Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 00:52

Tin hoạt động ngân hàng

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu

03/01/2019

Chính phủ xác định việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu thuộc những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019.

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ xác định việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu thuộc những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019.

Mục tiêu tổng quát kế hoạch năm 2019

Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát kế hoạch năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2019

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" với 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành là:

(i) nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát huy có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(ii) xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.

(iii) phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

(iv), chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới  Đại hội XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu là những nhiệm vụ trọng tâm

Nghị quyết nêu rõ, cùng với các nhiệm vụ và giải pháp khác, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý. Giữ ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và việc huy động, cho vay bằng ngoại tệ; củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước.

Quyết liệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; có giải pháp để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%. Tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động. Tập trung xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ. Thúc đẩy áp dụng Chuẩn mực an toàn Basel II. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), nghiên cứu việc nạp tiền vào ví điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng và áp dụng công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng.

Cũng tại Nghị định này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì triển khai một số nhiệm vụ, đề án trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2019, cụ thể: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 Của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 80/2016/NĐ-CP); Nghị định thay thế Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ về ban hành danh mục vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo sbv.gov.vn

Tin cùng chuyên mục