Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 08:29

Tin hoạt động ngân hàng

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng

09/02/2022

Ngày 08/2/2022 (tức mùng 8 Tết Nhâm Dần) tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Đ/c Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Đ/c Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm, chúc Tết và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức và viên chức ngành Ngân hàng.

Ngày 08/2/2022 (tức mùng 8 Tết Nhâm Dần) tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Đ/c Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Đ/c Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm, chúc Tết và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức và viên chức ngành Ngân hàng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng
Tham dự buổi gặp mặt đầu Xuân Nhâm Dần 2022 có Đ/c Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; các đồng chí trong Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN; cán bộ, công chức các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN; Đảng ủy cơ quan NHTW, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Công đoàn NHNN trung ương, Đoàn Thanh niên NHTW; Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại có trụ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, trong năm 2021, chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên diện rộng với biến chủng mới, mạnh, nguy hiểm hơn, tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát hơn, những diễn biến chưa có tiền lệ, dịch bùng phát khi chúng ta chưa có đủ vaccine trong lúc vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có thuốc điều trị, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế.
Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, chúng ta còn phải triển khai nhiệm vụ đột xuất, bất ngờ là phòng, chống dịch, đồng thời tổ chức rất thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kiện toàn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước; tổ chức 7 hội nghị lớn để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã thực hiện "đa mục tiêu", đất nước ta đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng trên nhiều lĩnh vực.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tự tin, yên tâm mở cửa trở lại, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, đưa đời sống kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường.
Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế từ suy giảm 6,17% trong quý III/2021 đã tăng trở lại 5,22% trong quý IV/2021 và đưa GDP cả năm 2021 đạt mức tăng 2,58%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 1,84%, kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ lục với gần 670 tỷ USD...
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, năm nay, chúng ta đón Tết trong trạng thái yên tâm hơn, Thành phố Hồ Chí Minh – nơi dịch bệnh từng diễn biến phức tạp nhất - đã mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội nhưng số ca mắc, chuyển nặng và tử vong giảm rất sâu nhờ bao phủ vaccine mũi thứ 3.
"Trong điều kiện hết sức khó khăn, chúng ta đã bình tĩnh, tự tin vượt qua, khẳng định rất rõ sự ưu việt của chế độ ta với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nhân dân tin tưởng, yên tâm để bước sang một giai đoạn mới", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thăm phòng truyền thống ngành Ngân hàng
Những thành tựu và kết quả đạt được nói trên của đất nước có sự đóng góp trực tiếp và quan trọng của ngành Ngân hàng - một trong những ngành quan trọng, huyết mạch của nền kinh tế. Hoạt động của ngành góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; phục vụ, bảo đảm cho các hoạt động, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân; góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Ngành đã triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; ban hành chính sách hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí.Khoảng 600.000 khách hàng với dư nợ trên 280.000 tỷ đồng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; gần 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn gần 4 triệu tỷ đồng được miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay; khoảng 1,2 triệu khách hàng được cho vay mới lãi suất thấp hơn trước dịch với doanh số đạt trên 7 triệu tỷ đồng; miễn, giảm hơn 2.500 tỷ đồng phí dịch vụ thanh toán, cho vay đối với đơn vị sử dụng lao động, người lao động qua Ngân hàng chính sách xã hội; giải ngân cho Vietnam Airlines tháo gỡ khó khăn theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng là ngành đi đầu trong việc hỗ trợ phòng chống dịch với số tiền hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm cho bà con vùng dịch…
Ngành ngân hàng tiếp tục tích cực hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, 6 năm liên tục đứng đầu các bộ, ngành về cải cách hành chính là điều rất ấn tượng. Ngành đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngành ngân hàng đã chú trọng xử lý quyết liệt, mạnh mẽ hơn với các tổ chức tín dụng yếu kém dù đây là việc phức tạp, đòi hỏi quyết tâm cao và nỗ lực lớn… Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, linh hoạt, khéo léo xử lý các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế của ngành ngân hàng…
Thời gian qua, NHNN đã rất tích cực triển khai công tác truyền thông, cung cấp thông tin tới người dân, doanh nghiệp. Công tác truyền thông của ngành Ngân hàng rất quan trọng do có sức ảnh hưởng lớn tới đại chúng, ảnh hưởng tới toàn dân nên việc thông tin, truyền thông và thông tin của NHN đã giúp người dân nắm bắt được chủ trương, đường lối của Đảng, từ đó dân tin và làm theo. Thực tế cho thấy, công tác truyền thông của NHNN đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chỉ đạo, điều hành của NHNN.
Năm 2022 và thời gian tới, ngành ngân hàng có nhiều thuận lợi như đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới; dịch bệnh được kiểm soát; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, phải chuẩn bị tâm thế, giải pháp phù hợp.
Chính phủ đã xác định chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4%...
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị trong ngành Ngân hàng phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa khi chúng ta triển khai những nhiệm vụ hết sức chiến lược là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ nhất, NHNN và toàn ngành Ngân hàng cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 128 và phát triển KTXH theo tinh thần các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ.. "Đã đổi mới phải tiếp tục đổi mới, đã tiên phong phải tiếp tục tiên phong, ngành Ngân hàng có hoạt động tốt thì nền kinh tế mới hoạt động tốt, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và sự ấm no, hạnh phúc của người dân để chúng ta làm việc. Làm sao để mọi người dân, mọi doanh nghiệp được hưởng lợi từ hoạt động của ngành ngân hàng", Thủ tướng yêu cầu.
Thứ hai , ngành Ngân hàng phải tiếp tục góp phần quan trọng, đắc lực cho việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phục vụ hoạt động thông suốt của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là phục vụ hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, chương trình tổng thể phòng chống dịch, triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng lưu ý, cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả để đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho xây dựng và phát triển đất nước.
