Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 08:47

Tin hoạt động ngân hàng

Cải cách hành chính: Đặt trọng tâm hỗ trợ nâng cao nội lực nền kinh tế

22/02/2022

Thành quả của công cuộc CCHC những năm qua cũng là nền tảng để NHNN tiếp tục phát huy vai trò của mình thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, đón đầu cơ hội phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Với vị thế của một ngành kinh tế trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng luôn đặt doanh nghiệp và người dân vào vị trí trung tâm trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC). Thành quả của công cuộc CCHC những năm qua cũng là nền tảng để NHNN tiếp tục phát huy vai trò của mình thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, đón đầu cơ hội phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Tiếp sức các động lực phát triển
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng với việc nhận thức được rõ trách nhiệm của mình và quan điểm “cộng sinh” cùng doanh nghiệp, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát NHNN đã chỉ đạo TCTD triển khai nhiều giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với đại dịch. Đồng thời tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp hơn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã kịp thời xây dựng, sửa đổi và ban hành bám sát diễn biến của nền kinh tế. Như Thông tư 01/2020/TT-NHNN đã được sửa đổi, bổ sung hai lần trong năm 2021 theo hướng mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian thụ hưởng cho phù hợp với diễn biến dịch bệnh trong năm 2021. Kết quả là tính từ đầu dịch đến nay, các TCTD đã miễn, giảm lãi suất cho trên 2,2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng, tổng số tiền lãi các TCTD đã miễn, giảm đạt khoảng 37.500 tỷ đồng; 1,32 triệu khách hàng đã được vay mới trên 7,6 triệu tỷ đồng với lãi suất thấp. Tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm 2021 và cao hơn cùng kỳ năm 2020.
“Có thể nói đây là kết quả rất quan trọng, một giải pháp có tính đặc thù của Việt Nam, khác với các nước trên thế giới trong điều hành hoạt động tiền tệ, tín dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế khắc phục khó khăn do dịch bệnh”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Cùng với chính sách then chốt hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, trong năm qua NHNN cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo các TCTD triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, như: chính sách trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ vốn cho VNAirlines; cho vay doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để thu mua, tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu...
Kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả
Trong năm 2021, NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch cho các TCTD và doanh nghiệp. Trong năm, NHNN đã ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành 01 Nghị định, 02 Quyết định và 20 Thông tư về liên quan đến chính sách tiền tệ, quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, thanh toán và một số lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, NHNN đã tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 trình Chính phủ; đồng thời, đề xuất và được Chính phủ đồng ý trình Quốc hội xem xét gia hạn thời gian áp dụng; trình Chính phủ thông qua đề nghị Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025. Hiện NHNN đang tập trung hoàn thiện Nghị định mới về TTKDTM và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai đồng bộ với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến và hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động giải quyết TTHC theo tiêu chuẩn ISO. NHNN đã ban hành kế hoạch triển khai với mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025; cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020; đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Kết quả đánh giá, chấm điểm công chức, đơn vị tiếp nhận giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC thuộc NHNN trong năm 2021, đạt bình quân 17,2/18 điểm (đạt mức xuất sắc về tuân thủ quy định một cửa trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC) cũng phần nào minh chứng cho kết quả cải cách hành chính của NHNN.
Cũng trong năm 2021, NHNN đã cập nhật hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0; xây dựng; hoàn thành kết nối liên thông Cổng dịch vụ công NHNN với Cổng dịch vụ công quốc gia để sử dụng chung Hệ thống xác thực và công khai cho người dân, doanh nghiệp tình hình kết quả giải quyết TTHC của NHNN; kết nối hệ thống Dịch vụ công NHNN với Hệ thống của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hiện, NHNN đang cung cấp 62 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công NHNN, Trang điện tử CIC và Cổng Hải quan một cửa quốc gia. Số lượng hồ sơ trực tuyến bình quân hàng năm chiếm trên 40% tổng số hồ sơ Dịch vụ công NHNN đã tiếp nhận và xử lý. NHNN tiếp tục nâng cấp 25 TTHC lên dịch vụ công mức độ 3, 4 và đang trong quá trình hoàn hiện để đưa vào sử dụng trong năm 2022…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai 6 lĩnh vực CCHC theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 của NHNN, từng bước hoàn thiện phương thức quản lý và tổ chức, bộ máy theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu quả; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của NHNN và phát triển hệ thống ngân hàng ổn định, bền vững, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán và phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các TCTD, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính với NHNN tiếp tục được cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; trọng tâm là đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, tăng cường phân cấp và tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính. Đồng thời, hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại NHNN theo hướng số hóa hồ sơ tiếp nhận; điện tử hóa quy trình giải quyết trong nội bộ NHNN; hình thành kho dữ liệu các thành phần hồ sơ dùng chung để giảm thành phần hồ sơ cho tổ chức, cá nhân.
NHNN cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đáp ứng các định hướng xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; hình thành các mô hình hoạt động ngân hàng dựa trên dữ liệu và công nghệ số; tạo điều kiện phát triển ngân hàng số; tăng cường kết nối, chia sẻ hạ tầng, dữ liệu với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng, phát triển hệ sinh thái số.
Nhất Thanh (TBNH)

Tin cùng chuyên mục