Cam kết ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn
04/12/2014
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2014 sáng nay (2/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết Việt Nam sẽ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn; đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường, coi đây là khâu đột phá có ý nghĩa quyết định; cũng như chủ động hội nhập kinh tế quốc tế...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2014 bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Song bằng những nỗ lực của mình và sự giúp đỡ ủng hộ thiết thực quý báu của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã vươn lên đạt được những thành tựu, kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cả về kinh tế, chính trị, xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả đã đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, và vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế đòi hỏi Việt Nam phải làm nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ với Diễn đàn về những mục tiêu nhiệm vụ giải pháp chủ yếu mà Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện trong năm 2015.
Theo đó, mục tiêu đầu tiên là sẽ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn. Cụ thể, lạm phát sẽ kiểm soát ở mức 5% để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển; bội chi ngân sách sẽ kiểm soát ở mức 5% GDP, giảm so với mức bội chi 5,3% của năm 2014; nợ công sẽ bảo đảm không vượt trần quy định an toàn, và xử lý hiệu quả hơn nợ công, bảo đảm trả nợ đúng hạn đầy đủ theo kế hoạch.
Về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng cho biết, năm 2014 tăng trưởng sẽ đạt trên 5,9% và phấn đấu tăng trưởng năm 2015 khoảng 6,2%. Chính phủ cũng đã đề ra kế hoạch 5 năm 2016-2020, trong đó mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5-7% /năm.
Thứ hai, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung sức chỉ đạo, quản lý để hoàn thiện thể chế thị trường, coi đây là khâu đột phá có ý nghĩa quyết định. Trong đó, tập trung cải cách thể chế luật pháp, thủ tục hành chính, phát triển mạnh các loại thị trường: vốn, tiền tệ, lao động, BĐS… nhằm tạo mọi thuận lợi cho DN phát triển để nâng cao nâng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường kinh doanh...
Thứ ba, sẽ chủ động tích cực hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế. Theo đó, ngoài việc thực hiện có hiệu quả, thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có thì Việt Nam cũng đang nỗ lực sẽ ký kết Hiệp định FTA với EU, với liên minh thuế quan bao gồm Nga, Balarus, Kazakhstan, với Hàn Quốc... đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Thứ tư, tập trung chỉ đạo thực hiện ba khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả cao hơn so với năm 2014.
Liên quan đến vấn đề cải cách DNNN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam không chỉ đẩy mạnh cải cách DNNN, thực hiện cổ phần hóa DNNN đạt số đề ra mà sẽ giảm mạnh tỷ trọng vốn Nhà nước nắm giữ ở DN cổ phần hóa. Mục đích là nâng cao năng lực quản trị của DN, nâng cao hiệu quả của DN, đặt các DNNN hoạt động trong nền kinh tế thị trường bình đẳng với các DN và các thành phần khác. Bình đẳng ở đây là nói rõ trong cơ chế thị trường, trước hết là trong phân bổ nguồn lực từ đất đai, vốn… Cùng với cải cách DNNN, Chính phủ cũng đặt trọng tâm khuyến khích phát triển DN tư nhân, DNNVV, thu hút tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam. |
Thứ năm là tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng. Theo đó, hai giải pháp lớn sẽ triển khai thực hiện đó là hoàn thiện kinh tế thị trường, thực hiện công khai minh bạch. “Tôi xin nhấn mạnh là thực hiện công khai minh bạch trong quản lý, tài sản, tài chính ngân sách, khoáng sản, quản lý DNNN. Chúng tôi cho rằng với kinh tế thị trường và công khai minh bạch thì sẽ hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, cùng với đó thì chúng tôi tập trung cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi của người dân và DN, và điều này cũng được công khai minh bạch để phòng ngừa phòng chống tham nhũng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thứ sáu, là bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm, bảo vệ người thất nghiệp song song với mục tiêu phát triển kinh tế.
Theo thoibaonganhang.vn