Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 18:13

Công tác nữ công

Các nội dung về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới theo Nghị định 145/NĐ-CP

18/01/2021

Ngày 14/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị đinh số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Ngày 14/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị đinh số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Nghị định gồm 11 chương, 115 điều, 5 phụ lục, có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nhiều nội dung của Bộ luật Lao động 2019. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định là các nội dung về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, được quy định tại chương IX với 4 mục, 14 điều (từ điều 74 đến điều 87).
Cụ thể, Theo quy định tại Điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn; đồng thời, thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.
Tại Điều 79 quy định: Người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm tăng cường phúc lợi và cải thiện điều kiện làm việc như có đủ buồng tắm, vệ sinh phù hợp theo quy định của Bộ Ytế, khuyến khích phối hợp với tổ chức đại diện cho người lao động lập kế hoạch, có giải pháp để lao động có việc làm thường xuyên, thời gian biểu linh hoạt, không làm trọn thời gian, giao việc tại nhà, nâng cao tay nghề, lao động nữ được đào tạo thêm các nghề dự phòng phù hợp với đặc điểm cơ thể, sinh lý, chức năng làm mẹ.
Tại Điều 80 Nghị định cũng nêu rõ: khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ đang mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động, số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động. Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định trên thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.
Nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi: Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định trên thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
Tại Điều 80, Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định về tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động. Đặc biệt, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo.
Ngoài ra, người sử dụng lao động được Nhà nước hỗ trợ thêm như sau: Người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.
Một điểm mới nổi bật tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP là quy định cụ thể khái niệm phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc, nội dung của quy định phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc và trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc (Điều 84, 85, 86).
Bên cạnh đó, trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới được quy định tại Mục 4, điều 87 của Nghị định theo đó giao trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ cho  Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện giám sát các quy định trên trong phạm vi quyền hạn.
Tìm hiểu chi tiết về các nội dung của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP tại đây
Hà Hạnh

Tin cùng chuyên mục