Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 21:56

Công tác nữ công

“Phụ nữ thành công và hạnh phúc gia đình”

25/06/2020

Ngày 25/6/2020, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động nữ, nói chuyện chuyên đề “Phụ nữ thành công và hạnh phúc gia đình”.

Ngày 25/6/2020, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động nữ, nói chuyện chuyên đề “Phụ nữ thành công và hạnh phúc gia đình”.
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; đồng chí Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cùng gần 500 đại biểu đại diện cho Ban Nữ công Công đoàn các cấp ngành Ngân hàng.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cho biết: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhấn mạnh mục tiêu: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”. Thực hiện chiến lược ấy, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam luôn đặt công tác gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch công tác của mình.
Bên cạnh việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình vào các chương trình công tác của tổ chức công đoàn, của Ban Nữ công Công đoàn các cấp, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam luôn chủ động có văn bản hướng dẫn triển khai công tác Bình đẳng giới, Dân số, Gia đình và Trẻ em tới các cấp công đoàn để tổ chức thực hiện.
Đ/c Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN, Chủ tịch CĐNHVN phát biểu tại hội nghị
Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và chuyên môn cùng cấp, các cấp công đoàn đã triển khai, thực hiện công tác gia đình một cách đồng bộ, hiệu quả, không phô trương, hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, người lao động trong công tác gia đình và trẻ em.
Đặc biệt, hưởng ứng sự kiện “Áo dài, di sản văn hóa Việt Nam”, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã giao Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng các Vụ chức năng liên quan của Ngân hàng Nhà nước thực hiện trang cấp đồng phục áo dài cho toàn thể chị em CBĐVNLĐ Ngân hàng Nhà nước năm 2020. Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của các cấp Lãnh đạo với nữ CBĐVNLĐ khối Ngân hàng Nhà nước. Còn đối với các NHTM, các tổ chức tín dụng thì tùy tình hình thực tế, Công đoàn phối hợp chuyên môn nghiên cứu đề xuất thực hiện trang cấp áo dài đồng phục cho nữ CBĐVNLĐ.
Đ/c Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch TLĐ phát biểu tại hội nghị
Hội nghị đã lắng nghe đồng chí Trịnh Thanh Hằng, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giới thiệu về những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 đối với lao động nữ. Bộ luật đã tích hợp khá đầy đủ những nguyên tắc công ước lao động quốc tế, đặc biệt là các công ước cơ bản của ILO. Những chi tiết sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, người sử dụng lao động, quan hệ lao động, thị trường lao động và cả sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Đ/c Trịnh Thị Thanh Hằng giới thiệu về Bộ Luật lao động 
Việc ban hành Bộ luật Lao động 2019 là dấu mốc quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Những chi tiết sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động, quan hệ lao động, thị trường lao động và cả sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Tại hội nghị, tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cũng nói chuyện chuyên đề “Phụ nữ thành công và hạnh phúc gia đình”.
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nói chuyện tại hội nghị
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: Công đoàn và Ban Nữ công Công đoàn các cấp ngành Ngân hàng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền đối với công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của Cấp ủy, Ban Lãnh đạo mà trong đó Công đoàn là đầu mối tổ chức thực hiện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước bằng việc đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là luật hôn nhân gia đình, luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, luật bình đẳng giới và các văn bản pháp luật khác có liên quan…
Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, trao đổi kỹ năng ứng xử, phòng chống bạo lực gia đình, chú trọng đối tượng tuyên truyền là nam giới và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Phấn đấu 100% số CBĐVNLĐ trong Ngành được truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình theo Kế hoạch của NHNN triển khai thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020.
Cùng với đó, cụ thể hoá hơn nữa các nội dung của Chỉ thị 49/CT-TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào chương trình công tác hàng năm của Ban Nữ công công đoàn các cấp; tăng cường sự phối hợp giữa Công đoàn với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cùng cấp trong triển khai, thực hiện các nội dung hoạt động hướng tới bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ; lồng ghép, phối hợp việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với các chiến lược, kế hoạch có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cao trong việc triển khai thực hiện.
Thanh Thuỷ

Tin cùng chuyên mục