Thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, các cấp công đoàn thuộc hệ thống Công đoàn (CĐ) Ngân hàng Việt Nam luôn chủ động phối hợp với chuyên môn phát động các phong trào thi đua, các sáng kiến cải tiến quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, CĐ phát hiện và nhân rộng hàng nghìn gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong toàn ngành Ngân hàng.
Cán bộ tín dụng NHCSXH đang làm thủ tục giải ngân cho đồng bào DTTS
Hơn 5.850 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến.
Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam - đánh giá, thực tiễn cho thấy ở đâu, nơi nào càng gặp khó khăn, thách thức thì xuất hiện càng nhiều sáng kiến, sáng tạo. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh và công tác nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan, cải cách các thủ tục hành chính nâng cao năng lực quản trị điều hành. Các phong trào thi đua đó đã phát hiện và biểu dương, nhân rộng rất nhiều gương điển hình tiên tiến trên mọi vị trí công tác, góp phần quan trọng vào việc xây dựng uy tín, hình ảnh, thương hiệu của ngành Ngân hàng, tạo dựng được lòng tin của toàn xã hội.
Trong những năm qua, phong trào thi đua lao động sáng tạo của CNVCLĐ trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua các hoạt động về xây dựng cơ chế, quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng đã góp phần thực hiện hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng và hoạt động Ngân hàng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của nền kinh tế nước ta. Các phong trào thi đua lao động sáng tạo đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với chuẩn mực quốc tế cũng như điều kiện thực tiễn của nền kinh tế nước ta, tạo môi trường hoạt động lành mạnh, an toàn và hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng.
Phong trào thi đua lao động sáng tạo của CNVCLĐ của các tổ chức tín dụng chủ yếu tập trung vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ, phát triển thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng tín dụng, cải cách hành chính… Qua đó, hệ thống thanh toán của từng tổ chức tín dụng đã có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, triển khai ứng dụng công nghệ phục vụ cho hoạt động thanh toán, số lượng máy rút tiền tự động và các thiết bị chấp nhận thẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh, kết nối liên thông trên phạm vi toàn quốc…
Theo Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, hưởng ứng phong trào thi đua lao động sáng tạo do Công đoàn phát động, trong thời gian qua, CNVCLĐ ngành Ngân hàng đã có 5.850 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, hợp lý hoá sản xuất, kinh doanh. Trong đó: 2.753 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; 1.692 đề tài khoa học, sáng kiến cấp Ngành, 341 đề tài cấp toàn quốc giá trị làm lợi ước tính hàng trăm tỉ đồng.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và Phó Thống đốc, Chủ tịch CĐNHVN Đào Minh Tú trao Bằng khen cho các điển hình tiên tiến được vinh danh tại Hội nghị biểu dương đoàn viên, NLĐ ngành Ngân hàng giai đoạn 2014 - 2019
Nhiều tấm gương tiêu biểu.
Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo đã được triển khai và tổ chức có hiệu quả ở trên tất cả lĩnh vực của ngành Ngân hàng, qua đó, xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu xuất sắc ở mọi vị trí công tác.
Ở vị trí làm công tác kiểm ngân, anh Đào Phúc Toàn - kiểm ngân phòng Tiền tệ kho quỹ Vietinbank Chi nhánh Vĩnh Phúc - đã trả lại khách hàng thừa 287 món với số tiền 3.067.775.000 đồng. Nhiều năm liên tục, anh được tặng danh hiệu đoàn viên công đoàn xuất sắc và được khen thưởng gương người tốt, việc tốt.
Là Phó Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng TMCP Quân Đội và trên cương vị Phó Giám đốc Khối Tài chính kế toán Hội sở chính, chị Phạm Thu Ngọc đã luôn nỗ lực, cố gắng học hỏi, tiếp nhận những kiến thức, tư tưởng quản trị hiện đại, thông lệ quốc tế. Chị Ngọc là chủ các đề tài nghiên cứu như “Dự án tập trung hóa kế toán toàn diện”, “Dự án BPM - ứng dụng công nghệ trong công tác luân chuyển chứng từ”, “Dự án tập trung hóa công tác thuế”, “Dự án tự động hóa hóa đơn điện tử”… Từ năm 2013 - 2019, những dự án có sự tham gia của chị Thu đã tiết kiệm chi phí hoạt động lên đến 272 tỉ đồng…
Chị Lê Thị Thanh Hương - Phó trưởng phòng Phòng Kế hoạch tài chính BIDV, chi nhánh Tây Hồ (Hà Nội) - đã có rất nhiều sáng kiến, cải tiến quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Chỉ trong 3 năm từ 2015 - 2018, chị đã có 7 sáng kiến cải tiến xây dựng hệ thống báo cáo phục vụ điều hành các phòng giao dịch, hỗ trợ hoạt động các chi nhánh, áp dụng BSC vào chấm điểm đánh giá các đơn vị tại chi nhánh, xây dựng chương trình cập nhật tỉ giá tự động… góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả huy động vốn, phát triển dịch vụ công tác điện toán cho đơn vị.
Khai thác mạnh mẽ nguồn lực trí tuệ của CNVCLĐ.
Theo Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, trong thời gian tới để góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của ngành, phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra, các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục vận động CNVCLĐ, cán bộ khoa học, các nhà quản lý hưởng ứng phong trào thi đua lao động sáng tạo hướng vào mục tiêu hoàn thiện thể chế về tiền tệ và hoạt động Ngân hàng; Nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính Ngân hàng của các chủ thể trong nền kinh tế; Kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát; Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao, chất lượng, hiệu quả tín dụng, bảo đảm hoạt động Ngân hàng.
Tổ chức các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong CNVCLĐ để phát triển, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng, thanh toán sử dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực nông thôn; phát triển, mở rộng mô hình ứng dụng các phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, nhiều tiện ích nhằm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt như hiện nay.
Tuyên truyền sâu rộng các nội dung của “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ Ngân hàng” nhằm nâng cao nhận thức hiểu biết trong cán bộ CNVCLĐ ngành Ngân hàng có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, tác phong làm việc văn minh, hiện đại. Xây dựng hình ảnh, thương hiệu người cán bộ ngân hàng uy tín, trách nhiệm, tạo dựng niềm tin của nhân dân, xã hội vào cán bộ ngân hàng…
“Phong trào thi đua lao động sáng tạo trong CNVCLĐ ngành Ngân hàng cần tập trung vào việc phát triển khoa học công nghệ, khai thác mạnh mẽ nguồn lực trí tuệ của CNVCLĐ là nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của ngành Ngân hàng; tạo cơ sở, nền tảng và niềm tin để toàn ngành bước vào giai đoạn thi đua mới, phấn đấu hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ được giao, đưa hoạt động của Ngân hàng Việt Nam trở thành ngân hàng hiện đại, đáp ứng tiến trình đổi mới của đất nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và hội nhập thế giới” - đồng chí Đào Minh Tú cho biết.
Qua các phong trào thi đua, nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc đã được khen thưởng. Trong đó, 5 cá nhân vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; 3 tập thể và cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 2 cá nhân, 3 tập thể được tôn vinh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam”; Tổng LĐLĐVN tặng 66 Cờ thi đua, 125 Bằng khen cho tập thể, 305 Bằng khen cho cá nhân, 3 cá nhân được tặng Bằng Lao động sáng tạo; Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tặng 410 Cờ thi đua, 628 Bằng khen cho tập thể và 4.115 Bằng khen cho cá nhân.
Việt Lâm