Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 10:05

Tin tổng hợp

Giỗ Tổ Hùng Vương: Linh thiêng cội nguồn dân Việt

09/04/2022

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của dân tộc Việt với minh triết “Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn” được trao truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành nghi lễ dân gian mang tầm quốc lễ ở Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của dân tộc Việt với minh triết “Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn” được trao truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành nghi lễ dân gian mang tầm quốc lễ ở Việt Nam.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”
Câu ca ấy tự bao đời đã thấm sâu trong tâm thức mỗi người con đất Việt. Cứ mỗi tiết cuối xuân này, muôn triệu tấm lòng trên xứ sở hình chữ S lại cùng nhau hướng về đất Tổ, thành kính và ngập tràn thương yêu.
Ảnh minh hoạ
Các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay gắn liền với kỷ niệm 10 năm Tổ chức Văn hóa-Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận và ghi danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với ý nghĩa đặc biệt đó, với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương", tinh thần chung của lễ Giỗ Tổ năm nay là phát huy tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc; lấy người dân làm trung tâm, tạo điều kiện cho các địa phương và nhân dân cả nước trực tiếp tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên.
Đúng sáng ngày chính Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba âm lịch (10/4), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương và đông đảo người dân đã về dâng lễ, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ).
Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, chúng ta đang thích ứng linh hoạt và phòng chống dịch bệnh Covid rất hiệu quả, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức rộng rãi trên cả nước một cách trang trọng và đảm bảo an toàn.
Cũng trong dịp này, đoàn đại biểu kiều bào tiêu biểu từ 16 nước do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu làm Trưởng đoàn đã về thăm và dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Đây là hoạt động thường niên từ nhiều năm nay do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, đáp ứng nguyện vọng của bà con Việt kiều khắp nơi trên thế giới. Sau 2 năm bị gián đoạn do dịch bệnh, đến năm nay, hoạt động này đã được tổ chức trở lại.
Theo ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022, lễ giỗ trực tuyến "Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022 - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng" toàn cầu được diễn ra với sự tham gia của đông đảo kiều bào và bạn bè quốc tế từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Chương trình nhằm kết nối người Việt trên toàn cầu và bạn bè quốc tế, xây dựng cây cầu văn hoá hữu nghị vững chắc, tình bạn chân thành giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, mà còn đối với cả bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam.
Người dân Việt Nam mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, cùng thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng. Đây là một nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc riêng, góp phần tạo ra hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Khôi - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Phú Thọ nhấn mạnh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước đã tạo lập ra một quốc gia, dân tộc. Ngọc Phả Hùng Vương soạn vào thời triều đại nhà Lê đời Hồng Đức nguyên niên (1470) cho thấy, ngay từ đời nhà Đinh, Lê, Lý, Trần và Hậu Lê, việc thờ cúng Hùng Vương đã được tổ chức. Nhân dân các vùng của đất nước đều đến lễ để tưởng nhớ các đấng Thánh Tổ ngày xưa.
Có thể nói, đây là biểu hiện cao nhất và triệt để nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam. Qua đó, là sự tri ân đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Với lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc, cộng đồng các dân tộc Việt đã đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng. Qua thời gian, tín ngưỡng này đã trở thành biểu tượng văn hóa, tượng trưng và là cội nguồn của truyền thống đoàn kết, là nguồn sức mạnh tinh thần đặc biệt để cả dân tộc luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tất cả những điều này đã, đang và sẽ được gìn giữ và tiếp nối, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của dân tộc Việt với minh triết “Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn” được trao truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành nghi lễ dân gian mang tầm quốc lễ ở Việt Nam.
Cho đến nay, trên cả nước có 1.417 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại; khẳng định sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc, tự hào về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tạo sức mạnh vô tận cho việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam.
PV (TBNH)


Tin cùng chuyên mục