Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 01:18

Tin hoạt động ngân hàng

Những nội dung Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

05/11/2018

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã trả lời chất vấn trực tiếp các đại biểu. BBT dẫn lại thông tin của Cổng Thông tin điện tử NHNN về những nội dung Thống đốc đã trả lời.

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã trả lời chất vấn trực tiếp các đại biểu. BBT dẫn lại thông tin của Cổng Thông tin điện tử NHNN về những nội dung Thống đốc đã trả lời.
Thống đốc NHNN Lê Miinh Hưng
Vê tình hình triển khai đề án không dùng tiền mặt
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Cúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, liên quan đến tình hình triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết:
Thứ nhất, để khuyến khích TTKDTM vừa qua theo đề án của Chính phủ, NHNN đã tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong đó, NHNN đã ban hành 10 thông tư quy định về TTKDTM và đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán. Đặc biệt, gần đây NHNN đã ban hành bộ tiêu chuẩn về thẻ chip nội địa cho thẻ ATM và tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật của QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại VN nhằm đáp ứng yêu cầu về đẩy mạnh thanh toán KDTM cũng như tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được chú trọng đầu tư và nâng cao. Đến cuối tháng 8/2018, số lượng máy POS đã tăng 23,6% so với cuối năm 2016.
Thứ ba, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được quản lý và vận hành thông suốt, ổn định và an toàn; số lượng và giá trị giao dịch trong 8 tháng đầu năm 2018 tăng tương ứng là 28,3% và 30,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Thứ tư, các giao dịch thực hiện qua các phương thức thanh toán mới tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể trong 8 tháng đầu năm 2018 thanh toán qua Internet tăng khoảng 48% về số lượng và 27,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017; Thanh toán qua điện thoại di động tăng khoảng gần 40% về số lượng và 147% về giá trị; giao dịch trên POS cũng tăng rất mạnh.
Thứ năm, TTKDTM trong khu vực công không ngừng được mở rộng. Vừa qua NHNN đã trình và TTCP phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công. Tính đến cuối tháng 8/2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã kết nối với hệ thống kho bạc và hệ thống nộp thuế tại 63 tỉnh thành phố.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác truyền thông. Vừa qua NHNN đã phối hợp với VTV xây dựng chương trình ‘’Tiền khéo tiền khôn” và “Những đứa trẻ thông thái” để nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng dịch vụ ngân hàng và thúc đẩy TTKDTM.
Trong thời gian, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung trên.
Về câu hỏi áp dụng trần lãi suất huy động
Đồng thuận với quan điểm của đại biểu Phạm Đình Cúc về việc hướng tới nền kinh tế thị trường, giảm dần các biện pháp hành chính, đặc biệt là xác lập các lãi suất thị trường. Tuy nhiên, Thống đốc làm rõ thêm:
Từ năm 2011 khi thị trường có những diễn biến không thuận lợi ảnh hưởng khá mạnh đến ổn định an toàn kinh tế vĩ mô và hoạt động của hệ thống ngân hàng nên NHNN đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi đối với đồng VN cho các kỳ hạn. Trên cơ sở tình hình phục hồi từng bước các TCTD, hoạt động thị trường tiền tệ, tín dụng đã thông suốt hơn, NHNN đã từng bước dỡ bỏ quy định trần lãi suất tiền gửi VND. Đến nay, chỉ áp dụng trần lãi suất đối với tiền gửi VND kỳ hạn dưới 6 tháng. Nguyên nhân là do:
Thứ nhất, thị trường tài chính và cơ chế thị trường của chúng ta chưa được hoàn hảo, thị trường vốn phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế và hệ thống NH vẫn là kênh chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế nên việc sử dụng một cách có chọn lọc với liều lượng và thời điểm phù hợp những biện pháp hành chính vẫn còn cần thiết để đảm bảo an toàn thị trường tiền tệ.
