Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 06:59

Tin hoạt động ngân hàng

NHNN phối hợp tổ chức Diễn đàn thường niên về Tài chính Toàn diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

11/07/2017

Trong 2 ngày 10 và 11 /7/2017, tại Hội An, Quảng Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Học viện ADB (ADBI) tổ chức Diễn đàn thường niên về Tài chính Toàn diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Trong 2 ngày 10 và 11 /7/2017, tại Hội An, Quảng Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Học viện ADB (ADBI) tổ chức Diễn đàn thường niên về Tài chính Toàn diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Được tổ chức liên tiếp trong 7 năm qua, Diễn đàn là một kênh hợp tác, đối thoại chính sách và chia sẻ kinh nghiệm hữu ích giữa các nền kinh tế thành viên APEC với các bên đối tác trong bối cảnh tài chính toàn diện ngày càng có vai trò quan trọng góp phần xóa nghèo và phát triển bền vững.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì Diễn đàn APEC thường niên lần thứ 7 về Tài chính toàn diện

Tham dự sự kiện, về phía Lãnh đạo NHNN có bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc NHNN; đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Lao động &TBXH, Thông tin-truyền thông, Ngoại Giao, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, các cấp quản lý và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính toàn diện phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; các chuyên gia, diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế, ngân hàng trung ương, bộ tài chính các quốc gia trên thế giới...

Phát biểu khai mạc sáng nay, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của Diễn đàn thường niên về Tài chính Toàn diện đối với các quốc gia thành viên: “Có một thực tế không thể phủ nhận là nhờ những sáng kiến thích hợp, sự hợp tác tích cực giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các bên đối tác, khái niệm “tài chính toàn diện” từng bước trở nên gần gũi và được biết đến nhiều hơn cũng như được công nhận ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, qua đó, các quốc gia có thể hoạch định chiến lược tài chính toàn diện, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế và xã hội đặc thù của riêng mình”.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Dù đã có những thành công nhất định trong triển khai tài chính toàn diện trên phạm vi toàn cầu, vẫn còn nhiều thách thức phải xử lý đặt ra cho cộng đồng quốc tế như tỷ lệ người nghèo được tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức còn thấp, sự bất bình đẳng về giới, khoảng cách giàu nghèo và sự chênh lệch về phát triển, mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính cho người dân còn chưa đầy đủ, sự bất cập về khuôn khổ pháp lý cho giám sát và bảo vệ người tiêu dùng, việc đầu tư chưa đúng mức cho nền tảng cơ sở hạ tầng tài chính và phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Chính vì thế, Diễn đàn APEC về Tài chính toàn diện được diễn ra nhằm tạo cơ hội cho các nền kinh tế trên thế giới nói chung và trong khu vực APEC nói riêng, các chuyên gia hàng đầu về tài chính toàn diện, các bên liên quan đến phát triển tài chính toàn diện được trao đổi và thảo luận về cách thức và khả năng hài hòa các mục tiêu giữa tài chính toàn diện, hội nhập và bảo vệ người tiêu dùng để có thể tối đa hóa được những lợi ích mà tài chính toàn diện mang lại, phù hợp với đặc thù và trình độ phát triển của các quốc gia và đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Với chủ đề “Tài chính cho Phát triển Nông nghiệp nông thôn”, nội dung chính của Diễn đàn năm nay sẽ tập trung thảo luận định hướng Tài chính toàn diện phục vụ cho phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn - là một trong 4 nội dung hợp tác ưu tiên trong khuôn khổ tiến trình hợp tác Bộ trưởng tài chính của năm APEC 2017. Bao gồm: (1) Việc xác định đúng đắn phạm trù tài chính toàn diện; thực trạng triển khai các ứng dụng kỹ thuật số trong lĩnh vực này; (2) Vai trò của tín dụng và các dịch vụ/sản phẩm tài chính trong hỗ trợ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn; (3) Triển vọng và các chính sách thúc đẩy các công nghệ mới trong dịch vụ tài chính; (4) Giáo dục tài chính góp phần nâng cao hiệu quả nhận thức của người dân trong tiết kiệm và đầu tư; (5) Tạo dựng môi trường phù hợp cho các sản phẩm và dịch vụ tài chính vi mô; (6) Phát triển bảo hiểmvi mô; (7) Chuỗi cung ứng tài chính trực tuyến: Thách thức và Yêu cầu chính sách; và (8) Phát triển định dạng số như một nhu cầu thiết yếu của phát triển.

Các nội dung thảo luận, trao đổi tại Diễn đàn được đánh giá là đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với nước chủ nhà Việt Nam cũng như các quốc gia khác đang ở giai đoạn đầu tiếp cận tài chính toàn diện. Đây cũng chính là những nội dung do NHNN đề xuất hợp tác cho cả năm APEC 2017 ngay từ Hội nghị Thứ trưởng Bộ Tài chính và Phó Thống đốc NHTW các nền kinh tế APEC tổ chức vào tháng 2/2017 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Kết quả thảo luận dự kiến sẽ được đưa vào “Báo cáo nghiên cứu hiện trạng và chiến lược nâng cao nhận thức tài chính tại các nền kinh tế APEC”, từ đó đề xuất các giải pháp về cải cách và chính sách phù hợp cũng như các lĩnh vực hợp tác ưu tiên nhằm thúc đẩy một nền tài chính toàn diện năng động, bền vững trong các nền kinh tế thành viên APEC.

Cũng trong khuôn khổ các sự kiện hợp tác tài chính – ngân hàng trong năm APEC 2017, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn APEC về tài chính toàn diện, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị lần thứ 4 về Cải cách Cơ sở Hạ tầng Tài chính (FIDN) vào ngày 12/7/2017 tại cùng địa điểm trên.

Theo sbv.gov.vn

Tin cùng chuyên mục