Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 01:24

Tin hoạt động ngân hàng

Hội nghị CCHC 9 tháng đầu năm 2018 và thực hiện Chương trình hành động 1355 góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN

19/10/2018

Ngày 18/10/2018, tại Hà Nội, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến cải cách hành chính (CCHC) và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ

Ngày 18/10/2018, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến cải cách hành chính (CCHC) và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của ngành Ngân hàng. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú - Thủ trưởng hành chính Cơ quan Ngân hàng Trung ương (NHTƯ), thành viên Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Ông Đỗ Quý Tiến - Phó Vụ Trưởng, Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội Vụ; Ông Nguyễn Đắc Hoàn - Phó Trưởng Phòng, Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ. Về phía ngành Ngân hàng, có Thủ trưởng các đơn vị Vụ, Cục thuộc NHNN; 63 điểm cầu tại NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; và các đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các tổ chức tín dụng (TCTD);
Thực hiện mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, Thống đốc và Ban lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ cải cách hành chính, trọng tâm là triển khai kế hoạch CCHC nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Mục tiêu quan trọng nhất đối với CCHC của NHNN đó là phải góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng.”
Theo Kế hoạch hành động 1355 của ngành Ngân hàng về việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, các nhiệm vụ đảm bảo tính đồng bộ, biện chứng giữa các nhiệm vụ, giải pháp của NHNN và TCTD, cụ thể là: NHNN đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh để hỗ trợ các TCTD, còn hệ thống TCTD đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cắt giảm lãi suất, phí dịch vụ đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Nhờ những nỗ lực của ngành Ngân hàng, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam trong những năm qua được đánh giá cao, hiện xếp hạng 29/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Kết quả xếp hạng chỉ số CCHC (Par Index) trong 3 năm liên tiếp (2015, 2016, 2017), NHNN tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong số 19 Bộ, ngành.
“Tuy nhiên, NHNN cũng xác định, những kết quả của Ngành mới chỉ là những kết quả bước đầu” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định – “Dù cắt giảm đăng ký kinh doanh đạt kết quả nhưng chúng ta còn rất nhiều công việc phải triển khai để xóa bỏ các cản trở về thủ tục về thông tin trong quan hệ giữa hệ thống ngân hàng và hệ thống doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn để sản xuất kinh doanh.”
Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu, thời gian tới, các ngân hàng thương mại (NHTM) lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, tập trung vào tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có. Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản.
NHTM cần chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh theo mô hình đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng. Nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử. Ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.
“Các NHTM cần hoàn thiện, áp dụng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực và lộ trình áp dụng Basel II tại Việt Nam. Hoàn thiện, áp dụng các chuẩn mực quản trị phù hợp với thông lệ quốc tế; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, ý thức tuân thủ pháp luật, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp tốt”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
VA. Ảnh: DK (theo sbv.gov.vn)

Tin cùng chuyên mục