Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 22:56

Tin TLĐ

Làm chủ tịch Công đoàn, hạnh phúc nhất là mang lại lợi ích cho đoàn viên

03/06/2019

Trong khuôn khổ diễn đàn “Cán bộ Công đoàn (CĐ) tương lai trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng” do Tổng LĐLĐVN và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức vừa qua tại trường Đại học CĐ...

Trong khuôn khổ diễn đàn “Cán bộ Công đoàn (CĐ) tương lai trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng” do Tổng LĐLĐVN và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức vừa qua tại trường Đại học CĐ, các lãnh đạo của tổ chức CĐ, nguyên lãnh đạo của tổ chức CĐ, lãnh đạo ILO, đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, CĐ cấp trên cơ sở, CĐCS đã chia sẻ, truyền cảm hứng tới các bạn sinh viên về “nghề CĐ”.
Bà Cù Thị Hậu - Anh hùng Lao động, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - chia sẻ với sinh viên. Ảnh: QUẾ CHI
“Nghề CĐ rất đặc biệt và hấp dẫn”
Ông Chang Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam - lý giải tầm quan trọng của tổ chức CĐ. Theo ông, trong bất kỳ xã hội nào, vấn đề việc làm luôn đóng vai trò trọng tâm; đồng thời lực lượng người lao động (NLĐ) luôn có số lượng đông đảo nhất. Trong một quốc gia, để hoạch định chính sách, lãnh đạo tốt chưa đủ mà cần phải có tiếng nói của NLĐ. Tổ chức CĐ chính là đại diện tiếng nói của NLĐ để họ có được công bằng, bình đẳng. Nếu NLĐ không được công bằng, bình đẳng, xã hội cũng không đạt được điều này.
“Trước đây, khi chưa có hoạt động CĐ thì chưa có khái niệm về tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc. Bây giờ, chúng ta không chỉ nói về tiền lương tối thiểu nữa mà đã nói về tiền lương đủ sống” - ông Chang Hee Lee nói.
“Vinh dự và tự hào” là điều mà bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - bày tỏ khi được làm chủ tịch CĐ. “Hoạt động CĐ hướng tới những giá trị tốt đẹp. Trở thành cán bộ CĐ, chúng ta có thể thể hiện được giá trị của bản thân: Không làm vì chính bản thân mà làm vì tập thể đoàn viên, NLĐ đã tín nhiệm bầu mình, hướng tới sự công bằng, bình đẳng trong xã hội” - bà Hạnh chia sẻ.
Bà Hạnh cho rằng, khi làm “nghề CĐ”, điều cảm thấy hạnh phúc nhất là mang lại lợi ích cho đoàn viên, NLĐ, như khi đề xuất thương lượng tăng giá trị một bữa ăn hoặc tăng tiền lương cho NLĐ… Hạnh phúc đó được nhân lên nhiều lần vì mỗi đề xuất ấy sẽ giúp được rất nhiều người.
Chủ tịch CĐ cần những phẩm chất gì?
Khi được hỏi, làm Chủ tịch CĐ có phải là sự lựa chọn của mình không, ông Hồ Sỹ Lĩnh - Chủ tịch CĐ Cty Foster (Bắc Ninh) - cho hay, làm Chủ tịch CĐ đến với ông rất tình cờ. Khi mới vào Cty, ông tham gia hoạt động CĐ rất năng nổ, nhiều ý kiến của CNLĐ được ông gửi đến Ban Chấp hành CĐ Cty. Vì vậy, đoàn viên đã rất tín nhiệm, sau đó bầu ông làm Chủ tịch CĐ. “Lúc đầu, tôi chưa có nhiều kiến thức về CĐ nên rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm việc, tôi rất tâm huyết. Nhiều ý kiến của NLĐ được tôi nghiêm túc tập hợp để đề xuất, từng bước cải thiện đời sống của NLĐ, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ở Cty” - ông Lĩnh nhớ lại.
Ông Hồ Sỹ Lĩnh kể về lần CĐCS Cty đã giúp đỡ được một nữ LĐ của Cty. Nữ CN này vận hành máy ép nhựa. Do khuôn bị lỗi, nữ CN này đã tự ý sửa trong khi không có chuyên môn về kỹ thuật nên khuôn bị hỏng, gây ra thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng. Theo quy định của Cty, nếu xác định CN cố tình làm sai gây thiệt hại, NLĐ sẽ bị dừng HĐLĐ và bồi thường. Nữ CN rất lo sợ, chia sẻ với Ban giám đốc, CĐ một cách chân tình là mình không cố tình phá hoại, mà chỉ là do nhận thức chưa đầy đủ. Nữ CN này còn có hoàn cảnh rất khó khăn: Chồng mất sớm, phải nuôi 4 đứa con. Trước tình thế này, CĐ Cty đã phân tích, đề xuất với Ban Giám đốc. Cuối cùng, Ban Giám đốc đồng ý chỉ cảnh cáo nữ CN này, chuyển sang bộ phận sản xuất khác mà không phải dừng HĐLĐ cũng như bồi thường.
Từ thực tế hoạt động CĐ của mình, ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng CĐ - chia sẻ điểm chung của cán bộ CĐ trước đây và hiện nay đều là phải tập hợp được NLĐ. Ông cũng khẳng định, cán bộ CĐ cần phải biết tham gia xây dựng chính sách mang lại nhiều quyền lợi hơn cho NLĐ; đồng thời phải biết tham gia quản lý nhà nước; biết nói lên chính kiến của mình.
Còn bà Cù Thị Hậu - Anh hùng Lao động, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - nhấn mạnh: Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, cán bộ CĐ phải có trình độ đáp ứng được yêu cầu mới. Nếu không, tổ chức CĐ sẽ không bảo vệ, thu hút được NLĐ mà NLĐ sẽ tham gia tổ chức đại diện NLĐ khác, khiến CĐ Việt Nam mất đi vị thế.
Bà Cù Thị Hậu cho rằng, cán bộ CĐ cần yêu nghề, có bản lĩnh, có phương pháp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, NLĐ.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, làm cán bộ CĐ ngoài có bản lĩnh thì phải là chuyên gia về đối thoại, thương lượng, tư vấn, thuyết phục. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, người làm CĐ cũng phải nghĩ khác, có những cách làm sáng tạo để mang lại lợi ích cho đoàn viên, NLĐ…
Quế Chi (theo Báo Lao động)

Tin cùng chuyên mục