Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 03:19

Tin TLĐ

Nhiều mô hình đưa hàng hóa chất lượng đến tay CNLĐ

15/10/2018

Đa phần công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong tình trạng phải chi tiêu tiết kiệm để dành tiền trang trải các chi phí sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu...

Đa phần công nhân lao động (CNLĐ) ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong tình trạng phải chi tiêu tiết kiệm để dành tiền trang trải các chi phí sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu. Nắm bắt được tâm tư đó, tổ chức Công đoàn trên cả nước đã phối hợp triển khai nhiều cách làm hữu hiệu để đưa hàng hóa đảm bảo chất lượng với giá thành phù hợp đến tay CNLĐ.
 Đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: B.T
Nhu cầu của CNLĐ còn rất lớn
Tại Hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại khu chế xuất, khu công nghiệp và các giải pháp tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước” do Bộ Công Thương phối hợp với Tổng LĐLĐVN tổ chức tại TP.Cần Thơ hôm 12.10, đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết: Đến nay các cấp Công đoàn đã đàm phán, ký kết 337 thỏa thuận mới với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp với hơn 70.000 CĐCS đã triển khai đến đoàn viên và NLĐ. Đáng chú ý, đã có hơn 1.260.000 đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) đã sử dụng được sản phẩm, dịch vụ của các đối tác tham gia tài trợ Chương trình “Phúc lợi đoàn viên”.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - tại hội nghị trên cũng thông tin: Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp ngành công thương đã tham gia ký kết với Tổng LĐLĐVN bản cam kết cung ứng hàng hóa thiết yếu sản xuất ở Việt Nam với chiết khấu ưu đãi cho CNLĐ trên toàn quốc. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo các hình thức tiếp cận gần hơn với CNLĐ như đón công nhân đi đến siêu thị hay trực tiếp thành lập mô hình siêu thị mini trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai nhằm đáp ứng nhu cầu cho CNLĐ.
Ông Hồ Xuân Long - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - bày tỏ, thực trạng CNLĐ muốn mua các mặt hàng thiết yếu với giá cả phải chăng là có thật. Trong thời gian qua, các cấp Công đoàn TPHCM đã liên tục tổ chức “Ngày hội CNVC-LĐ”, “Phiên chợ công nhân” để vận động các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ 250 gian hàng Việt Nam chất lượng cao, bán giá ưu đãi thấp hơn thị trường từ 10% đến 20%. Nhưng nhu cầu mua hàng giá rẻ, chất lượng của CNLĐ vẫn còn rất lớn”.
Đảm bảo chất lượng hàng hóa cho CNLĐ
Đại diện Siêu thị Big C thông tin, hiện nay siêu thị đã lập nên một mô hình cung ứng hàng hóa phục vụ riêng cho CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh giá cả phải chăng, chất lượng hàng hóa luôn được đảm bảo trong tình trạng tốt nhất khi đến tay CNLĐ. Các mặt hàng thực phẩm phải luôn đạt được chất lượng VSATTP theo quy định. Thông tin các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu luôn rõ ràng, công khai và minh bạch để người mua hàng yên tâm và tin dùng những sản phẩm của siêu thị.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) -  nhấn mạnh, các nhóm mô hình cung ứng hàng hóa cho CNLĐ như “Siêu thị công đoàn” hay phát phiếu giảm giá, đưa đón CNLĐ đến mua hàng tại các cơ sở cung ứng hàng hóa… Tuy vậy, chủ doanh nghiệp khi bán hàng hóa ở các nhóm mô hình cung ứng này cần phải xác minh rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra kỹ chất lượng của các loại hàng hóa. Ưu tiên bán các mặt hàng sản xuất ở Việt Nam. Ngoài việc giá thành luôn được giữ ở mức hợp lý phải tạo được niềm tin cho CNLĐ, không để họ phải ra ngoài mua phải những loại hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Để các mô hình cung ứng hàng hóa giá rẻ cho CNLĐ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đạt được hiệu quả và nhận được sự chào đón của CNLĐ, các cấp Công đoàn cần kết hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, không để tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có điều kiện thâm nhập cuộc sống, gây ảnh hưởng cho đoàn viên, NLĐ, đồng chí Trần Văn Thuật thông tin thêm.
Theo congdoan.vn

Tin cùng chuyên mục