Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 01:21

Tin hoạt động ngân hàng

Hội thảo “Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hoá nông nghiệp, nông thôn VN trong bối cảnh hội nhập quốc tế”

27/11/2018

Ngày 26/11/2018, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình đã diễn ra Hội thảo “Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hoá nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Trong khuôn khổ Chương trình Hội nghị và triển lãm quốc gia về thành tựu 10 năm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chiều ngày 26/11/2018, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hoá nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Hội thảo do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng đồng chủ trì.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đồng chủ trì Hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành đã cùng nhau trao đổi về các nội dung như: Cơ hội cho hàng hoá nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thực hiện các hiệp định thương mại tự do- FTA thế hệ mới; Đổi mới cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư- nền tảng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn thịnh vượng; Giải pháp phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế...
Tại Hội thảo,  ông Trần Văn Tần- Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã trình bày tham luận về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo đó, triển khai các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, 10 năm qua, ngành Ngân hàng đã quyết tâm, nỗ lực triển khai nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 26 của BCH TW, NHNN đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực này, khởi đầu là Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Sau 4 năm triển khai, Nghị định 41 đã góp phần đẩy mạnh tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Trên cơ sở nhu cầu vốn thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP, với nhiều ưu đãi về các mức cho vay không có tài sản bảo đảm, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, chính sách xử lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. NHNN cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP và Nghị định 55/2015/NĐ-CP, đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 
Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 55, trước yêu cầu về đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cho phù hợp hơn với thực tế triển khai nông nghiệp trong tình hình mới, trong đó nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình...; 
Ngoài ra, NHNN đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, nhằm phát huy tốt vai trò của tài chính quy mô nhỏ trong công cuộc hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. 
NHNN cũng đã tích cực trong việc chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững,Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như TW Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và một số tổ chức chính trị-xã hội khác để đưa vốn đến tận người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng.
Một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nêu trên, trong 10 năm qua, ngoài Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có tỷ trọng dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn cao nhất (gần 50% dư nợ cho vay toàn hệ thống), nay đã có 66 TCTD và hơn 1.000 Quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn. Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2008-2017, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 19,5% và luôn cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Đến cuối tháng 9/2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1.665.836 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 23,9% dư nợ tín dụng nền kinh tế. 
Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng gấp hơn 5 lần, góp phần tích cực trong phát triển xuất nông nghiệp, nông thôn và cải thiện, nâng cao đời sống nông dân. Doanh số cho vay xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay đạt khoảng 4,6 triệu tỷ đồng; dư nợ đạt khoảng 900 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 4 lần dư nợ cuối năm 2010. Dư nợ tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại NHCSXH đạt 184.727 tỷ đồng, gấp 5 lần dư nợ đầu năm 2008, tốc độ tăng trưởng dư nợ trung bình giai đoạn 2008-2017 đạt 18% với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Bên cạnh đẩy mạnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41, Nghị định 55 của Chính phủ, NHNN đã tham mưu cho Chính phủ , Thủ tướng Chính phủ từng bước xây dựng cơ chế tín dụng đặc thù đối với các sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp như: lúa gạo, thủy sản, cà phê,...chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, thúc đẩy đầu tư máy móc thiết bị hiện đại giảm tổn thất sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Các chính sách này đã được người dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đón nhận và đánh giá cao, từ đó góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ngành Ngân hàng cam kết tiếp tục đồng hành cùng với nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Với tinh thần đồng hành phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp cụ thể như: (i) Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên trong đơn vị hiểu rõ thêm nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết 26-NQ/TW; (ii) Tiếp tục chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; kịp thời có văn bản hướng dẫn các TCTD triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định số 116/2018/NĐ-CP; (iii) Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; (iv) Tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho người dân cũng như doanh nghiệp nông nghiệp; (v) Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, cung ứng các sản phẩm tiện tích ứng dụng công nghệ mới phù hợp với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp tại khu vực nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn hiểu và sử dụng các sản phẩm có ứng dụng công nghệ 4.0.
Đại diện các Bộ, ngành tham gia phiên thảo luận tại Hội thảo
Để tiếp tục triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW một cách đồng bộ và hiệu quả, NHNN cũng đề xuất một số kiến nghị về hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, về triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp...
Cũng tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu tham dự nhằm tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hoá nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 
Theo sbv.gov.vn

Tin cùng chuyên mục