Thứ hai, hiện nay số lượng TCTD tương đối nhiều, chất lượng TCTD chưa phải đồng đều, vì vậy trần lãi suất huy động VND dưới 6 tháng được duy trì ở mức hợp lý, bám sát cung cầu thị trường cũng có tác dụng giữ ổn định thị trường tiền tệ và neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của thị trường.
Thứ ba, chúng ta vẫn đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD nên việc giữ trần lãi suất cũng là để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ.
Chúng tôi cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Khi hệ thống TCTD hoạt động tốt hơn, an toàn lành mạnh hơn, NHNN sẽ xem xét dỡ bỏ biện pháp hành chính không cần thiết.
Về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng
“Nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng rất mạnh trong thời gian qua có một phần quan trọng được chuyển hóa từ ngoại tệ của người dân”, Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời đại biểu Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) về việc thực hiện những giải pháp quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại tệ phù hợp nhằm chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, quan điểm nhất quán trong chỉ đạo của Chính phủ và NHNN trước hết là phải tạo lập được môi trường vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và duy trì những chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh để người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào sản xuất kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam thay vì nắm giữ các tài sản như vàng hay ngoại tệ.
Thống đốc cho biết, trong 3 năm qua, kể từ đầu nhiệm kỳ, NHNN đã báo cáo và Chính phủ luôn kiên định theo định hướng này, đồng thời nhấn mạnh đến giải pháp tập trung cho nền tảng vĩ mô, giữ lạm phát 3 năm ở mức thấp và cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Báo cáo kết quả thực hiện các giải pháp thời gian qua của Chính phủ thấy rõ hơn khi số lượng doanh nghiệp tăng, lượng vốn đưa vào sản xuất kinh doanh, lượng tiền gửi bằng đồng Việt Nam tăng…
Thống đốc dẫn chứng: “Chúng ta đã thấy lượng tiền gửi bằng đồng Việt Nam của dân cư tăng rất mạnh trong 3 năm, trong khi tiền gửi ngoại tệ thì giảm. Thứ nữa là một nguồn lực ngoại tệ rất quan trọng mà người dân nắm giữ đã được chuyển hóa sang thành đồng Việt Nam. Minh chứng là nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng rất mạnh trong thời gian qua có một phần quan trọng được chuyển hóa từ ngoại tệ của người dân”.
Đối với thị trường vàng, Thống đốc cho rằng, nhiều năm trở lại đây chúng ta không phải tốn kém ngoại tệ để nhập khẩu vàng nhưng thị trường vàng hoạt động rất ổn định. Chúng ta vẫn đáp ứng nhu cầu nắm giữ của người dân nhưng không gây bất ổn vĩ mô, không tốn kém nguồn lực.
Từ những phân tích trên, Thống đốc khẳng định: Những kết quả trên cho thấy, những bước đi của NHNN theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như theo Nghị quyết của Quốc hội là rất đúng hướng. Thời gian tới chúng tôi sẽ kiên định thực hiện các biện pháp như vậy để củng cố lòng tin vào chính sách vĩ mô của Chính phủ và NHNN.
Về tái cơ cấu và kết quả xử lý nợ xấu của TCTD
Trả lời chất vấn của đại biểu về việc xử lý ngân hàng yếu kém chưa đạt yêu cầu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/01/2018. Trên cơ sở quy định của pháp luật, NHNN đã báo cáo và Chính phủ phê duyệt chủ trương và phương án định hướng để xử lý các ngân hàng yếu kém.
“Đúng là tiến trình chậm, vì trên cơ sở chủ trương của Chính phủ, NHNN đang tiến hành định giá các ngân hàng này và đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư. Quá trình đàm phán với các nhà đầu tư, đặc biệt là các phương án cụ thể để tham gia của các nhà đầu tư vào xử lý các ngân hàng này mất nhiều thời gian và phải trên cơ sở cam kết của các nhà đầu tư và định hướng của Chính phủ. Thời gian tới, NHNN sẽ hoàn thiện phương án chi tiết để báo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém này”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Đề cập đến tình hình triển khai Nghị quyết 42, về xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc triển khai trong thời gian vừa qua là rất quyết liệt và đã đạt được những kết quả khá tích cực.
