Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 10:39

Tin tổng hợp

Cán bộ ngân hàng ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

19/05/2022

Lúc sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn luôn dành sự quan tâm của mình đến hoạt động ngân hàng và ngành Ngân hàng. Người luôn dặn dò cán bộ ngân hàng phải nâng cao đạo đức cách mạng và hết lòng phục vụ nhân dân.

Lúc sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn luôn dành sự quan tâm của mình đến hoạt động ngân hàng và ngành Ngân hàng. Người luôn dặn dò cán bộ ngân hàng phải nâng cao đạo đức cách mạng và hết lòng phục vụ nhân dân.
Ngày 06/5/1951, tại hang Bòng thuộc xã Tân trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lâu nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược - 03 lần từ năm 1951 đến năm 1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Sự kiện trọng đại này đã mở đầu cho quá trình phát triển nền tiền tệ độc lập và hoạt động của Ngân hàng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Bác Hồ với đ/c Nguyễn Lương Bằng -  Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (ảnh chụp ngày 19/5/1957)
Trong những cuộc họp, hay trong những lần gặp mặt cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn nhiều điều đối với cán bộ nói chung, cán bộ ngân hàng nói riêng, mà mục đích sâu xa nhất vẫn là mọi hoạt động phải vì dân, phải nâng cao đạo đức cách mạng để phục vụ nhân dân và làm giàu cho đất nước.
Ngay từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, Bác đã chỉ rõ: “ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập cho nước nhà” nhưng cũng “phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người yêu cầu mọi chính sách về kinh tế tài chính của Chính phủ đều phải nhằm thực hiện lợi ích của nhân dân, lợi ích của kháng chiến, kiến quốc.
Bác luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải nêu gương cần, kiệm, liêm, chính. Người nói: Khi có việc đáng làm, việc ích nước lợi dân, lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù hao tốn bao nhiêu công, tiêu hao bao nhiêu tiền của cũng sẵn sàng, nhưng khi không cần tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu, không được tiêu. Tư tưởng, quan điểm của Bác là: "Làm ra nhiều, chi dùng ít. Không cần thì không chi dùng. Đó là tất cả chính sách kinh tế, tài chính của ta” (Tại buổi nói chuyện với Hội nghị cán bộ Đảng ngày 18/01/1949).
Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính, ngày 20/02/1952, Bác đã đề cập rất cụ thể: “Cán bộ kinh tế - tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công, vô tư, cần, kiệm liêm, chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế - tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”.
Như vậy, bên cạnh việc cần thiết nâng cao trình độ chuyên môn, Bác đã rất chú trọng đến yêu cầu về đạo đức đối với cán bộ ngân hàng là phải “chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính” và “tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu”, vì cán bộ ngân hàng phụ trách nhiều tiền của. Bác đã đề cập đến những khía cạnh hết sức cụ thể như phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành… Quan điểm của Bác về đạo đức đối với cán bộ ngân hàng là “chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính”. Đó chính là các đức tính, phẩm chất đạo đức cần có của người cán bộ, đảng viên, cán bộ ngân hàng, nó thể hiện thông qua những hành vi cụ thể trong hoạt động công vụ, phục vụ nhân dân.
Năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Quỹ tiết kiệm XHCN đặt tại Nhà máy Dệt Nam Định trong lần Người đến thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt. Trong lúc nói chuyện với 3 cán bộ của Quỹ, Bác đã hỏi xem có bao nhiêu công nhân gửi được tiền tiết kiệm, hỏi xem Bác có 1 hào thì có gửi tiết kiệm được không (vì mức gửi thấp nhất là 1 đồng). Đó chính là ý nghĩa lời dạy của Bác với cán bộ ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước ta là ngân hàng của dân, do dân, vì dân, nên trước hết là phải giúp đỡ dân, giúp đỡ người nghèo có vốn, để làm kinh tế; sẵn sàng nhận tiền gửi, dù là một lần nhận gửi với số tiền rất ít.
Bác Hồ thăm Quỹ tiết kiệm XHCN tại Nhà máy dệt Nam Định, năm 1960
Tháng 1/1965 trong thư gửi Hội nghị cán bộ Ngân hàng, Bác cũng đã căn dặn: “Quản lý tiền bạc là một công tác rất quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cán bộ Ngân hàng là người có trách nhiệm giữ tiền cho Nhà nước và nhân dân, phải học tập cách quản lý tiền cho tốt, đừng để lãng phí, mất mát. Một đồng vốn bỏ ra phải bảo đảm tăng thêm của cải cho xã hội, phải luân chuyển nhanh, đừng để đọng. Phải tích cực huy động tiền nhàn rỗi để bỏ vào sản xuất”. “Cán bộ Ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngân hàng, đối với ngành Ngân hàng Việt Nam luôn được các thế hệ cán bộ ngân hàng ghi nhớ và lấy làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Trong giai đoạn hiện nay, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và càng quý giá hơn bao giờ hết, để cán bộ ngân hàng tu dưỡng, học tập và rèn luyện đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng ngành Ngân hàng phát triển bền vững, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Người.
PL

Tin cùng chuyên mục