Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 14:37

Tin TLĐ

Vòng tay Công đoàn

11/11/2020

Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức tọa đàm “Vòng tay Công đoàn” nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập. Tại đây, những câu chuyện cảm động của người lao động được tổ chức Công đoàn chăm lo và của cán bộ công đoàn đã được kể lại.

Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức tọa đàm “Vòng tay Công đoàn” nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập. Tại đây, những câu chuyện cảm động của người lao động được tổ chức Công đoàn chăm lo và của cán bộ công đoàn đã được kể lại.
Anh Nguyễn Thanh Điền, Công ty TNHH Box-Pak (Bình Dương) chia sẻ tại Tọa đàm
Vươn lên từ vòng tay công đoàn
Có mặt tại Tọa đàm, anh Nguyễn Thanh Điền, Công ty TNHH Box-Pak (Bình Dương) lại mang đến một câu chuyện đầy nghĩa tình. Tháng 10/2019, anh bị tai nạn lao động mất cả hai chân. Lúc đó anh Điền bi quan và muốn từ bỏ cuộc sống. Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp VSIP Bình Dương đã thuyết phục ở lại theo học nghề thiết kế, phù hợp với sức khỏe của anh. Công đoàn cơ sở và Ban Giám đốc cũng đã hỗ trợ học phí và bố trí công việc sau khi học. Hiện anh Điền đang làm tại phòng Thiết kế, Công ty TNHH Box - Pak Việt Nam.
Anh Nguyễn Xuân Điệp - công nhân khám chữa toa xe tại ga Trảng Bom (Đồng Nai) lại mang đến một câu chuyện xúc động khác. Năm 1997, anh vào thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương để học nghề khám xe đường sắt tại Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ Đường sắt II. Sau 2 năm học nghề, anh xin vào làm việc tại Xí nghiệp Toa xe hàng Sài Gòn. Gần 10 năm đi làm, đến năm 2009, anh lấy vợ cùng quê, cùng làm công nhân gần nơi anh làm việc. Cũng như bao gia đình, vợ chồng anh Điệp mong đợi từng ngày để đón con chào đời. Thế nhưng, cậu con trai của anh chị vừa sinh ra đã bị bệnh về não, không thể nhận thức và vận động như những đứa trẻ bình thường.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, cha mẹ ở quê lại già yếu nên vợ con anh Điệp đã về Hà Tĩnh chung sống với ông bà. Vợ về quê cách hàng nghìn cây số, con bệnh nặng và thường xuyên đi viện, bản thân ở xa không giúp đỡ được cho gia đình nên anh Điệp luôn ngổn ngang day dứt và nỗi buồn vời vợi hiện sâu trong đôi mắt người công nhân khắc khổ.
May mắn cho anh, trong một chuyến công tác vào tháng 4/2016, ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam vô tình gặp, hỏi thăm và biết được hoàn cảnh của anh. Ngay sau đó, tháng 5/2016, ông Phương đã về tận nhà anh Điệp, san sẻ với những khó khăn của gia đình và lắng nghe nguyện vọng duy nhất của cả nhà là anh được về làm việc gần nhà. Ông Phương đã trao đổi với lãnh đạo các đơn vị, kết quả là từ tháng 6/2016, anh công nhân Nguyễn Xuân Điệp đã được chuyển về một trạm khám xe ngay gần nhà, thỏa lòng mong ước của anh và gia đình bấy lâu nay.
Em Sùng Thị Giàng - người thứ 6 từ bên trái
Câu chuyện xúc động về em Sùng Thị Giàng (con gái công nhân Sùng Mí Thà). Anh Sùng Mí Thà là người dân tộc Mông ở vùng sâu, vùng xa thuộc Hà Giang. Cả gia đình anh vào Bình Dương làm công nhân, nhưng chỉ làm việc được 20 ngày thì thất nghiệp vì Covid-19. Éo le hơn, vào tháng 4/2020, anh Thà không may bị tai nạn lao động nghiêm trọng trên đường từ công ty trở về phòng trọ khiến anh bị nứt hộp sọ, liệt nửa người. Anh Thà mất khả năng lao động, cả nhà thì thất nghiệp, trong gia đình chỉ có duy nhất Giàng, con anh Thà có thể nói một chút tiếng phổ thông. Bất đồng ngôn ngữ, văn hóa giữa đất khách quê người, gia đình anh gặp vô vàn khó khăn. Những ngày tháng phải nằm ghế đá ở bệnh viện để chăm bố, Giàng phải xin cháo, bánh mì từ thiện ăn qua ngày…
Trường hợp của gia đình anh Thà được phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn biết đến và kết nối với Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Giang hỗ trợ. Không chỉ tới thăm hỏi, hỗ trợ gia đình anh Thà, biết em Giàng, con anh Thà có nguyện vọng được đi học nghề may, Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ em được theo học nghề may miễn phí để sau này em có công ăn việc làm ổn định, giúp đỡ cho gia đình và mở ra con đường mới cho tương lai của em.
