Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 09/01/2025 | 23:08

Gương tiêu biểu

Ngân hàng CSXH - 15 năm hành trình reo vang bài ca no ấm

05/10/2017

15 năm chưa phải là một hành trình dài đối với một ngân hàng, càng không phải là một hành trình dài trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước trong hơn 60 năm độc lập, xây dựng và kiến tạo. Song, sự ra đời của NHCSXH với mô hình hoạt động và các chương trình tín dụng đặc thù là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc, một trong những “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo như Quốc hội đã đánh giá.

15 năm chưa phải là một hành trình dài đối với một ngân hàng, càng không phải là một hành trình dài trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước trong hơn 60 năm độc lập, xây dựng và kiến tạo. Song, sự ra đời của NHCSXH với mô hình hoạt động và các chương trình tín dụng đặc thù là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc, một trong những “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo như Quốc hội đã đánh giá.


 Nguồn vốn tín dụng chính sách 15 năm qua đã giúp trên 31,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển SXKD

Gieo vốn, gặt ấm no

Trải rộng đến từng bản, làng mây phủ nơi biên giới, hải đảo, các chương trình tín dụng chính sách ngày một nhiều, thấm đẫm nhu cầu cuộc sống đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vốn yếu thế dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống. “Để rồi trong mỗi chính sách tín dụng ấy, người dân có thể thấy có Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong đó”, đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tâm huyết.

“Lúa ở đây chưa phải có năng suất cao nhưng giúp bà con trang trải cuộc sống hàng ngày. Lúa ở đây như lương cơ bản của công chức. Lúa ở đồng bằng thì không đặt vấn đề lớn nhưng ở đây, hẻo lánh thế này thì bữa cơm hàng ngày rất quan trọng”. Lời nói mộc mạc của Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị - Thủ tướng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong buổi đến thăm đồng bào huyện biên giới Bảo Lâm (Cao Bằng) và kiểm tra hoạt động của NHCSXH trên địa bàn hồi đầu năm 2017 khiến những người chứng kiến càng thêm thấm ý nghĩa của chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia và lại càng thêm thấm ý nghĩa của đồng vốn tín dụng chính sách tuy nhỏ nhưng là duy nhất có thể trải đến địa bàn này.

99% dân số là đồng bào DTTS với 9 dân tộc (Mông, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Lô Lô…) được chia trên địa bàn 14 đơn vị hành chính (xã, thị trấn) với 196 thôn, xóm, trong đó có 146 thôn, xóm thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đến cuối năm 2016 theo chuẩn nghèo đa chiều là 8.181 hộ, chiếm tỷ lệ 76,6%.

Thế nhưng, nhìn lại những nỗ lực của NHCSXH huyện Bảo Lâm trong 15 năm qua, còn thấy một bức tranh Bảo Lâm khó khăn hơn nữa nếu như không có các chính sách tín dụng ưu đãi. 27.691 lượt hộ vay vốn trên tổng dân số huyện 58.787 người dân, với doanh số cho vay là 456.631 triệu đồng, cho thấy, dòng vốn tín dụng chính sách đã đến với các hộ dân không chỉ một nguồn và một lần. Nguồn vốn ấy đã góp phần tạo việc làm cho 1.274 lao động nông thôn, hỗ trợ chi phí cho 211 lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; giúp 1.588 HSSV có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí, xây dựng được 1.688 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, 1.436 ngôi nhà cho hộ nghèo; đặc biệt đã góp phần vào giảm 2.361 hộ nghèo, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại huyện nhà.

Từ những đồng vốn tín dụng chính sách đó, những hình mẫu vươn lên thoát nghèo từ đồng vốn ưu đãi không chỉ xóa bỏ tâm lý mặc cảm về định mệnh không thay đổi của người dân nơi địa đầu Tổ quốc mà còn ươm mầm nuôi dưỡng khát vọng làm giàu từ những mô hình nuôi trồng lớn. Ví như tại xã Lý Bôn, sau 5 năm sang Trung Quốc mua giống cây hồi về trồng, anh Tẩn Dấu Quẩy, người dân tộc Dao ở xóm Phiêng Pẻn đã thu hoạch những giọt dầu đầu tiên từ nguồn vốn vay NHCSXH mua máy ép dầu. Và nay, cây hồi, cây sa mộc không chỉ trở thành xu hướng trồng tự phát của anh và một số người dân Phiêng Pẻn và các xóm xung quanh, mà trở thành cây trồng chính mà huyện, xã đang khuyến khích, hỗ trợ người dân gây trồng, nâng cao thu nhập,… “Muốn chính sách đi vào cuộc sống thì phải đưa cuộc sống vào chính sách và biến nó thành chính sách”.

Lời trao gửi của Đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong buổi đầu xuân Đinh Dậu ấy cũng chính là tâm tư của Lãnh đạo NHCSXH trong hành trình tín dụng chính sách 15 năm qua.

