Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 22:10

Công tác nữ công

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Quốc tế Hạnh phúc - 20/3

19/03/2020

Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) là ngày được cả thế giới chào đón nhưng không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của nó. 

Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) là ngày được cả thế giới chào đón nhưng không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của nó. Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng là ngày mà cả nhân loại quan tâm đến vấn đề cốt lõi trong cuộc sống. Vậy làm sao để tìm được thật nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống?
Nguồn gốc của ngày Quốc tế Hạnh phúc - 20/3
Con người từ khi sinh ra và lớn lên, ai ai cũng đều mong muốn cho mình luôn hạnh phúc. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, con người vẫn luôn trong hành trình đi tìm hạnh phúc. Và hạnh phúc là đích đến trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Mục đích của hạnh phúc thì rõ ràng là vậy, song thực tiễn trong cuộc sống đã có không ít người vẫn luôn tranh luận thế nào là hạnh phúc và làm thế nào để có được hạnh phúc.
Về nguồn gốc của ngày Quốc tế Hạnh phúc: Tháng 6 năm 2012, Liên hiệp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc và 193 nước thành viên, trong đó có Việt Nam đã cùng cam kết ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.
Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan, một vương quốc bé nhỏ ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước có “chỉ số hạnh phúc” cao dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Bhutan là quốc gia đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ 20 và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội. Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng nhu cầu về Ngày Hạnh phúc này là đối với tất cả quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới, và liên kết, đoàn kết toàn nhân loại.
Liên hiệp quốc đã tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên vào ngày 20/3/2013 với thông điệp chính được phát động trên toàn cầu: “Hãy hành động vì hạnh phúc”. Theo Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon: “Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên cho chúng ta cơ hội để tăng cường cam kết nhằm thúc đẩy quá trình phát triển bền vững và toàn diện của nhân loại, cũng như làm mới lại các cam kết của chúng ta để giúp đỡ những người khác. Khi chúng ta đóng góp cho lợi ích chung, chúng ta cũng làm giàu cho chính mình. Lòng nhân ái mang lại hạnh phúc và giúp chúng ta xây dựng được tương lai như chính chúng ta mong muốn”.
Vào Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2014, Tổng thư ký Liên hiệp quốc tiếp tục gửi thông điệp đi khắp các quốc gia, trong đó Ông nhấn mạnh: “Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đều công nhận rằng hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may khác và rất nhiều đồng loại của chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện đó. Hạnh phúc không phải là điều phù phiếm cũng không phải là điều gì xa xỉ. Hạnh phúc là khao khát sâu xa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Hạnh phúc không nên từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người. Khát vọng này ẩn chứa trong cam kết của Hiến chương Liên hiệp quốcđể thúc đẩy hòa bình, công bằng, nhân quyền, tiến bộ xã hội và mức sống được cải thiện”.
Ý nghĩa của ngày Quốc tế Hạnh phúc - 20/3
Việc Liên hiệp quốc chọn ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc còn vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này, ngày và đêm có độ dài bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Đó là sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực,…
Bởi vậy, ngày 20/3 - Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải đi thông điệp: “Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc”. Vậy làm thế nào để cân bằng, để đạt được sự hài hòa nhằm đón nhận hạnh phúc, Tổng thư ký Ban Ki-Moon khẳng định: “Chúng ta cần một mô hình kinh tế mới mà ở đó các bên phải công nhận sự phát triển bền vững của cả ba trụ cột xã hội, kinh tế và môi trường trong lành. Các yếu tố này kết hợp với nhau sẽ tạo ra khái niệm chỉ số chung về hạnh phúc toàn cầu”.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc sau khi công bố đã được nhiều quốc gia trên thế giới đón nhận, ủng hộ. Và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tích cực trong việc hưởng ứng sự kiện  này. Chính vì vậy, ngày 26/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm" nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội về ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc.
Năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Vào ngày này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ đã gửi thông điệp đến toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó Phó Thủ tưởng khẳng định: Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam luôn gắn chặt với tiêu ngữ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Độc lập là tiền đề của tự do, hạnh phúc của nhân dân. Tự do, hạnh phúc của nhân dân là thước đo giá trị, là mục tiêu của độc lập dân tộc. Hạnh phúc của nhân dân chỉ trọn vẹn khi là công dân của một nước độc lập và có cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ, có đời sống tinh thần lành mạnh. Nhân dân phải là người chủ thực thụ của đất nước và của quá trình phát triển. Mọi người đều có điều kiện để phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ. Đó cũng luôn là mục tiêu, là động lực để chúng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Phó Thủ tướng khẳng định. Nhân dân Việt Nam đã không quản hy sinh, gian khổ để giữ gìn nền độc lập của Dân tộc mình, kiến thiết đất nước mình và cũng luôn sẵn lòng chia sẻ, góp sức, đề cao trách nhiệm là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng, đem lại hạnh phúc cho nhân loại, giữ gìn màu xanh của hành tinh. Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc của Việt Nam là để cùng cả thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn niềm hạnh phúc. Phó Thủ tướng kêu gọi: Để ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, chúng ta hãy cùng nhau chung sức đồng lòng, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm tới các khu vực vùng đồng bào dân tộc ít người còn nhiều khó khăn, tới các đối tượng chính sách, dễ bị tổn thương. Hãy cùng nhau kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Hãy yêu thương và chia sẻ để tìm thấy cho mình và giúp những người quanh ta, trước hết là gia đình, là những người thân có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực!
Điều này có ý nghĩa hết sức lớn lao trong việc góp phần hiện thực hóa mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam…  
Năm nay, theo hướng dẫn số 04/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn LĐVN vừa ban hành ngày 13/3/2020, các cấp công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch theo chỉ đạo, phát động của công đoàn cấp trên và chương trình công tác trọng tâm cấp mình đã đề ra. Các hoạt động liên quan đến công tác bình đẳng giới, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ; công tác dân số - gia đình và trẻ em cần được cụ thể hóa với các nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp thực tế, đáp ứng tốt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động (như: tổ chức diễn đàn, hội thảo chuyên đề, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, mời chuyên gia tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân, gia đình, trách nhiệm của nam giới đối với gia đình, giáo dục con cái, vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em….). Theo đó, trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 công đoàn các cấp cần chủ động phối hợp với chuyên môn, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ đồng cấp tập trung thông tin, truyền thông, tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình “Sức khỏe của bạn”, “Môi trường làm việc Xanh - Sạch - Đẹp”, “Bếp ăn tập thể”, “Phòng vắt trữ sữa”… chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất, phối hợp triển khai và tổ chức các hoạt động thiết thực, bổ ích trong cán bộ, đoàn viên, người lao động gắn với chủ đề “Yêu thương và Chia sẻ” để ngày Quốc tế Hạnh phúc - 20/3 thực sự trở nên có ý nghĩa.
Nguyễn Thái (st)

Tin cùng chuyên mục