Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 18:37

Công tác nữ công

Nâng cao vị thế nữ cán bộ ngành Ngân hàng

23/11/2020

Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng được thực hiện bài bản, có kế hoạch dài hạn và tổng thể.

Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng được thực hiện bài bản, có kế hoạch dài hạn và tổng thể.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng – Trưởng Ban VSTBPN ngành Ngân hàng:
Phấn đấu đến năm 2025, phụ nữ ngành Ngân hàng được nâng cao trình độ về mọi mặt
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Ban VSTBPN ngành Ngân hàng đề ra mục tiêu định hướng cho giai đoạn 2021-2025. Đó là nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, thủ trưởng đơn vị và các tổ chức đoàn thể trong Ngành đối với công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm phấn đấu đến năm 2025, phụ nữ ngành Ngân hàng được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia ngày càng nhiều hơn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển của Ngành. Phấn đấu ngành Ngân hàng là một trong các ngành dẫn đầu về công tác bình đẳng giới và VSTBPN...
Cụ thể, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu: nâng cao tỷ lệ nữ được quy hoạch, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, tỷ lệ nữ được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cấp trưởng; Phấn đấu 100% các đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ...
Để hiện thực hóa thành công mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021-2025, thời gian tới, Ban VSTBPN sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu của Đảng, Chính phủ về công tác phụ nữ trong tình hình mới. Từ đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới ở từng đơn vị. Đồng thời, Ban VSTBPN cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch hành động về bình đẳng giới, VSTBPN tại các đơn vị; thực hiện lồng ghép giới trong chính sách phát triển nhân lực; xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách, quy định dành riêng cho cán bộ nữ; đẩy mạnh công tác cho vay vốn ưu đãi với phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức. Thông qua đó, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Hội thảo nữ lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng và công nghệ tài chính
Phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Ngành
Bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng, nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực để đạt được, bởi việc thực hiện bình đẳng giới sẽ giúp mang lại các nguồn lợi lớn cho sự phát triền bền vững của mỗi quốc gia. Nhiều năm qua, Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã nỗ lực để mang lại bình đẳng giới, để con người được sống trong một xã hội văn minh, phát triển bền vững, nhân văn. Việt Nam là một trong những nước có nhiều thành tựu về thực hiện bình đẳng giới đã được ghi nhận như: xây dựng và ban hành văn bản pháp quy cụ thể hoá vấn đề về bình đẳng giới. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua khi đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu bình đẳng nam nữ, nâng cao vị thế cho phụ nữ và là nước dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các chỉ số bình đẳng giới…
Có được kết quả nổi bật trên, trong nhiều năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách lớn như Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006; năm 2007, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW. Để triển khai Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Chương trình… trong đó có Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là “bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.
Ngành Ngân hàng là ngành kinh tế có số lao động nữ chiếm tỷ lệ cao, lên đến 59%. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của lao động nữ trong Ngành, Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị luôn quan tâm lãnh đạo công tác cán bộ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Ngành.
Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành Ngân hàng được thực hiện bài bản, có kế hoạch dài hạn và tổng thể. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Thống đốc NHNN đã ban hành các Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, VSTBPN ngành Ngân hàng giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Trên cơ sở đó, các Ban VSTBPN cơ sở đã tham mưu cho cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị với các biện pháp, giải pháp hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị. Trong quá trình thực hiện kế hoạch hành động, các đơn vị chủ động lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị.
Để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCNV) trong ngành Ngân hàng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác bình đẳng giới, Ban VSTBPN ngành Ngân hàng đã có văn bản yêu cầu các Ban VSTBPN cấp cơ sở thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phố biến đến CBCNV trong đơn vị về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác bình đẳng giới, VSTBPN. Từ đó, góp phần chuyển biến và nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, CBCNV trong Ngành về vị trí, vai trò của công tác bình đẳng giới và VSTBPN.
Xác định tầm quan trọng của vấn đề này, các Ban VSTBPN cơ sở triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin về bình đẳng giới với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực và hiệu quả. Ví như, thông qua các ấn phẩm báo chí, phát tờ rơi, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi học tập Nghị quyết, các buổi nói chuyện chuyên đề… Đặc biệt, năm 2018, NHNN đã ban hành Sổ tay về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ NHNN. Thông qua Sổ tay, cán bộ lãnh đạo các cấp cũng như CBCNV trong ngành Ngân hàng có thể nắm bắt thông tin, cũng như có cơ sở, định hướng và cách thức rõ ràng, cụ thể để triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bình đẳng giới và VSTBPN tại đơn vị…
Các đại biểu tham gia hội thảo vấn đề giới trong hoạch định chính sách và hội nhập quốc tế
Tạo chuyển biến mạnh về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thay đổi toàn diện nhận thức về giới đối với đông đảo CBCNV, nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm qua, ngành Ngân hàng đã thực hiện đạt hoặc vượt hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ. Đặc biệt ở các mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm...
Đơn cử, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 của NHNN là 42,63%, trong khi mục tiêu phấn đấu tại Chiến lược quốc gia là từ 25% trở lên; nữ giới chiếm 56% trong tổng số cán bộ được tuyển dụng mới của NHNN (vượt mục tiêu tại Chiến lược quốc gia tối thiểu đạt 40%); tỷ lệ nữ Phó giáo sư chiếm 46,7%, nữ Tiến sĩ chiếm 58,7%, nữ Thạc sĩ chiếm 63,3% (đều cao hơn so với mục tiêu phấn đấu tại Chiến lược quốc gia vào năm 2020 tỷ lệ nữ tiến sĩ, thạc sĩ đạt lần lượt 25% và 50%)... Những thành tựu ngành Ngân hàng đã đạt được trong thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và VSTBPN trong 10 năm qua góp phần nâng cao vị thế của nữ CBCNV ngành Ngân hàng.
Tuy đạt được những kết quả tích cực và cấp ủy, lãnh đạo các cấp đã quan tâm đến công tác cán bộ nữ nhưng nhìn chung tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ cấp vụ và tương đương còn chưa cao, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ trong Ngành. Trong khi đó, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và hiện đại hóa ngành Ngân hàng nói riêng đòi hỏi phát huy cao độ mọi tiềm năng, sức sáng tạo, sự đóng góp của toàn thể CBCNV trong Ngành. Sự tham gia của phụ nữ là tất yếu và đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, cần thiết phải có nhiều giải pháp để phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trên mọi lĩnh vực.
Để tiếp tục quán triệt, triển khai các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ban VSTBPN ngành Ngân hàng đề ra mục tiêu định hướng cho giai đoạn 2021-2025. Đối với các mục tiêu cụ thể, Ban VSTBPN ngành Ngân hàng sẽ nghiên cứu, xây dựng và trình Thống đốc NHNN xem xét, phê duyệt sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh chính sách từ phía ngành Ngân hàng, để triển khai hiệu quả hơn các quyết sách lớn về bình đẳng giới, đại diện Ban VSTBPN ngành Ngân hàng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới, bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, tăng các chính sách dành riêng thích hợp cho phụ nữ theo từng nhóm, như nhóm nữ cán bộ, công chức, viên chức, nhóm phụ nữ nông thôn… Ủy ban Quốc gia VSTBPN Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Đơn cử, đưa ra định hướng hàng năm, khung chương trình, giáo trình, chủ điểm của năm để các bộ ngành làm cơ sở triển khai thực hiện...
Thanh Huyền (theo TBNH)


Tin cùng chuyên mục