Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2025 | 22:56

Tin hoạt động ngân hàng

Một số thông tin về điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng Quý I năm 2019

02/04/2019

Sáng ngày 01/04/2019, NHNN đã tổ chức Họp báo để thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I năm 2019. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì họp báo.

Sáng ngày 01/04/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Họp báo để thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng quý I năm 2019. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì họp báo.
Tham dự có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh thành phố Hà Nội, Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2019 và Nghị quyết các phiên họp Chính phủ 2 tháng đầu năm, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Theo đó, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong 3 tháng đầu năm 2019, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Tại cuộc họp báo, đại diện Lãnh đạo NHNN và lãnh đạo một số các Vụ, Cục NHNN đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên, báo chí liên quan đến các vấn đề về điều hành tỷ giá, định hướng điều hành CSTT thời gian tới; về các giải pháp phát triển tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen; về tình hình phát triển phi tiền mặt qua Ví điện tử; về việc hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending); một số điểm mới tại Dự thảo Thông tư quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính...
Linh hoạt, đồng bộ trong điều hành
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: Ba tháng đầu năm 2019, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; linh hoạt điều hành các công cụ CSTT để điều hoà thanh khoản thị trường kịp thời với kỳ hạn hợp lý.
Theo ông Phạm Thanh Hà, NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo TCTD rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng đầu năm 2019, các NHTMNN đã chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với mức giảm phổ biến khoảng 0,5%/năm.
Về điều hành tín dụng, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chia sẻ: "Đến 25/3/2019 tín dụng tăng 2,28%, tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2018 (tăng 2,78%). Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá. Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%, chiếm tỷ trọng 3,14%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%, chiếm tỷ trọng 3,12%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng dư nợ đối với nền kinh tế".
Riêng đối với lĩnh vực lúa gạo, để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ lúa vụ Đông Xuân năm 2019, NHNN đã yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh vùng ĐBSCL, các NHTM tập trung nguồn vốn, giải ngân đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu vốn của doanh nghiệp, thương nhân để thu mua thóc, gạo cho người dân; riêng các NHTM Nhà nước tiên phong hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa gạo. Kết quả đến nay, các TCTD tại khu vực ĐBSCL đã thực hiện giải ngân khoảng 10.719 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua trên 1,7 triệu tấn lúa gạo vụ Đông Xuân 2019, góp phần hạn chế đà giảm giá lúa gạo cho bà con nông dân. 
Bên cạnh đó, NHNN cũng kịp thời có giải pháp tháo gỡ cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Ngoài ra, các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao... cũng được các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.
 Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, tính đến 31/01/2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (riêng năm 2018 xử lý được khoảng 113,4 nghìn tỷ đồng). Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì dưới 2%. Ông Nguyễn Trọng Du – Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng cho biết, mới đây, NHNN đã quy định rõ hơn về các điều kiện đối với tài sản đảm bảo cũng như quy định cụ thể hơn về các khoản nợ do Cơ quan Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) xử lý.
Trong hoạt động thanh toán, ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ (CMCN 4.0), qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; công tác đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán điện tử tiếp tục được coi trọng và tăng cường. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng và trong năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý 214 triệu giao dịch, đạt giá trị 91.000 tỉ đồng, giảm 4,5 % so với 2017.
Ngoài ra, về công tác truyền thông, bà Lê Thị Thúy Sen – Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Truyền thông cho biết, NHNN luôn chủ động cung cấp thông tin đến báo chí và thúc đẩy việc phối hợp sản xuất các chương trình truyền thông giáo dục tài chính như “Tiền khéo tiền khôn”, các chương trình dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên qua đó nâng cao kiến thức, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng khi tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM. Đặc biệt, trong thời gian tới, mục tiêu truyền thông của NHNN sẽ hướng tới những người dân tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng như tới giới trẻ… nhằm giới thiệu về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen.
Theo sát diễn biến để có giải pháp phù hợp
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến những điểm mới trong điều hành CSTT quý I/2019, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: "CSTT là chính sách mang tính ngắn hạn, phải phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có những điều chỉnh phù hợp. Điểm mới trong điều hành CSTT quý I/2019 và những tháng còn lại của năm 2019 sẽ có những điểm khác biệt về thời điểm, giải pháp phối hợp, liều lượng... Tuy nhiên, với mục tiêu và phương châm điều hành của NHNN vẫn xuyên suốt là kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát nên các giải pháp điều hành của NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. Điều hành tín dụng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng theo phương châm vẫn là mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả".
Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và triển vọng kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong những tháng tới đây, NHNN tiếp tục điều hành CSTT theo định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Trả lời câu hỏi về việc quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đang xây dựng phương án thí điểm loại hình này kinh doanh này và dự kiến đưa cho vay ngang hàng vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo Phó thống đốc, cho vay ngang hàng là hình thức giao dịch dân sự và pháp luật hiện hành, được điều hành theo quy định pháp luật và các văn pháp luật liên quan. Hình thức cho vay này có điểm thuận lợi là việc giải ngân nhanh, nhưng cũng có mặt không thuận lợi và tiêu cực, có thể gây ra nhiều hệ lụy với những người tham gia. 
"Về vấn đề này, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước là đầu mối nghiên cứu. Chúng tôi cũng giao các vụ, cục chức năng tham khảo cách thức quản lý của các nước và sẽ đề xuất thí điểm hoạt động này, coi đây là ngành kinh doanh có điều kiện" - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ - “cơ quan quản lý không cấm các sản phẩm của xu hướng kinh doanh mới nhưng phải đảm bảo việc quản lý chặt chẽ.”
Về những diễn biến mới trên thị trường quốc tế sẽ có những tác động gì tới định hướng điều hành của NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay: "Trước việc xu hướng của Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất năm 2019 với USD có vẻ không quá áp lực nhiều với điều hành CSTT. Nhưng ở chiều ngược lại, khi kinh tế thế giới giảm tốc, đặc biệt kinh tế các nền kinh tế lớn cũng sẽ có thể có những tác động tới xuất khẩu, đầu tư vào Việt Nam. Nên việc điều hành CSTT của NHNN phải theo sát những diễn biến này, những yếu tố tích cực cũng như bất lợi để có thể đánh giá thực trạng thị trường, đưa ra những giải pháp điều hành phù hợp, đạt được mục tiêu đặt ra".
Phó Thống đốc cho biết thêm, năm 2019 cũng là năm NHNN đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ. Nếu làm được điều này sẽ tạo lập cơ sở vững chắc cho thị trường ngoại tệ không bị ảnh hưởng bởi những hoạt động về cho vay ngoại tệ. Thời gian vừa qua, NHNN xuyên suốt trong các giải pháp điều hành luôn tạo sự khuyến khích lưu giữ VND, các giải pháp của NHNN đều hướng tới thu hẹp hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ theo đúng chủ trương của Chính phủ chuyển dần quan hệ tiền gửi cho vay sang quan hệ mua bán... Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2019, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống TCTD tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, nhờ đó NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Trong đó, điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các TCTD ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu CSTT. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu CSTT. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ.
Tín dụng được điều hành phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; Theo sát diễn biến tăng trưởng tín dụng tại từng TCTD để định hướng TCTD tăng trưởng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên và hạn chế phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN xác định mục tiêu: Tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phát huy vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững…
VA (theo SBV)

Tin cùng chuyên mục