Công tác thi đua phối hợp nhuần nhuyễn với khen thưởng đã trở thành động lực để các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch đặt ra.
Chất lượng nguồn nhân lực là một yếu tố then chốt để thực hiện các mục tiêu hoạt động của đơn vị, song hiệu quả sẽ tăng lên gấp bội khi bản thân mỗi người lao động mang trong mình tình yêu, sự nhiệt huyết và sáng tạo vào công việc. Đó cũng là mong muốn của những người làm công tác thi đua ngành Ngân hàng khi nêu cao ngọn cờ thi đua yêu nước trong từng đơn vị từ Trung ương đến cơ sở trong những năm qua. Đặc biệt với một ngành có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế như ngân hàng, các phong trào thi đua càng góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành, cộng hưởng sức mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước mang tầm quốc gia.
Khi mục tiêu hòa vào ước vọng
1.247 tỷ đồng là số tiền mà ngành Ngân hàng đã ủng hộ để triển khai các hoạt động ASXH trên toàn quốc trong năm 2018. Nguồn hỗ trợ từ tiền lương và thu nhập của cán bộ nhân viên trong ngành đã góp phần xây lên 1.651 ngôi nhà, giúp xóa nhà tạm, nhà dột nát ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ về nhà ở cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. 79 công trình giáo dục, 26 trạm y tế, xe cứu thương cũng đã được xây dựng nhằm nâng cao điều kiện học tập, khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Trước đó, năm 2017, ngành Ngân hàng cũng đã hỗ trợ trên 1.348 tỷ đồng cho công tác ASXH.
“Ngành Ngân hàng vẫn luôn thực hiện tốt công tác ASXH trong những năm qua, mặc dù bản thân các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự chung tay của ngành cùng Chính phủ trong công tác xóa đói giảm nghèo”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết. Các hoạt động ASXH của ngành Ngân hàng không chỉ là hỗ trợ cho người dân trong những khó khăn tức thời, mà còn tạo nền tảng phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Điều này có thể thấy rõ trong Chương trình hỗ trợ, “đỡ đầu” các huyện nghèo trong diện 30a của Chính phủ trong 10 năm qua. Nhiều ngân hàng đã nhận “đỡ đầu” hàng chục huyện nghèo như VietinBank, BIDV, Agribank. Ở cấp địa phương, các NHNN tỉnh, và chi nhánh các TCTD cũng tích cực trợ giúp, tham gia hỗ trợ các huyện, xã xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Tất cả những điều đó đã đưa ngành Ngân hàng trở thành là một trong những ngành tiên phong chung tay cùng Chính phủ trong Phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau.
Không những thế, đằng sau đó là một nền tảng chính sách hỗ trợ khu vực nông thôn đang ngày một hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn từng nhu cầu phát triển nông thôn mới và sự cộng hưởng của các TCTD, kể cả các NHTMCP nhỏ vươn mình về khu vực nông thôn, tranh thủ các chương trình tài trợ quốc tế để hỗ trợ người dân, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Với phong trào thi đua “Doanh nhân Việt Nam hội nhập và phát triển”, đã có nhiều sáng kiến và chính sách của NHNN và các TCTD được triển khai hiệu quả trong thời gian qua. Trong đó, nổi trội nhất là Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được triển khai sâu rộng trên toàn quốc, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, tạo tiền đề bứt phá, hội nhập. Với dư nợ cho vay trên 2,5 triệu tỷ đồng giai đoạn 2014-2018 cho riêng chương trình này, hơn 195.000 doanh nghiệp đã được tháo gỡ khó khăn trên cả nước. Đó là chưa kể 150.000 tỷ đồng dư nợ của doanh nghiệp đã được gia hạn, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất từ chính việc sẻ chia lợi nhuận của ngân hàng.
Cùng với tinh thần “từng doanh nghiệp phồn vinh, từng ngân hàng lớn mạnh” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn nhủ với ngành, mỗi ngân hàng lại có một phong trào “chia ngọt sẻ bùi” cùng DN. Có thể kể đến như: “phong trào thi đua bán hàng tài trợ thương mại và ngoại hối”, “phát triển khách hàng, niềm vui nhân đôi”, “nhân viên tín dụng xuất sắc”. Nhiều ngân hàng đã có sáng kiến riêng với việc đưa ra các chương trình tín dụng thiết thực ra đời hỗ trợ DN hội nhập như gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp, cho vay DNNVV…
Những nỗ lực của toàn hệ thống đã đưa tổng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp đạt trên 4 triệu tỷ đồng, chiếm 55% tỷ trọng cho vay nền kinh tế đến hết quý I/2019. Trong đó khối doanh nghiệp tư nhân đạt hơn 3,218 triệu tỷ đồng, chiếm 43,79% dư nợ cho vay nền kinh tế.
Tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị
Hòa cùng phong trào thi đua chung toàn quốc, phong trào thi đua yêu nước của ngành Ngân hàng càng thêm mạnh với những chiến lược và kế hoạch được xây dựng cụ thể theo từng thời kỳ. Cùng với phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ngân hàng 2016-2020, hàng năm, Thống đốc NHNN đã phát động phong trào thi đua riêng để thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội cũng như hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ ngành.
Trên cơ sở đó, các đơn vị trong toàn ngành cũng đặt ra những trọng tâm để phát động phong trào thi đua, hướng vào những nhiệm vụ chủ chốt, nhiệm vụ mới khó khăn phức tạp. Như với NHNN, đó là các phong trào thi đua chuyên đề để nâng cao chất lượng thực thi chính sách của công chức, viên chức như phong trào “Trật tự kỷ cương và văn hóa công sở”; “Cơ quan văn minh hiện đại”; “Cán bộ công chức tận tâm chuyên nghiệp”. Các TCTD, cùng với việc phát động thi đua hoàn thành kế hoạch năm, cũng đã tổ chức các phong trào thi đua ngắn ngày, kích thích sự phấn đấu và cống hiến của người lao động như “Phát huy sáng kiến cải tiến nghiệp vụ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ”, “Tăng tốc vượt trội, bứt phá về đích”, “Thi đua hoàn thành công tác tái cơ cấu ngành Ngân hàng, thi đua thực hiện chuyển đổi thành công mô hình kinh doanh, thi đua nâng cao chất lượng quản trị rủi ro”, “Chiến thắng vàng – 45 ngày thần tốc”, “Bản lĩnh người dẫn dầu”.
Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể cũng xây dựng những phong trào thi đua theo chuyên đề như “Phụ nữ giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”, “Sáng tạo trẻ” cùng với các hội thi chuyên môn và phong trào văn hóa văn nghệ để động viên tinh thần, tạo không khí phấn khởi lao động, cống hiến trong mỗi đơn vị.
Việc khen thưởng đúng và kịp thời, cùng chú trọng khen thưởng cho các cá nhân là người không có chức vụ, lao động trực tiếp đã tạo thêm động lực cho mỗi cán bộ, người lao động phấn đấu hơn trong công việc. Hoạt động khen thưởng được Hội đồng thi đua khen thưởng mở rộng đến cả tập thể cá nhân có thành tích đột xuất như các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm tiền giả; các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao niềm tin, thay đổi nhận thức và hành vi của người dân qua chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”. Công tác thi đua phối hợp nhuần nhuyễn với khen thưởng đã trở thành động lực để các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch đặt ra, tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành trong năm 2018 – năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết đại hội đảng lần thứ XII cũng như kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Để công tác thi đua khen thưởng đạt hiệu quả cao hơn, góp sức hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra trong năm 2019, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua đang triển khai như Phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành giai đoạn 2016 – 2020, Phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” cùng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN phát động.
Ngành cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Cán bộ ngân hàng rèn luyện đạo đức, luyện nghề, sáng tạo chào mừng 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam”, triển khai thật sâu rộng trong toàn ngành với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế và gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Hiện NHNN đang xây dựng thông tư mới thay thế Thông tư 08/2018/TT-NHNN về hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng trong ngành Ngân hàng và sổ tay thi đua khen thưởng. Đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn cụ thể, lượng hóa các tiêu chí thi đua thành thang bảng điểm, xét khen thưởng đảm bảo chặt chẽ, theo hướng khen thưởng theo công trạng và quan tâm đến người lao động trực tiếp. Cùng với việc khen kịp thời những cách làm hay những mô hình mới, các điển hình tiên tiến, Ngành cũng sẽ đẩy mạnh việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Tuy nhiên để các phong trào thi đua triển khai sâu rộng và có hiệu quả, cần đề cao hơn nữa vai trò trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện các nội dung thi đua.
Minh Ngọc (theo thoibaonganhang.vn)