ em vô tội đã bị sát hại. Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1949, Liên đoàn phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hằng năm làm Ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi, yêu cầu chính phủ các nước chịu trách nhiệm về quyền của trẻ em.
Ở Việt Nam, Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) diễn ra trong giai đoạn cam go, khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Sau ngày thống nhất đất nước, văn bản pháp luật về trẻ em đầu tiên được ban hành là Pháp lệnh bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 14/11/1979. Từ đó đến nay, chính sách pháp luật của Việt Nam về trẻ em không ngừng được hoàn thiện. Việt Namcũng là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Hàng năm, Tháng hàng động vì trẻ em đều có một chủ đề hoạt động kèm theo các thông điệp tuyên truyền ý nghĩa. Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 có chủ đề: "Chung tay bảo vệ trẻ em hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em", truyền tải thông điệp: "Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên trong gia đình".
Tháng hành động phòng chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác xây dựng gia đình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 04/5/2001, Quyết định số 363/QĐ-TTg ngày 08/3/2016 quy định ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng 6 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tới nay, ngày Gia đình Việt Nam là một ngày hội lớn được nhiều nơi tổ chức kỷ niệm, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Năm 2022, chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam là "Gia đình bình an – Xã hội hạnh phúc". Chủ đề của Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình là: "Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội", với thông điệp tuyên truyền chính:
- Quan tâm đến công tác gia đình cần cụ thể hóa bằng hoặt động của công đoàn cơ sở.
- Xây dựng gia đình biến mọi phiền muộn trở thành hạnh phúc, niềm vui giản dị mỗi ngày.
Mỗi ĐV, NLĐ hãy tích cực hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm “Ngày Gia đình Việt Nam” và "Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá ứng xử tốt đẹp trong gia đình; gắn kết tình cảm, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp của gia đình Việt trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Hà Phương

Tin cùng chuyên mục