Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 09/01/2025 | 23:06

Kiến thức đời sống

10 câu hỏi đáp hữu ích về dịch bệnh COVID-19

27/03/2020

Dịch COVID-19 đang xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Nhiều người lo lắng dịch sẽ kéo dài bao lâu? Để giải đáp những câu hỏi xung quanh dịch bệnh, Cục Quân y (Học viện Quân y) đã đưa ra những câu hỏi - đáp về dịch bệnh COVID-19. BBT dẫn đăng theo Báo Lao động.

Dịch COVID-19 đang xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Nhiều người lo lắng dịch sẽ kéo dài bao lâu? Để giải đáp những câu hỏi xung quanh dịch bệnh, Cục Quân y (Học viện Quân y) đã đưa ra những câu hỏi - đáp về dịch bệnh COVID-19. BBT dẫn đăng theo Báo Lao động.

1. Thế nào là bệnh truyền nhiễm?

Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Ví dụ: Bệnh cúm mùa lây trực tiếp từ người sang người, bệnh sốt xuất huyết lây từ người sang người qua muỗi đốt, bệnh cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.

2. Thế nào là dịch bệnh truyền nhiễm?

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định “Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định”. Tuy nhiên, khái niệm trên được hiểu với những bệnh đã từng xảy ra trước đó (điển hình là cúm và sốt xuất huyết).

Trường hợp hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS) xuất hiện năm 2002 hay hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) xuất hiện năm 2012 và dịch COVID-19 lần này là những bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện thì các cơ quan y tế sẽ căn cứ vào khả năng lây lan, mức độ gây tử vong, đã có thuốc đặc trị và vắc xin chưa để cân nhắc xác định dịch.

3. Dịch COVID-19 là gì?

Dịch COVID-19 viết tắt của cụm từ “Coronavirus disease 2019”, là dịch bệnh do virus Corona gây ra và xuất hiện lần đầu năm 2019. Dịch bệnh này xuất hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, trong đó nhiều người cùng bị viêm đường hô hấp cấp.

Tác nhân gây bệnh sau đó được xác định là một chủng mới của virus Corona. Chủng virus mới này được tìm ra năm 2019 nên được ký hiệu là 2019-nCoV (viết tắt của cụm từ “2019 Novel Coronavirus”). Vì thế, ban đầu dịch bệnh này có tên là “Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona 2019-nCoV”.

Tên dịch bệnh vừa mô tả biểu biện bệnh và tác nhân gây bệnh nên thường rất dài. Để ngắn gọn, trong thời gian đầu giới chuyên môn và các phương tiện truyền thông ở nước ta thường gọi tắt dịch bệnh này là:

- Dịch viêm đường hô hấp cấp do “virus Corona mới” hoặc “virus Corona chủng mới” hoặc “chủng mới của virus Corona” (vì trước đây đã có các dịch viêm đường hô hấp cấp do các chủng virus Corona khác gây ra); hoặc

- Dịch viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV (chỉ nêu tác nhân gây bệnh); hoặc

- Dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV (nêu ngắn gọn tác nhân gây bệnh nCoV đã đủ để phân biệt với tất cả các chủng virus khác đồng thời dễ phát âm hơn 2019-nCoV).

Vấn đề gọi tên dài dòng, phức tạp và khó phát âm (nhất là cụm từ “2019-nCoV”) không chỉ xảy ra trong tiếng Việt mà ngay cả trong các ngôn ngữ quốc tế khác. Bên cạnh đó, chủng virus này còn được một số phòng thí nghiệm khác ký hiệu là SARS-CoV-2.

Sau khi thống nhất các chuyên gia toàn cầu, ngày 11 tháng 2 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức gọi tên bệnh này là COVID-19 (viết tắt của cụm từ “Coronavirrus disease 2019”) với ý nghĩa là bệnh do virus Corona gây ra và xuất hiện lần đầu năm 2019.

Phương thức đặt tên mới này cũng được WHO xác định làm công thức chuẩn để đặt tên những bệnh mới khác có thể xuất hiện trong tương lai, trong đó có quan tâm cả vấn đề dễ phát âm, đầy đủ thông tin, bỏ qua các yếu tố địa danh để tránh nguy cơ phát sinh sự kỳ thị.

