Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 14:12

Tin TLĐ

Công đoàn Việt Nam luôn kề vai sát cánh người lao động

31/07/2021

Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - nhấn mạnh cùng với tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ người lao động..

Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - nhấn mạnh cùng với tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ người lao động...
Phóng viên: Thưa Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam diễn ra vào thời điểm tổ chức Công đoàn đang sơ kết nửa nhiệm kỳ Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật về công tác đại diện, chăm lo cho người lao động (NLĐ) trong nửa nhiệm kỳ vừa qua?
Ông Nguyễn Đình Khang: Hoạt động của các cấp Công đoàn trong nửa nhiệm kỳ qua tiếp tục được đổi mới theo hướng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật: Thứ nhất, với phương châm bảo vệ NLĐ từ xa, trên diện rộng, tổ chức Công đoàn đã tích cực nghiên cứu và có trên 300 văn bản tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ. Trong đó, đáng mừng là hầu hết những đề xuất sát thực tiễn của tổ chức Công đoàn về chính sách hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được Chính phủ lắng nghe, tiếp thu, giúp chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả hơn. 
Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Thứ hai, số lượng, chất lượng công tác thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong các doanh nghiệp (DN) đã tăng lên đáng kể. Các bản thỏa ước có sự gia tăng mạnh những điều khoản cao hơn luật, chất lượng đạt loại A. Nửa nhiệm kỳ qua có 6.113 bản TƯLĐTT được ký mới, gấp 4,6 lần so với nhiệm kỳ trước. Công tác xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ được tổ chức Công đoàn chú trọng; số cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể giảm gần 50% so với đầu nhiệm kỳ. Thứ ba, các mô hình về chăm lo lợi ích cho đoàn viên tiếp tục được hoàn thiện. Đến nay, các cấp Công đoàn đã ký kết được 1.893 bản thỏa thuận thực hiện chương trình "Phúc lợi đoàn viên Công đoàn", giúp hơn 6,9 triệu đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng lợi ích với số tiền hơn 4.500 tỉ đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống đại dịch, các cấp Công đoàn đã tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, tổ chức thực hiện những biện pháp phòng chống dịch bệnh, duy trì, khôi phục sản xuất - kinh doanh. Các cấp Công đoàn đã tập trung các nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Năm 2020, các cấp Công đoàn đã chi gần 657 tỉ đồng - trong đó hơn 65% là từ nguồn tài chính Công đoàn để hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính riêng trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, để kịp thời chăm lo, hỗ trợ NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 113 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ 193.248 đoàn viên, NLĐ với số tiền 96,137 tỉ đồng, chi hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch 17,127 tỉ đồng. Hưởng ứng chương trình "Vắc-xin cho công nhân (CN)", các cấp Công đoàn đã đóng góp 200 tỉ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ.
Ngày 12-6-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Nghị quyết 02 có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn hiện nay, thưa ông?
- Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chỉ đạo, định hướng đồng thời là cơ sở để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ, đoàn viên Công đoàn cả nước hết sức vui mừng, phấn khởi đón nhận Nghị quyết 02, bởi đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về tổ chức Công đoàn trong suốt hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong bối cảnh tổ chức Công đoàn đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức, những thuận lợi và khó khăn đòi hỏi Công đoàn Việt Nam cần có những bước chuyển mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Việc ban hành Nghị quyết 02 hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tổ chức Công đoàn và giai cấp CN Việt Nam. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để nhà nước thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành những quy định của pháp luật về tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nội dung Nghị quyết thể hiện mong muốn, sự trao gửi và giao nhiệm vụ của Đảng đối với tổ chức Công đoàn. Nghị quyết vừa là cơ sở, vừa là động lực để Công đoàn Việt Nam đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam đã lãnh đạo Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bắt tay ngay vào việc xây dựng Chương trình hành động để tổ chức thực hiện Nghị quyết. Đến nay, Chương trình hành động đã được Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam thông qua và ban hành. Chương trình hành động được xây dựng lồng ghép các nội dung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về CN, Công đoàn theo phương châm khái quát, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, rõ việc, rõ cấp, rõ cơ quan thực hiện. Với những nội dung hết sức sâu sắc, toàn diện của Nghị quyết; với cách thức tổ chức triển khai thực hiện khoa học, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn, tin rằng tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam sẽ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của hoạt động Công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tổ chức Công đoàn sẽ ngày càng thích ứng, giải quyết được các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới, gắn kết với NLĐ, thực sự là tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ. 
Thưa ông, thời gian tới, nhiều thời cơ, thách thức đan xen đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần tiếp tục có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động. Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm gì để làm tốt vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn?
- Kiên định mục tiêu tổng quát đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, các cấp Công đoàn tiếp tục nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ NLĐ, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao; chú trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, tay nghề giỏi trong CNVC-LĐ; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới phương thức hoạt động; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở; hoàn thiện mô hình tổ chức, đa dạng hóa cách thức tiếp cận, tuyên truyền, vận động để tập hợp, thu hút đông đảo NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Mở rộng phạm vi chăm lo, nâng cao phúc lợi cho các đối tượng NLĐ làm việc trong những ngành, nghề dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội, nhất là NLĐ trong khu vực lao động phi chính thức, coi đây là nền tảng quan trọng để phát triển đoàn viên. Tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Chú trọng nắm tâm tư, nguyện vọng, tình hình quan hệ lao động để triển khai kịp thời các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia về quan hệ lao động, hòa giải viên lao động là cán bộ Công đoàn; hoàn thiện và triển khai Đề án "Xây dựng đội ngũ luật sư Công đoàn"; đẩy nhanh việc thành lập các trung tâm tư vấn và hỗ trợ NLĐ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng sẽ tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; chủ động nghiên cứu xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2012; phát hiện vấn đề và tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động năm 2019, các đạo luật về BHXH, an toàn vệ sinh lao động...
Văn Duẩn (theo nld.com.vn)


Tin cùng chuyên mục