Trong “Vòng tay Công đoàn”, đến nay, cuộc sống và việc làm của anh Điệp, anh Điền và bé Giàng đã vơi bớt khó khăn.
Nghề công đoàn đã lựa chọn tôi
Đó là tâm sự được các cán bộ chuyên trách công đoàn giãi bày tại Tọa đàm. Làm cán bộ công đoàn từ năm 1997, chính thức là cán bộ công đoàn chuyên trách năm 2012, ông Nguyễn Văn Chung cảm thấy vinh dự khi được phân công đảm nhận chức vụ Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Giang. Từ một cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác chuyên môn được điều chuyển sang làm công tác công đoàn, ông đã nhanh chóng thể hiện mình là người thủ lĩnh công đoàn tại nơi vùng cao của Tổ quốc.
“Trước tình trạng còn có một số người lao động (NLĐ) chưa tin tưởng ở cán bộ công đoàn, với trách nhiệm là người đứng đầu, tôi xác định việc chăm lo cho NLĐ phải hết sức thiết thực. Đồng thời phân công, bố trí, đưa vào Ban Chấp hành những cán bộ công đoàn là người dân tộc thiểu số để hiểu rõ ngôn ngữ, đặc thù của NLĐ là người dân tộc thiểu số. Từ đó, nói lên được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ" - ông Nguyễn Văn Chung cho biết.
Công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, là cán bộ chuyên trách từ năm 2001, đến nay đã 20 năm, bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp VSIP Bình Dương hạnh phúc khi được đứng trong hàng ngũ cán bộ công đoàn. Bà Chi chia sẻ: “Tôi đến với công đoàn như một cơ duyên. Sự năng động và đam mê của tôi đã được tổ chức Công đoàn lựa chọn. Làm công đoàn rồi yêu, gắn bó, rồi không nghĩ rằng mình đã bám trụ với “nghề” đã 20 năm. Xã hội phân công mỗi người, mỗi việc. Đến giờ phút này mình tin rằng xã hội phân công đúng người, đúng việc cho mình”.
Bà Đặng Thị Kim Chi chia sẻ, làm công đoàn phải tâm huyết, máu lửa mới làm được. Nhất là một khu công nghiệp “kiểu mẫu” như Khu công nghiệp VSIP Bình Dương có tới 150.000 công nhân lao động. Được tiếp xúc với nhiều cán bộ công đoàn và đoàn viên trẻ giàu sức sáng tạo, tôi càng thêm quyết tâm và tâm huyết với công việc được giao. Từ đó, tôi đã cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành khẳng định vai trò chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ".
"Trong khu công nghiệp, số lao động nữ chiếm tới 80%, chủ yếu là lao động nhập cư. Nhiều người đã chọn mảnh đất Bình Dương là nơi an cư, lạc nghiệp và đóng góp xây dựng tỉnh Bình Dương nói riêng, đất nước nói chung. Cán bộ chuyên trách Công đoàn chỉ có 7 người, lực lượng mỏng so với khu công nghiệp trải rộng ở nhiều địa bàn, số lượng đoàn viên đông. Chúng tôi mong muốn làm sao có được biên chế nhiều hơn để cán bộ công đoàn dang tay hơn nữa chăm lo cho người lao động” - bà Chi cho biết thêm.
Xuất thân từ một kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật toa xe lửa, ông Mai Thành Phương - Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam đã có 20 năm làm công tác công đoàn. Ông cho rằng được chọn làm cán bộ công đoàn đúng là một cái duyên của cuộc đời. Ông khẳng định Công đoàn là một “nghề” mặc dù chưa được công nhận chức danh nghề. Và nghề Công đoàn bên cạnh việc được đào tạo, học tập bài bản thì cần điều quan trọng nhất là tự đào tạo, lăn lộn với phong trào công nhân, gần gũi với người lao động và giữ lửa đam mê thì mới hiện thực hóa nhiều ước mơ của NLĐ”.
Lắng nghe những câu chuyện tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, đó là những câu chuyện rất thật, rất xúc động được kể bởi chính những người công nhân có hoàn cảnh khó khăn cho thấy Công đoàn là tổ chức, là vòng tay, là mái ấm, là người đồng hành thực sự của người lao động. Chân dung những cán bộ Công đoàn nghĩa tình, trách nhiệm qua những câu chuyện kể trên cũng được phác họa khiến tôi thấy yêu nghề hơn, thấy nghề mình làm có ý nghĩa hơn.
"Những câu chuyện như thế này làm tăng thêm vị thế, sức sống của tổ chức Công đoàn. Chúng tôi mong cán bộ Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò của mình, đồng hành cùng người lao động, mong các nhân vật hôm nay vươn lên, sống có ích, sẽ giúp được người khác khó khăn hơn mình để cuộc sống này đẹp và đáng sống hơn”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.
(congdoan.vn)

Tin cùng chuyên mục