Đồng điệu cùng với những bước phát triển kinh tế, cũng như thấu hiểu những khó khăn của người nghèo, những đối tượng yếu thế do những điều kiện địa khí hậu kinh tế, NHCSXH đã kiến nghị cùng Chính phủ tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc cũng như ban hành nhiều chính sách mới thiết thân để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ những chương trình tín dụng có tính chất hỗ trợ người dân không chỉ thoát nghèo mà là thoát nghèo bền vững như cho vay hộ cận nghèo (năm 2013), cho vay hộ mới thoát nghèo (năm 2015), đến các chính sách mang tính thời cuộc cấp thiết như các chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt ở miền Trung, làm nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL,…

Cũng bởi vậy, nhìn lại hành trình hoạt động 15 năm qua, từ bước khởi điểm ban đầu có 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao (cho vay hộ nghèo từ NHNo&PTNT, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Công thương Việt Nam và cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước), đến nay NHCSXH đã và đang cho vay 20 chương trình tín dụng chính sách cùng nhiều chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 166 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 23,7 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18,8%, với trên 6,7 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là 13.636 tỷ đồng, với hơn 455 nghìn hộ còn dư nợ. Dư nợ của NHCSXH tập trung chủ yếu vào 08 chương trình tín dụng lớn, chiếm trên 97% tổng dư nợ.

Cuộc sống thẩm thấu vào trong chính sách còn nhìn thấy từ những bước chuyển trong việc tăng định mức cho vay của từng chương trình. Dòng vốn chính sách không chỉ có mà còn đủ về quy mô để làm đòn bẩy cho người dân bước những bước đi đầu tiên phát triển kinh tế đến tăng quy mô sản xuất hàng hóa. Đây cũng là lực hấp dẫn để các hộ dân vay vốn vươn lên, góp phần đẩy dòng vốn nhanh và mạnh hơn vào cuộc sống. Ví như chương trình tín dụng hộ nghèo, từ mức dư nợ bình quân một hộ đã được nâng lên từ 2,5 triệu đồng/hộ (năm 2002) lên 25,8 triệu đồng/hộ (năm 2017). Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân 15 năm qua là 18,8%/năm. Hay chương trình tín dụng hộ cận nghèo, chỉ sau bốn năm cho vay tổng doanh số đạt 47.911 tỷ đồng, chiếm 11,29% doanh số cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH quản lý. Mức dư nợ bình quân một hộ đã được nâng lên từ 18 triệu đồng/hộ (năm 2013) lên 27,4 triệu đồng/hộ (năm 2017).

Điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội

“Tín dụng chính sách đã trở thành điểm sáng của các chính sách an sinh xã hội, Đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam đánh giá - đi xuống dưới cơ sở tôi vẫn nói, chính sách này dành riêng cho giai cấp nông dân. Và nếu không có chính sách này thì không biết bây giờ các đối tượng này đi về đâu, như thế nào”, đồng chí cho biết và lý giải thêm. Bởi trình độ, kiến thức kỹ năng, tay nghề hiểu biết của nông dân thấp lại dễ bị tổn thương khi hội nhập, biến đổi, khí hậu, môi trường, hàng kém chất lượng… Những cái đó lấy đi của người nông dân rất nhiều, thậm chí có những đối tượng bị lấy hết không còn gì để lấy như việc giá lợn giảm hồi đầu năm 2017. Nhưng những hộ nông dân vẫn cam chịu, tìm đủ mọi cách “thua keo này bày keo khác”.

Dòng vốn chính sách vì thế không chỉ giúp người dân tạo lập sinh kế, mà kể cả những khi gặp rủi ro ấy vẫn vì thế mà ngưng lại, đã hỗ trợ họ tái sản xuất vươn lên trong cuộc sống. Nhìn lại 15 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, giúp trên 31,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt hơn 424,1 nghìn tỷ đồng; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên 104 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 525 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; trên 111 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài,…

Những thành quả đó góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%, giai đoạn 2011 - 2015 là 14,2%, giai đoạn 2016 - 2020 theo tiêu chí nghèo đa chiều là 9,88%; đồng thời giảm số lượng xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn từ 4.188 xã, 428 huyện, 57 tỉnh (năm 2007) xuống còn 3.815 xã, 420 huyện, 53 tỉnh (năm 2017).

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống; góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn. Hơn thế là một hệ ý thức mới được hình thành với việc tiết kiệm, dành dụm để tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai, hướng tới sản xuất kinh tế hàng hóa. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu; ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; tác động quan trọng đối với việc giữ đất, giữ biên cương, đặc biệt ở các vùng đồng bào DTTD, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Không chỉ là những chương trình tín dụng đáp lại tiếng lòng của những người dân, mỗi chính sách thực hiện có thể thấy tâm huyết Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong chính sách ấy. Thực chứng này có thể nhìn thấy rõ trong huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách. Những năm qua, mặc dù ngân sách Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng NHCSXH đã được Chính phủ quan tâm, bố trí cấp vốn Điều lệ, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. NHNN Việt Nam cũng ban hành các Thông tư hướng dẫn yêu cầu các TCTD Nhà nước thực hiện gửi tiền 2% tại NHCSXH tạo nguồn vốn dài hạn, ổn định cho NHCSXH. Hàng năm, NHCSXH cũng được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành phê duyệt hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để bổ sung nguồn vốn hoạt động cho NHCSXH.

