Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 07:11

Tin hoạt động ngân hàng

Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

23/06/2017

Sáng ngày 21/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, , Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng với 86,35% đại biểu Quốc hội tán thành

Sáng ngày 21/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, , Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng với 86,35% đại biểu Quốc hội tán thành.


Tại phiên họp này, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết  về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Báo cáo nêu rõ, ngày 12/6/2017 dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thảo luận lần 2 tại Hội trường. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng với 424/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,35% trong tổng số đại biểu Quốc hội.

Theo đó, Nghị quyết quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017 gồm: được xác định là nợ xấu theo quy định tại Phụ lục Về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết này trước ngày 15/8/2017; Được xác định là nợ xấu theo quy định tại Phụ lục Về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết này trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Nghị quyết quy định rõ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.

Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, trừ tổ chức tín dụng liên doanh và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Đáng chú ý, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Nghị quyết cũng nêu rõ, việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp Nghị quyết này không có quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thì quy định của Nghị quyết được áp dụng.

Nghị quyết này được thực hiện trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày 15/8/ 2017. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này, báo cáo Quốc hội kết quả xử lý nợ xấu hằng năm, báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp đầu năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu quy định tại Nghị quyết này. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; thực hiện giải pháp để hạn chế nợ xấu.

Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết tại địa phương; lập phương án phân bổ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách địa phương.

Theo sbv.gov.vn

Tin cùng chuyên mục