4. Khi nào nước ta công bố dịch bệnh?

Điều 30 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch như sau:

1. Việc công bố dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: a) Mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố.

b) Việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

2. Thẩm quyền công bố dịch được quy định như sau:

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C.

b) Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch.

c) Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này quyết định việc công bố dịch.

4. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể điều kiện công bố dịch.

5. Có phải dịch COVID-19 nguy hiểm hơn các dịch bệnh khác nên Thủ tướng Chính phủ công bố dịch?

Việc Thủ tướng Chính phủ công bố dịch bệnh này là thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 (xem câu 4) vì  COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm đặc biệt nguy hiểm), đồng thời lại là bệnh mới xuất hiện, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin.

6. Dịch  COVID-19 nguy hiểm như thế nào?

Theo Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các bệnh truyền nhiễm được phân chia làm 3 nhóm:

- Nhóm A: Là những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, lây truyền nhanh; phát tán rộng; tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

- Nhóm B: Là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

- Nhóm C: Là các bệnh ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh và ít gây tử vong.

Trên cơ sở đó, dịch  COVID-19 được Bộ Y tế xếp vào nhóm A - nhóm đặc biệt nguy hiểm vì bệnh có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh, tỉ lệ tử vong ban đầu được dự báo tới 5% - trên thực tế tại thời điểm này (17.2.2020) đang ở mức khoảng 2%.

7. Dịch  COVID-19 xuất hiện như thế nào?

Do những người đầu tiên bị bệnh đều có liên quan đến một địa điểm mua bán động vật hoang dã ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc và tác nhân gây bệnh được tìm thấy ở người bệnh là virus Corona - loại virus phổ biến gây bệnh ở động vật; mặt khác chủng virus này hoàn toàn mới nên được cho là 15 virus Corona vốn lưu hành ở động vật đã biến đổi (tiến hóa) thành virus gây bệnh cho người (tương tự virus Corona gây bệnh SARS lây từ cầy hương sang người, virus Corona gây bệnh viêm đường hô hấp Trung Đông lây từ lạc đà sang người).

Tiếp đó người hoặc những người đầu tiên nhiễm virus từ động vật lại trở thành nguồn phát tán và lây nhiễm virus sang người khác, làm cho bệnh trở thành dịch bệnh lây truyền từ người sang người.

Một bệnh nếu chỉ lây từ động vật sang người rồi dừng lại ở người bị nhiễm bệnh từ động vật, không tiếp tục lây từ người sang người (như cúm gia cầm) thì việc kiểm soát còn tương đối thuận lợi (cách ly, thậm chí tiêu hủy toàn bộ nguồn phát tán mầm bệnh là động vật).

Khi bệnh từ động vật lây sang người rồi lại tiếp tục lây từ người sang người thì việc kiểm soát sẽ trở nên vô cùng khó khăn như SARS, MERS và  COVID-19 hiện nay. Như vậy, sau dịch SARS do virus SARS-CoV-2 lây từ cầy hương sang người, dịch viêm đường hô hấp Trung Đông do virus MERS-CoV lây từ lạc đà sang người; nay dịch COVID-19 cũng do virus Corona lây từ động vật hoang dã (nhiều khả năng từ dơi hoặc tê tê hoặc rắn) sang người, càng có thêm cơ sở để khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với động vật hoang dã.

Đặc biệt, việc mua bán, giết thịt động vật hoang dã có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao do con người tiếp xúc trực tiếp với các chất bài tiết và thịt sống của động vật hoang dã.

8. Dịch COVID-19 lan truyền bằng cách nào?

Hiện nay, phương thức lây truyền chính xác từ động vật sang người còn chưa rõ; điều chắc chắn là người (hoặc những người) đầu tiên nhiễm virus từ động vật truyền sang có tiếp xúc với nguồn chứa virus do động vật phát tán (chất thải, dịch tiết, thịt sống…).

Từ những nguồn này virus gây bệnh COVID-19 đã nhiễm vào các tế bào ở đường hô hấp của người nhiễm mầm bệnh. Tại đây, virus nhân lên gây bệnh cho đường hô hấp, đồng thời phát tán ra ngoài qua đường hô hấp trên của người bệnh để rồi lây truyền từ người này sang người khác.

