Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 14:34

Tin TLĐ

Thưởng Tết năm 2021: Không để người lao động thiệt thòi

30/11/2020

Tết Tân Sửu 2021 là năm đầu tiên thực hiện Luật Lao Động (có hiệu lực từ 1.1.2021), trong luật có quy định người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật thay vì tiền.

Tết Tân Sửu 2021 là năm đầu tiên thực hiện Luật Lao Động (có hiệu lực từ 1.1.2021), trong luật có quy định người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật thay vì tiền. Đây chính là điểm khiến người lao động băn khoăn.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang tặng quà Tết năm 2020 cho đoàn viên, CNLĐ tỉnh An Giang. Ảnh: Lục Tùng
Luật quy định những gì về thưởng Tết?
Khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Lao động 2019 đã quy định về thưởng thay vì tiền thưởng như trước đây. Cụ thể:
Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Đây là căn cứ để các doanh nghiệp thưởng tết trong năm 2021 cho người lao động không chỉ là tiền mà còn có hiện vật, hoặc hình thức khác như chuyến du lịch…
Trên thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp thưởng tết cho người lao động bằng các hình thức khác không chỉ là tiền, như thưởng chính sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, việc luật hóa khái niệm “thưởng” thay vì “tiền lương” từ năm 2021 cũng là một điểm mới đáng chú ý.
Nghĩa là, bộ luật mới cũng không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng (trong đó có thưởng Tết) cho người lao động. Việc doanh nghiệp có thưởng hay không, thưởng nhiều hay ít hay thưởng bằng cách nào là do doanh nghiệp quyết định, dựa vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Không để người lao động thiệt thòi
Năm 2020 là một năm khá đặc biệt, dịch COVID-19 xảy ra khiến nền kinh tế cả thế giới năm 2020 chao đảo. Các doanh nghiệp Việt Nam, dĩ nhiên, cũng không là ngoại lệ. Rất nhiều doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng kinh doanh hoặc cắt giảm nhân sự để ứng phó với những khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động nhưng doanh thu giảm sút nên phải tính tới phương án “cắt” thưởng Tết của người lao động.
Chính vì thế, ngay từ tháng 11.2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo đó, các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ được thực hiện theo phương châm tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết với chủ đề “Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương”.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn tập trung tổ chức các hoạt động cụ thể chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động.
Việc tổ chức các hoạt động đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, ưu tiên lựa chọn đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, bão lũ, thiên tai; đoàn viên và người lao động thuộc đối tượng gia đình chính sách hoặc nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán.
Cùng với đó, cơ quan này cùng yêu cầu công đoàn các cấp tham gia kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Đặc biệt, không để người sử dụng lao động lợi dụng buộc người lao động tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn thời gian luật định cũng như hạn chế tranh chấp lao động và ngăn ngừa có hiệu quả đình công trái pháp luật.
Đồng thời, các cấp Công đoàn tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động đón Tết, vui xuân tiết kiệm, an toàn, chấp hành các quy định của pháp luật và trở lại làm việc đúng thời gian quy định sau Tết Nguyên đán.
Đối với công nhân lao động phải trực, làm ca, kíp không có điều kiện nghỉ Tết thì phải đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, không để vi phạm các tệ nạn xã hội hoặc các hoạt động gây mất an ninh trật tự.
Công đoàn cơ sở cũng phải chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai và giám sát thực hiện kế hoạch trả tiền lương, tiền thưởng, các khoản phúc lợi khác đảm bảo quyền lợi của đoàn viên và người lao động.
Minh Bằng (Báo Lao động)

Tin cùng chuyên mục