Tập trung làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo, phân tích, bám sát tình hình, có giải pháp phù hợp, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, đây là vấn đề hết sức chiến lược mà ngành Ngân hàng phải làm tốt thì Đảng, Nhà nước, nhân dân mới có thể yên tâm.
Thứ ba, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển SXKD. Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ như: Tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng…
Thứ tư ,triển khai quyết liệt, hiệu quả việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu… Không để những yếu kém nhỏ tích tụ lại thành yếu kém, sai phạm lớn.
Thứ năm, ngành Ngân hàng cần tiếp tục đi đầu, mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa trong chuyển đổi số; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế bởi các quy định không bao giờ phủ hết được hết các góc cạnh của cuộc sống. Cùng với đó, tích cực triển khai công tác truyền thông, cung cấp thông tin, việc này cần chú ý vì hoạt động ngân hàng liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp…
Thứ sáu, tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Thứ bảy, trong hoạt động đối ngoại, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các cơ quan để xử lý hài hòa mối quan hệ thương mại, tiền tệ, đầu tư với các nước.
Thứ tám, công tác truyền thông đã làm tốt rồi thì cần làm tốt hơn nữa, bảo đảm kịp thời, chính xác để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm.
Về các đề xuất, kiến nghị của ngành ngân hàng, Thủ tướng giao các cơ quan xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đ/c Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN phát biểu tại buổi gặp mặt
Ngành ngân hàng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng, Đ/c Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN bày tỏ vinh dự được đón Đ/c Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Đ/c Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến thăm, chúc Tết và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức và viên chức ngành Ngân hàng trong những ngày làm việc đầu tiên của năm Nhâm Dần. Thay mặt ngành Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ quyết tâm tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết liệt triển khai công việc ngay từ đầu năm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đem lại những thành tưu, dấu ấn của hoạt động ngân hàng trong năm 2022 để góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bước sang năm mới 2022, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu đơn vị trong việc triển khai tổ chức nhiệm vụ được giao, thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động tham mưu, đề xuất với Ban Lãnh đạo NHNN các biện pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời, đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra, đảm bảo tốt vai trò, chức năng của NHTW và cơ quan quản lý tiền tệ, hoạt động ngân hàng, thực hiện đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các TCTD chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của tổ chức mình đảm bảo phù hợp với chủ trương, chính sách và quy định của pháp luật, cần đặt vấn đề an toàn hoạt động của ngân hàng là ưu tiên hàng đầu, là cốt lõi, bảo đảm hệ thống TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả. Từ đó thực hiện tốt vai trò trung gian tài chính, chu chuyển vốn trong nền kinh tế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đa dạng, tiện ích cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cũng như việc tiếp tục chung tay cùng cả nước đảm bảo an sinh xã hội, ủng hộ công tác phòng, chống dịch.
Thống đốc NHNN yêu cầu, các đơn vị, cá nhân trong hệ thống dù ở bất cứ cương vị, nhiệm vụ công tác nào cũng cần cố gắng hết sức mình để thực hiện nhiệm vụ một cách xuất sắc, đóng góp chung vào những thành quả, dấu ấn của ngành Ngân hàng để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngành Ngân hàng đóng góp vào thành tựu chung của đất nước
Trước đó, tại buổi gặp mặt, Đ/c Đào Minh Tú - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN đã báo cáo kết quả hoạt động của ngành Ngân hàng năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Đ/c Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2021 ngành Ngân hàng triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng lên chuỗi giá trị toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Cầu quốc tế hồi phục chậm tác động không thuận lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam; xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, chuyển hướng thương mại,... là những yếu tố bất định khiến công tác phân tích, dự báo trở nên khó khăn hơn, đặt ra những thách thức lớn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú báo cáo kết quả hoạt động của ngành Ngân hàng
Với sự cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, ngành Ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của nền kinh tế, thể hiện qua một số kết quả nổi bật trong công tác điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp; tập trung nguồn vốn hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; giữ ổn định và thông suốt thị trường tiền tệ; cắt giảm mạnh mặt bằng lãi suất cho vay; tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước; Tỷ giá và thị trường ngoại tệ tiếp tục giữ vững ổn định ngay cả khi thị trường quốc tế biến động mạnh.
Đặc biệt, với phương châm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, nhiều giải pháp đã được triển khai trong thời gian qua, nhất là các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất - kinh doanh. Lũy kế từ đầu dịch Covid-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 620.000 tỷ đồng; miễn, giảm lãi, phí tổng cộng lên tới trên 40.000 tỷ đồng, tích cực tham gia an sinh xã hội hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên 3,5 nghìn tỷ đồng từ chính nguồn lực tài chính của hệ thống các TCTD. Đây là những giải pháp rất kịp thời, có ý nghĩa thiết thực nhằm tiếp tục ổn định, duy trì năng lực tài chính và không bị đứt gãy dòng vốn cho người dân, doanh nghiệp…

Bước sang năm 2022, trên cơ sở bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm. Đặc biệt là tập trung điều tiết tiền tệ hợp lý, hỗ trợ thanh khoản hệ thống, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế những ngày giáp Tết. Dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm; tính đến ngày 28/01/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm trước (tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước; tháng 1/2021 chỉ tăng 0,53%). Điều này cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực.
Cũng tại buổi gặp mặt đầu Xuân, đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tình hình hoạt động kinh doanh, tham gia phòng chống dịch Covid-19 trong năm 2021, phương hướng hoạt động năm 2022. Đồng thời, đại diện các ngân hàng thương mại đã đề xuất với Chính phủ và NHNN nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng giúp hệ thống các TCTD tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhóm PV Cổng TTĐT NHNN


Tin cùng chuyên mục