Virus lây truyền từ người sang người qua ba đường chính: Giọt bắn, không khí và tiếp xúc bề mặt có virus. Từ trong đường hô hấp của người nhiễm mầm bệnh (có thể có triệu chứng bị bệnh hoặc không), virus SARS-CoV-2 được phát tán ra bên ngoài khi người mang mầm bệnh ho, hắt hơi (mà không đeo khẩu trang) làm bắn ra các giọt chất lỏng kích thước từ 5µm (micromet) trở lên gọi là giọt bắn làm người xung quanh hít phải các giọt bắn chứa virus và nhiễm bệnh; khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc được chăm sóc y tế bằng các thủ thuật hút đờm dãi hoặc khí dung, virus từ đường hô hấp được phát tán ra trong các giọt có kích thước dưới 5µm vào không khí làm người xung quanh hít phải không khí chứa virus và nhiễm bệnh; virus từ các giọt bắn hoặc không khí bám vào các bề mặt (khẩu trang, quần áo, đồ dùng xung quanh…), sau đó người khác chạm vào bề mặt này và nhiễm virus gây bệnh.

Từ ba đường lây chính này, các biện pháp dự phòng được khuyến cáo là đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng.

- Đối với người bệnh có triệu chứng hoặc người mang mầm bệnh không triệu chứng (mới bị nhiễm còn đang ở giai đoạn ủ bệnh hoặc người mang mầm bệnh không triệu chứng thực thụ), đeo khẩu trang là cách hiệu quả để ngăn phát tán giọt bắn ra môi trường xung quanh khi ho hoặc hắt hơi. Những người này cần đeo khẩu trang và cách ly là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, giúp hạn chế nguồn tác nhân gây bệnh truyền nhiễm ra cộng đồng.

- Người chưa nhiễm virus đeo khẩu trang y tế thông thường đúng cách đã có thể ngăn ngừa một cách hiệu quả đường lây nhiễm do giọt bắn.

- Lây qua đường không khí thường chỉ gặp trong tình huống chăm sóc y tế có tiến hành các thao tác khí dung hoặc hút đờm dãi, do vậy chỉ nhân viên y tế hoặc người nhà chăm sóc người bệnh mới cần các loại khẩu trang y tế chuyên dụng như N95.

- Rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ cao (che miệng khi ho, hắt hơi; chạm tay vào khẩu trang đã sử dụng, ống tay áo che mũi/miệng khi ho, hắt hơi; tay nắm cửa, nút bấm thang máy, điện thoại di động…), đồng thời tập thói quen không cho tay bẩn vào miệng, mũi, mắt là cách hiệu quả nhất để ngăn cản đường lây qua tiếp xúc bề mặt có virus.

9. Dịch COVID-19 so với dịch SARS và dịch viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS), dịch nào nguy hiểm hơn?

Dịch nào nguy hiểm hơn còn tùy thuộc vào tiêu chí đánh giá:

- Tỉ lệ tử vong: Tỉ lệ tử vong do SARS là 9,6%, do MERS trên 30% cao hơn so với COVID-19 (hiện tại khoảng 2%).

- Mức độ lây lan và số người nhiễm: COVID-19 có mức độ lây lan nhanh hơn và số người nhiễm nhiều hơn.

Từ hai tiêu chí trên cho thấy, với cá nhân một người bị nhiễm bệnh thì SARS và MERS nguy hiểm hơn; với cộng đồng thì COVID-19 nguy hiểm và gây thiệt hại nhiều hơn. Nói cách khác, bệnh SARS, bệnh MERS nguy hiểm hơn bệnh COVID-19; còn dịch COVID-19 nguy hiểm hơn dịch SARS và dịch MERS.

Điều này cho thấy mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm lớn trong việc bảo vệ cộng đồng.

10. Dịch COVID-19 sẽ kéo dài bao lâu?

Muốn hết dịch thì cần phải thực hiện tổng hợp tất cả các biện pháp để cắt đứt sự lây nhiễm, không để xuất hiện những ca nhiễm mới. Ngoài các giải pháp do con người thực hiện, điều kiện thời tiết cũng ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của mầm bệnh ở môi trường và sức đề kháng của con người với mầm bệnh.

Dựa vào diễn biến thời tiết và các kết quả thu được từ các biện pháp phòng chống dịch hiện nay, một số nhà dịch tễ học dự đoán dịch sẽ kéo dài khoảng 2 - 3 tháng nữa. Tuy nhiên yếu tố con người vẫn có vai trò quyết định mức độ thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đòi hỏi các chính phủ phải triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch và mỗi người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch được triển khai.

Theo laodong.vn


Tin cùng chuyên mục