Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 14:31

Tin TLĐ

Lan tỏa tinh thần cống hiến, sáng tạo

09/12/2020

Chiều 8.12, Thường trực Đoàn Chủ tịch gặp mặt Đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Chiều 8.12, Thường trực Đoàn Chủ tịch gặp mặt Đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Tham dự có ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN; ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.
Đam mê cải tiến kỹ thuật
Anh Lê Văn Bình (Công ty TNHH Vitto Vĩnh Phúc, KCN Tam Dương 2, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) có mặt rất sớm tại buổi gặp mặt. “Lần đầu tiên được dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào”- anh Bình chia sẻ.
Anh Bình sinh năm 1982, trú tại xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Vốn đam mê cơ khí, chế tạo từ nhỏ, lớn lên, anh Bình theo học ngành sửa chữa ôtô, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Ra trường, anh làm việc tại nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Nhờ sự chuyên cần, ham học hỏi, nhanh nhạy nắm bắt kỹ thuật mới, nên trình độ, tay nghề của anh ngày càng được nâng cao.
Cách đây 6 năm, anh chuyển sang làm kỹ thuật viên cơ khí tại Phòng Dịch vụ, Cty TNHH Vitto Vĩnh Phúc. Công việc của anh là chăm sóc các thiết bị, máy móc và sửa chữa các thiết bị khi xảy ra lỗi, hỏng. Trong quá trình làm việc, anh Bình đã thực hiện nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phục vụ tốt quá trình sản xuất, đem lại lợi nhuận cho DN.
Anh Bình nhớ lại một sáng kiến của mình đã mang lại nhiều lợi ích cho công ty (Cty): Tại khu vực nhà máy 2 (sản xuất gạch lát), Cty đã đặt mua nguyên bản hệ thống nâng, hạ nguyên liệu sản xuất, hàng hóa từ nhà cung cấp khác về lắp đặt hoàn chỉnh tại nhà máy. Hệ thống này sử dụng động cơ để nâng lên, hạ xuống, được kết cấu bởi các ghen bán nguyệt và mắt điều chỉnh. Mặc dù hệ thống này hoạt động tương đối ổn định, nhưng khi xảy ra lỗi hoặc thay thế các bộ phận, chi tiết của thiết bị rất phức tạp, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của nhà máy.
Để khắc phục nhược điểm này, anh Bình đã thực hiện việc cải tiến kỹ thuật cho thiết bị. Theo đó, anh lắp đặt các xi-lanh khí nén đẩy lên, đẩy xuống theo cữ cố định để thay thế cho hệ thống nâng, hạ bằng động cơ. “Nhờ đó, công đoạn sản xuất này đã vận hành ổn định hơn, không bị lỗi nhiều. Hơn nữa, mỗi khi xảy ra lỗi, công nhân (CN) thao tác thay thế nhanh hơn; chi phí thay thế ít hơn, từ hơn 6 triệu đồng xuống còn vài trăm nghìn đồng một lần thay”- anh Bình cho hay.
Khi được hỏi về bí quyết có được những sáng kiến hiệu quả trên, anh Bình tâm sự, điều quan trọng là tình yêu, sự đam mê đối với công việc, luôn khao khát tìm tòi, sáng tạo những công nghệ, kỹ thuật mới để sản xuất, đem lại lợi ích cho DN. Mỗi khi có thêm một sáng kiến, anh Bình luôn cảm thấy rất vui vì đã cống hiến một phần công sức của mình cho DN. “Tôi thường xuyên lên mạng tìm tòi những tài liệu về cơ khí, tận dụng lợi thế của thời đại công nghệ thông tin mang lại” - anh Bình nói.
Nguồn động lực lớn
Chị Nông Thị Thanh Huyền (SN 1980) - CN Cty TNHH Bảo Long (Lạng Sơn) - cũng là một cá nhân được vinh danh tại Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ X. Về làm việc tại Cty TNHH Bảo Long đến nay đã được 21 năm, khi nhớ lại những ngày tháng đầu tiên làm CN, chị Huyền vẫn thầm cảm ơn vì cơ duyên đã kết nối bản thân với nơi đây.
Cty mà chị Huyền làm việc chuyên sản xuất và lắp ráp máy bơm dân dụng và các loại môtơ. Quá trình sản xuất của Cty không đều đặn mà chịu ảnh hưởng bởi tính mùa vụ. Khoảng thời gian đầu năm, Cty sẽ sản xuất nhiều hơn rồi tăng cường khi bước vào mùa mưa bão, còn cuối năm lại sản xuất cầm chừng.
Chị Huyền nói rằng, ban đầu, khi Cty mới được thành lập, vẫn sản xuất chủ yếu bằng thủ công. Do đó, hiệu quả và năng suất lao động không được cao. Vì là một người sản xuất trực tiếp, chị Huyền hiểu rõ được điều đó và có ý kiến tham mưu với quản lý, lãnh đạo nhằm tiến tới áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại bằng máy móc vào sản xuất.