NHCSXH cũng đã tập trung, đẩy mạnh khai thác các nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường, trong đó thực hiện tốt việc huy động tiết kiệm từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Cùng với đó là các nguồn ủy thác từ ngân sách các địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước để cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Đặc biệt, kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn này đã tăng lên rất mạnh.

Tính đến nay tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 177.120 tỷ đồng, tăng 170.098 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoản 21%, trong đó ngân sách Nhà nước cấp vốn Điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt 27.748 tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng nguồn vốn; NHCSXH huy động trên thị trường, vay NHNN, nhận tiền gửi 2% của các TCTD Nhà nước và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 128.618 tỷ đồng, chiếm 72,6%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 8.307 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng nguồn vốn.

Cơ cấu nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách hiện nay chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn, NHCSXH tự huy động, giảm dần tỷ lệ vốn cấp từ ngân sách Nhà nước, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Cùng với việc tập trung nguồn lực, mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách với việc huy động cả hệ thống chính trị không chỉ tạo nên một mô hình đặc thù, hiệu quả mà còn phù hợp với cấu trúc chính trị ở Việt Nam. Đó là Hội đồng quản trị (HĐQT) ở Trung ương, Ban đại diện HĐQT ở các cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ máy điều hành tác nghiệp. HĐQT ở Trung ương trực tiếp được Thống đốc NHNN thành viên Chính phủ kiêm Chủ tịch HĐQT, các thành viên khác là đại diện cho các Bộ, ban ngành Trung ương và 04 tổ chức chính trị - xã hội.

“Cả hệ thống chính trị vào cuộc rất quyết liệt đồng bộ, không có ngân hàng nào có HĐQT, Ban đại diện HĐQT như NHCSXH”, Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn nhìn nhận và cho rằng đây là điểm tựa để kết quả hoạt động của NHCSXH hiệu quả. HĐQT ở Trung ương có 14 thành viên, gồm 12 thành viên kiêm nhiệm và 02 thành viên chuyên trách; 12 thành viên kiêm nhiệm gồm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là Chủ tịch HĐQT; 11 thành viên là Thứ trưởng (hoặc cấp tương đương Thứ trưởng), 02 thành viên chuyên trách gồm: 01 Uỷ viên giữ chức Tổng Giám đốc, 01 Uỷ viên giữ chức Trưởng Ban kiểm soát.

Tại NHCSXH cũng đã xây dựng và hoàn thiện được bộ máy điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả theo 3 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện). Kể từ khi mới thành lập chỉ với 498 cán bộ, đến nay NHCSXH đã xây dựng và phát triển được đội ngũ cán bộ với trên 9.000 người làm việc tại Hội sở chính, Sở giao dịch, Trung tâm đào tạo, Trung tâm CNTT, 63 chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh và 631 Phòng giao dịch cấp huyện với đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị tin học đảm bảo phục vụ giao dịch tại Điểm giao dịch xã.

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giản biên chế, tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội…, NHCSXH đã kết hợp sự tham gia của 04 tổ chức chính trị - xã hội với vai trò vừa là người giám sát xã hội, vừa làm uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách. NHCSXH đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập được 187.151 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, ấp, bản, làng; tổ chức giao dịch tại 10.974 Điểm giao dịch đặt tại UBND cấp xã… Đến nay, giá trị giao dịch của khách hàng tại Điểm giao dịch xã chiếm trên 85% tổng giá trị giao dịch của NHCSXH với khách hàng. Qua đó đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước và đối với hoạt động của NHCSXH. Đồng thời, chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với dân, để qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở.

Những thành công và nền tảng đã có là cơ sở để NHCSXH theo đuổi mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đặt ra, đặc biệt với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đó vừa là trách nhiệm, niềm tự hào nhưng cũng đầy những thách thức mới trong cả lĩnh vực huy động vốn và cho vay. Bởi khi tỷ lệ giảm nghèo ngày càng co lại không tỷ lệ thuận với công tác giảm nghèo nhẹ gánh, bởi đó là phần sâu thẳm của lõi nghèo, mà nhiều năm qua, NHCSXH đã và đang nhọc nhằn mở đường cho vốn đến. Công cuộc hội nhập kinh tế cùng những thách thức từ biến đổi khí hậu, biến động giá… cũng đang trở thành một rào cản cho dòng vốn thông dòng “bén rễ” vào đời sống kinh tế.

Những yêu cầu này đặt ra cho NHCSXH những áp lực mới trong công tác huy động vốn và chất lượng hoạt động, bởi dù là một ngân hàng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng đã và đang hoạt động trong cơ chế thị trường, thì chúng ta vẫn phải tuân thủ theo quy luật thị trường hoạt động có hiệu quả, đón được quy luật thị trường để kích thích tính năng động sáng tạo của người nghèo, giúp họ thoát nghèo, thậm chí khấm khá hơn để vươn lên làm giàu như Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã kỳ vọng để “số lượng có thể biến đổi thành chất lượng”.

Hà Ngọc Trang (theo VBSP)

 

 

Tin cùng chuyên mục