Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 10:53

Chính sách - xã hội - thi đua

Thi đua gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo

23/11/2020

Trong giai đoạn 2016 – 2020 các phong trào thi đua trong ngành Ngân hàng phát triển khá đều khắp, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành,

Trong giai đoạn 2016 – 2020 các phong trào thi đua trong ngành Ngân hàng phát triển khá đều khắp, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô, xóa đói giảm nghèo.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Có thể nói trong 5 năm qua, cùng với triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động, các phong trào thi đua trong ngành Ngân hàng đã phát triển sâu rộng, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có tiêu chí thi đua cụ thể; nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và của Ngành; gắn với yêu cầu chung trong từng giai đoạn và từng năm, đã cổ vũ, động viên cán bộ công chức viên chức và người lao động hăng hái thi đua, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của Ngành. Qua các phong trào thi đua, nhiều tổ chức, cá nhân thuộc ngành Ngân hàng nhiều năm liền được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được ghi nhận bằng các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Thành công của công tác thi đua, khen thưởng đã được phản ánh sinh động qua thực tiễn kết quả hoạt động của Ngành, với những kết quả cụ thể là:
Thứ nhất, công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, góp phần tạo dựng, củng cố những cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, NHNN cũng luôn chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, niềm tin vào VND được củng cố. Bên cạnh đó, NHNN đã điều hành tín dụng tăng trưởng phù hợp với cân đối vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch tích cực, hướng vào các lĩnh vực ưu tiên là động lực cho phát triển kinh tế; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Thứ ba, công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đạt được kết quả quan trọng, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống, quy mô và năng lực tài chính tiếp tục được nâng cao, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.
Giai đoạn 2016 - 2020 còn ghi nhận bước tiến vượt bậc trong sự phát triển của hoạt động thanh toán cả về chất và lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường; các rủi ro, nguy cơ mất an toàn cơ bản được nhìn nhận, kiểm soát và xử lý kịp thời.
Công tác cải cách hành chính cũng được triển khai hiệu quả, thể hiện qua việc NHNN 5 năm liên tiếp đứng đầu các bộ, ngành về chỉ số Par-Index; các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”… đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đối với công chúng, góp phần tích cực thực hiện chiến lược phát triển tài chính toàn diện.
Có thể khẳng định những thành công trên có sự đóng góp tích cực của công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Ngân hàng.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trao quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tại huyện Lạc Thủy, huyện Kim Bôi trong hội nghị Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với họat động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội tại Hòa Bình
Hướng tới an sinh xã hội
Các phong trào thi đua hưởng ứng hoạt động an sinh xã hội dưới sự chỉ đạo của NHNN, được thực hiện bởi hệ thống Công đoàn ngành Ngân hàng và các TCTD luôn được đánh giá triển khai hiệu quả, thiết thực, dẫn đầu về quy mô lẫn giá trị, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xã hội quan tâm như xóa nhà tạm, nhà dột nát vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở; xây dựng đường, cầu dân sinh cho vùng khó khăn hoặc chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng cấp thiết, giúp người dân vùng lũ, vùng bị thiệt hại do thiên tai sớm ổn định cuộc sống...
Theo đó, từ năm 2011 đến T6/2020, số tiền ngành Ngân hàng đã ủng hộ cho các chương trình, các quỹ xã hội, từ thiện như sau: Chương trình về biên giới, hải đảo: 394,2 tỷ đồng; Chương trình ủng hộ khắc phục thiên tai: 89,8 tỷ đồng; Quỹ đền ơn đáp nghĩa: 98,2 tỷ đồng; giúp đỡ đồng bào các tỉnh biên giới phía Bắc 1.000 con bò giống; một số ngân hàng đã đóng góp kinh phí tài trợ xây dựng các công trình, hạng mục lớn tại Trường Sa như xây nhà văn hóa đa năng tại đảo Nam Yết, đảo Đá Tây; tàu cứu hộ cứu nạn tại Trường Sa, xuồng Chủ quyền; công trình lá cờ và 4 bức phù điêu bằng gốm lớn nhất tại đảo Trường Sơn Lớn, tổng trị giá trên 100 tỷ đồng; đặc biệt là trong đợt phòng chống dịch Covid - 19 vừa qua, các ngân hàng đã ủng hộ khoảng 300 tỷ đồng...
Ngành Ngân hàng luôn đi đầu trong việc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo đó, NHNN đã chỉ đạo, đôn đốc các TCTD tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay, thực hiện các giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Đặc biệt, NHCSXH là tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội, đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, vốn tín dụng chính sách đã đến được 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
Ngành Ngân hàng cũng luôn đi đầu trong việc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Theo đó, NHNN có nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các TCTD đưa vốn về nông thôn như: Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; tái cấp vốn cho TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các TCTD tiếp tục mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch tại khu vực nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ kịp thời vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn từ 1%-2% lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.
Đặc biệt, NHNN đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ chế ưu đãi, phù hợp với thực tiễn; triển khai chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ…
NHNN cũng tích cực chỉ đạo các đơn vị trong Ngành ưu tiên vốn tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn nói chung và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nói riêng, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, từng bước đáp ứng các tiêu chí về nông thôn mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện kế hoạch hành động của NHNN, các đơn vị trong toàn Ngành đã triển khai tổ chức rất nghiêm túc, thực hiện hỗ trợ có hiệu quả các địa phương xây dựng nông thôn mới với nhiều nội dung thiết thực. Trong giai đoạn 2011 - T6/2019, tổng số tiền các đơn vị đã thực hiện hỗ trợ tại các địa phương là hơn 5.729 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được nêu trên, ngành Ngân hàng đã khẳng định sự thành công trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần vào việc hoàn thành và đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới của các địa phương trong cả nước. NHNN đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 1 phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Có thể nói, các hoạt động thi đua của NHNN và ngành Ngân hàng thực sự tạo ra những điểm sáng, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần duy trì ổn định chính trị xã hội của đất nước.
Phạm Huy Giang - Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (theo TBNH)

Tin cùng chuyên mục