“Tôi làm việc tại tổ dây chuyền, chuyên sản xuất stato. Trước đây, mỗi CN phải ngồi luồn dây đồng bằng tay nên một ngày cả tổ làm nhiều lắm cũng chỉ được 20 cái, chất lượng sản phẩm không cao mà CN cũng vất vả. Vì vậy, tôi mạnh dạn tư vấn lãnh đạo chuyển sang làm bằng máy móc hiện đại” - chị Huyền nói.
Cty đã dần chuyển đổi, cho đến nay thì hoàn toàn đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất. Hiệu quả thực tế có thể thấy được khi chỉ riêng tổ sản xuất của chị Huyền, mỗi phút có thể làm ra được 1 stato. Không chỉ dừng lại ở đó, hằng ngày, trong quá trình làm việc, nhận thấy chỗ nào còn chưa hợp lý, chị Huyền sẽ trao đổi lại với quản lý và lãnh đạo Cty để tiếp tục tìm ra hướng cải tiến hiệu quả hơn. Dù là nữ giới, nhưng nhờ sự sáng tạo và tỉ mẩn trong công việc cũng như cuộc sống, chị Huyền đã có nhiều đóng góp hữu ích cho sự phát triển của Cty.
Khi được chọn là đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, chị Huyền không giấu nổi sự xúc động: “Tôi thực sự rất bất ngờ. Đây sẽ là nguồn động lực thúc đẩy tôi ngày càng cố gắng làm việc tốt hơn. Tôi cảm thấy được trân trọng và ghi nhận cho những nỗ lực của bản thân. Nhất định tôi sẽ phấn đấu hơn nữa và lan tỏa tinh thần cống hiến, sáng tạo hơn nữa đến hơn 250 CN trong Cty”.
Chị Huyền cũng gửi gắm thông điệp rằng, khi làm bất cứ việc gì, hãy làm hết mình rồi những cống hiến của bạn sẽ được ghi nhận và đền đáp xứng đáng.
Nhân rộng những cách làm hay
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - biểu dương, ghi nhận đánh giá rất cao thành tích và những đóng góp hết sức quan trọng, hiệu quả của các đại biểu cho phong trào công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và hoạt động Công đoàn (CĐ).
“Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua do CĐ phát động đã và đang phát huy trên tất cả lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của lãnh đạo các cấp và cán bộ, đoàn viên, người lao động (NLĐ) về công tác thi đua, khen thưởng, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các ngành, các địa phương nhất là các cơ quan, đơn vị, DN đã góp phần quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước” - ông Trần Văn Thuật đánh giá.
Theo ông Trần Văn Thuật, có được những thành tựu, kết quả trên phải kể đến sự đóng góp quan trọng của các đại biểu có mặt tại buổi gặp mặt - những CNLĐ, kỹ sư, kỹ thuật viên đang trực tiếp lao động, sản xuất, công tác tại các DN thuộc các thành phần kinh tế có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” do Tổng LĐLĐVN phát động.
Ông Thuật đánh giá, đây đều là những NLĐ giàu nghị lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có nhiều thành tích và sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trong sản xuất, công tác. Những đóng góp này đã góp phần xây dựng DN, đơn vị phát triển bền vững, xây dựng giai cấp CN và tổ chức CĐ vững mạnh.
Ông Trần Văn Thuật mong muốn và đề nghị các đại biểu sau đại hội này tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ và sự sáng tạo của mình, chia sẻ kinh nghiệm công tác, lan tỏa, nhân rộng hiệu quả, cách làm hay cho phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ cả nước, vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; đồng thời coi đây là dấu ấn quan trọng có ý nghĩa lớn trong cả quá trình công tác của mình để tiếp tục có nhiều năng lượng truyền cảm hứng, nhiệt huyết, lan tỏa đến đội ngũ cán bộ, đoàn viên và NLĐ cả nước.
Đoàn đại biểu Tổng LĐLĐVN dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X gồm 79 người. Người trẻ nhất sinh năm 1994, người lớn tuổi nhất sinh năm 1964. Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ chính thức diễn ra vào ngày 10.12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Tổng số đại biểu về dự Đại hội Thi đua toàn quốc lần này là 2.320 đại biểu, trong đó có 2.020 đại biểu chính thức và 300 đại biểu khách mời.
Bảo Hân - Trần Kiều (Báo Lao động)

Tin cùng chuyên mục