Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 05:38

Tin TLĐ

Sau năm 2020, tiền lương tại DN do các bên thỏa thuận: Công đoàn phải khẳng định vai trò của mình

24/09/2018

Ngày 18 - 19.9, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra hội thảo mạng lưới các giảng viên, chuyên gia về thỏa ước lao động tập thể, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thương lượng để giúp NLĐ được hưởng các chính sách, điều kiện tốt hơn ở nơi làm việc.

Trong hai ngày 18 - 19.9, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Tổng LĐLĐVN phối hợp với Viện Friedrich Ebert (Đức) tổ chức gặp mặt, hội thảo mạng lưới các giảng viên, chuyên gia về thỏa ước lao động tập thể, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thương lượng để giúp người lao động (NLĐ) được hưởng các chính sách, điều kiện tốt hơn ở nơi làm việc.
Đây là những giảng viên, chuyên gia đã được Tổng LĐLĐVN và Viện Friedrich Ebert phối hợp đào tạo trong hơn 10 năm qua.
Phát biểu khai mạc, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn (CĐ) trong bối cảnh hiện nay ngày càng quan trọng và nặng nề. Đặc biệt, sau năm 2020, Nhà nước sẽ không can thiệp hành chính nhiều vào việc xây dựng hệ thống thang bảng lương tại các doanh nghiệp (DN). “Hệ thống thang, bảng lương như thế nào sẽ do DN tự xây dựng, trên cơ sở đàm phán, thương lượng với NLĐ và tổ chức CĐ đại diện cho NLĐ. Vì thế, CĐ có nhiệm vụ hết sức nặng nề trong việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ” - ông Chính nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Chia sẻ tại hội thảo, các giảng viên, chuyên gia cho biết, nhờ tham gia các lớp đào tạo do Tổng LĐLĐVN và Viện Friedrich Ebert, đã tư vấn và cùng các cấp CĐ giúp NLĐ thương lượng với các chủ DN để ký các thỏa ước lao động tập thể theo hướng có lợi hơn cho NLĐ.
Tại Quảng Ninh, rất nhiều thỏa ước lao động tập thể được ký kết, trong đó lần đầu tiên, một thỏa ước lao động tập thể giữa hơn 20 DN làm du lịch, dịch vụ với 3.500 NLĐ đã được ký kết, với những điều khoản hết sức có lợi cho NLĐ. Hiện, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh giao cho mỗi cấp CĐ từng giai đoạn phải ký được các bản thỏa ước lao động tập thể có lợi cho NLĐ và sẽ có chế tài giám sát thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Trần Danh Chức - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh, các thỏa ước lao động tập thể về vấn đề lương hiện vẫn còn rất ít, vì vậy rất mong Tổng LĐLĐVN tiếp tục hỗ trợ đào tạo các chuyên gia về lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, giảng viên, hiện mới chỉ thương lượng tăng vài nghìn đồng/mỗi bữa ăn công nghiệp mà còn khó khăn, nói gì tới thương lượng để xây dựng thang bảng lương.
Ông Erwin Schweisshelm - Đại diện thường trú của Viện Friedrich Ebert tại Việt Nam - cho biết, Viện Friedrich Ebert sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tổ chức CĐ Việt Nam về lĩnh vực này; sẽ tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ của các giảng viên, chuyên gia đã được đào tạo qua 4 khóa, thành những cán bộ chuyên trách về thương lượng thỏa ước, nhất là trong thương lượng tiền lương, điều kiện lao động. “Công việc này sẽ tiếp tục được thực hiện trong khuôn khổ dự án mới. Sắp tới, các bên sẽ ngồi lại với nhau để bàn các biện pháp cụ thể thực hiện dự án này” - ông Erwin Schweisshelm chia sẻ.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết, sẽ kiến nghị với Tổng LĐLĐVN tổ chức cuộc gặp mặt thường niên của các chuyên gia, giảng viên về thương lượng thỏa ước lao động, để bổ sung kiến thức, chính sách, chế độ, chủ trương mới của Đảng Nhà nước và Tổng LĐLĐVN liên quan đến NLĐ; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hoạt động ở từng khu vực, từng ngành.
Theo congdoan.vn

Tin cùng chuyên mục