Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 09/01/2025 | 22:51

Trao đổi kinh nghiệm

Quy định mới về lương, thưởng, phép năm của người lao động từ năm 2021

11/09/2020

Bộ luật Lao động 2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-1-2021, trong đó quy định về tiền lương, tiền thưởng, phép năm của người lao động.

Bộ luật Lao động 2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-1-2021, trong đó quy định về tiền lương, tiền thưởng, phép năm của người lao động.
Tiền lương
1. Tiền lương theo thỏa thuận, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Tiền lương trong thời gian thử việc: Do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
2 Mức lương: Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu
Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ (BLLĐ 2012 quy định mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành).
3 Nguyên tắc trả lương:
- Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể trả lương cho người được người lao động (NLĐ) ủy quyền hợp pháp nếu NLĐ không thể đến nhận lương (BLLĐ 2012 không quy định nội dung này).
- NSDLĐ không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ; không được ép buộc NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của NSDLĐ hoặc của đơn vị khác mà NSDLĐ chỉ định (quy định mới).
4. Trả lương:
- Trả bằng đồng Việt Nam (có thể bằng ngoại tệ với NLĐ nước ngoài) theo thỏa thuận, năng suất, chất lượng công việc.
- Mỗi lần trả lương, NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho NLĐ, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
5. Hình thức trả lương:
- Dựa theo thỏa thuận trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
- Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng, trường hợp trả qua tài khoản thì NSDLĐ phải trả các chi phí liên quan đến mở tài khoản, chuyển lương (Quy định mới, hiện hành luật cho phép hai bên thỏa thuận về vấn đề phí phát sinh).
6 Kỳ hạn trả lương:
- NLĐ hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
- NLĐ hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
- NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
-  Trường hợp đặc biệt có thể trả chậm lương nhưng không được chậm quá 30 ngày.
Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì NSDLĐ phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương.
(Hiện hành, số tiền đền bù sẽ được tính theo lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương; nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương).
7. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm:
- NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
+ Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
+ Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
+ Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày.
- NLĐ làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
- NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương hai nội dung trên, NLĐ còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
8. Tiền lương ngừng việc:
- Nếu do lỗi của NSDLĐ thì NLĐ được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Nếu do lỗi của NLĐ thì người đó không được trả lương;
- Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của nhà nước hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc:
+ Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
+ Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
(Hiện hành chỉ quy định tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).
9. Tạm ứng tiền lương:
- Theo thỏa thuận và không bị tính lãi (hiện hành chỉ quy định hai bên thỏa thuận với nhau).
- NLĐ nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
10. Khấu trừ tiền lương:
- Chỉ bị khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ.
- Mức khấu trừ hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả sau khi trích nộp các khoản BXHH, BHYT, BHTN, thuế TNCN.
11. Được nghỉ việc ngay không cần báo trước nếu không được trả lương đúng hạn hoặc trả không đủ (hiện hành quy định phải báo trước 3 ngày).
12. Được nghỉ việc hưởng nguyên lương trong 10 trường hợp 
Tiền thưởng
NLĐ được thưởng tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác (Hiện hành chỉ quy định về tiền thưởng).
Phép năm
- NLĐ làm việc đủ 12 tháng cho một NSDLĐ thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
+ 14 ngày làm việc đối với NLĐ chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
+ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng cho một NSDLĐ thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
- Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được NSDLĐ thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
- NSDLĐ có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của NLĐ và phải thông báo trước cho NLĐ biết (Hiện hành quy định là quyền chứ không phải nghĩa vụ).
- NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
- Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, NLĐ được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
- Khi nghỉ hằng năm, nếu NLĐ đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
 A.Chi (Người lao động)

Tin cùng chuyên mục