Theo Thống đốc, Nghị quyết 42 mới có hiệu lực từ 15/8/2017 và thời gian tổ chức thực hiện mới hơn một năm. “Vào cuối tháng 9/2018, chúng tôi đã tổ chức sơ kết một năm việc triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng như triển khai Đề án 1058, về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Chúng tôi cho rằng kết quả đạt được về xử lý nợ xấu là rất tốt”, Thống đốc nói.
Về kết quả xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết, trong vòng hơn một năm các tổ chức tín dụng đã xử lý số nợ xấu, theo báo cáo Quốc hội là khoảng 140.000 tỷ. Riêng công ty VAMC đã xử lý được khoảng 95.000 tỷ số đã mua. Đến tháng 6/2018 nợ xấu nội bảng là 2,09%.
“Chúng tôi cho rằng kết quả là rất tích cực. Nhưng quá trình vừa rồi sơ kết việc triển khai Nghị quyết 42 cũng cho thấy một số tồn tại khó khăn, hạn chế liên quan đến các bộ, ngành và một số địa phương. Chúng tôi đã có báo cáo chi tiết để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tới đây sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các địa phương và đặc biệt là Tòa án Nhân dân các cấp để triển khai quyết liệt hơn nữa và xử lý những vấn đề tồn tại trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan”, Thống đốc cho biết.
Về kiểm soát tín dụng cho vay các lĩnh vực rủi ro như: chứng khoán, bất động sản, cho vay các dự án BT, BOT
Về kiểm soát tín dụng cho vay các lĩnh vực rủi ro
Đại biểu tỉnh Bình Dương đặt vấn đề về kiểm soát tín dụng cho vay các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, trong đó cho vay các dự án BT, BOT. "Tỷ lệ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro hiện nay ra sao?
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện nay các tỷ lệ này được kiểm soát chặt chẽ. Đến hết tháng 8/2018, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 7,4%.
Dư nợ tín dụng vào các dự án BT, BOT chiếm tỷ trọng 1,6% tổng dư nợ tín dụng; trong khi cùng kỳ năm 2017 các tỷ lệ này lần lượt là 9% và 1,57%.
Tiền rót vào thị trường chứng khoán chiếm tỷ trọng 0,36% tổng dư nợ.
Thống đốc khẳng định, NHNN đã "nhất quán kiểm soát chặt tín dụng tiềm ẩn rủi ro” bằng việc ban hành văn bản pháp luật, tăng hệ số tỷ lệ an toàn vốn trong cho vay bất động sản. Cùng đó, tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro. "Tỷ trọng, tốc độ tăng tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro này được kiểm soát chặt chẽ", Thống đốc nhấn mạnh.
Về xử lý vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng
“Thống đốc có giải pháp gì xử lý sở hữu chéo tại các ngân hàng", đại biểu Dành chất vấn.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, đã giảm đáng kể dù chưa dứt điểm. Sau 6 năm, hiện nay số cặp sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 cặp xuống còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm, từ 56 cặp cách đây 6 năm xuống còn 2. Và tỷ lệ cổ đông sở hữu vượt 15% vốn điều lệ cũng giảm còn 1 ngân hàng, so với con số 19 nhà băng cách đây 6 năm.
"Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt xử lý sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau, nhưng do việc thoái vốn phụ thuộc vào tìm đối tác và thời điểm thoái vốn cũng cần tính toán thận trọng để bảo toàn vốn Nhà nước", Thống đốc nói.
Theo đề án cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2020, trong đó từng ngân hàng sẽ xây dựng lộ trình, phương án cơ cấu lại, Thống đốc Lê Minh Hưng hứa, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng sẽ được xử lý dứt điểm.
Theo Cổng thông tin điện tử NHNN

Tin cùng chuyên mục