Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 04:13

Tuyên truyền - Giáo dục

Cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong phòng ngừa sử dụng ma túy bất hợp pháp

20/06/2017

Công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy ở nước ta từ lâu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ và trực tiếp là Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy.

Công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy ở nước ta từ lâu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ và trực tiếp là Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy.

Một năm sau khi trở thành thành viên của 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc, việc thành lập một ủy ban có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối hoạt động phòng, chống ma túy các bộ, ngành, địa phương với tên gọi Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy và đặt nhiệm vụ “PHÒNG” ngang với “CHỐNG” đã phản ánh rất rõ quan điểm của Chính phủ trong việc giải quyết tận gốc tệ nạn ma túy ở nước ta. Chính sự có mặt của đại diện gần 30 bộ, ngành, đoàn thể chính trị trong Ủy ban Quốc gia và sự tham gia của các sở, ban, ngành trong các Ban chỉ đạo của các địa phương (từ tỉnh, huyện xuống tới xã,phường, thị trấn) một mặt đã xác định nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, mặt khác đã tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần trong xã hội, gồm các cơ quan chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ, v.v.. tham gia tích cực vào công tác phòng, chống ma túy.  Nhiệm vụ  phòng ngừa lạm dụng ma túy đã trở thành một phần không thể thiếu được trong các chương trình, kế hoạch lớn của Chính phủ, như: Chương trình hành động phòng, chống ma túy các giai đoạn từ 1998 - 2005; các Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2006 – 2015 và Chiến lược quốc gia về phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thực tế này đã làm cho công việc “phòng” và “chống” ma túy ngày càng cân bằng hơn, phù hợp hơn với xu thế của thế giới. 

Để đạt được mục tiêu “kìm chế, ngăn chặn hướng tới đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội”, nhiều hình thức phòng ngừa đã được đồng loạt triển khai. Trong đó, đáng lưu ý nhất là hình thức: Phòng ngừa ban đầu nhằm vào nhóm đối tượng là những người chưa bao giờ liên quan đến ma túy và Phòng ngừa chuyên biệt - nhằm vào những đối tượng có nguy cơ mắc nghiện cao.


Do tính đặc thù của biện pháp phòng ngừa ban đầu là cho phép đồng thời một lượng lớn đối tượng tiếp cận các thông tin về phòng, chống ma túy mà nó cần chuyển tải, hình thức phòng ngừa này đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn đầu vào của tệ nạn ma túy. Thông qua nhiều hoạt động bề nổi như tuyên truyền  qua đài, báo, tờ rơi, pa-nô, áp phích, tọa đàm, mít tinh, ra quân, v.v… nhiều thông tin bổ ích về diễn biến tình hình tệ nạn ma túy, chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực phòng, chống ma túy, đặc biệt là thông tin về tác hại của các loại ma túy  đã đến được với đông đảo người dân trong cộng đồng. Trong khi đó, công tác phổ biến, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật lại giúp mọi người nâng cao nhận thức về pháp luật và tự tránh xa tệ nạn ma túy.  Cũng chính nhờ những công việc tưởng chừng rất đơn giản này mà trong nhiều năm liền chúng ta đã kìm chế tốc  độ gia tăng người nghiện mới và hiện nay số người nghiện ma túy ở nước ta đang ở mức trên 200 ngàn người (tương đương 0,21% dân số). Đây là một kết quả rất đáng tự hào nếu so sánh với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Phi-lip-pine, v.v..

Việc thường xuyên cải tiến nội dung và phương pháp tuyên truyền đã phần nào tăng tính hấp dẫn, sức  lan tỏa qua đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy. Có thể thấy rất rõ sự chuyển biến này qua việc ngày càng có sự lồng ghép các nội dung tuyên truyền với các hoạt động thể thao, văn hóa ở cơ sở hoặc các hoạt động biểu diễn văn nghệ mà chúng ta thường gọi một cách nôm na là “sân khấu hóa” công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy. Trong hệ thống giáo dục, việc lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy với các hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hoặc dưới dạng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy cũng nhận được sự hưởng ứng rất tích cực. Những việc làm này đã làm cho một công việc trước đây thường được xem là “khô cứng”, “khó tiếp thu” trở thành công việc dễ đi vào lòng người và có sức cảm hóa tốt hơn.

 Để có những thành công kể trên, không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của các đoàn thể - xã hội, các tổ chức chính trị, các tổ chức, cá nhân nằm ngoài hệ thống cơ quan nhà nước.  Trong đó,  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (MTTQ) và các tổ chức thành viên như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức kinh tế - xã hội khác ngày càng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan,  chính quyền các cấp trong việc vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên của minh tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống tệ nạn ma túy. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo đã đã góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở nhiều địa phương. Với trên 700 mô hình phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm được triển khai trong giai đoạn 2012 – 2015, như: “Khu dân cư không có tội phạm”; “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm”; “Câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật”; “Câu lạc bộ giáo dục đồng đẳng”, “Gia đình không có người nghiện ma túy”; “Dòng họ không có người mắc tệ nạn xã hội”; ''Xứ họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu'', ''Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Đội xung kích an ninh”, “Khu dân cư an toàn lành mạnh, không có tệ nạn ma tuý”, "Cơ quan, đơn vị không có người nghiện ma tuý", v.v... Với trên chục ngàn buổi tuyên truyền cho hàng chục triệu lượt người do các tổ chức này tiến hành và hàng ngàn lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho cán bộ ở cơ sở một mặt đã góp phần tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức về tác hại nhiều mặt của tệ nạn ma túy trong cộng đồng, mặt khác đã hình thành một hệ thống tuyên truyền viên rộng khắp ở các địa phương.

Việc triển khai hàng trăm mô hình phòng, chống ma túy ở hầu hết các địa phương như đề cập ở trên cho thấy công tác phòng, chống ma túy đã trở thành một công tác mang tính toàn dân, toàn diện, có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ của  nhiều ngành, nhiều cấp. Một biểu hiện rất đáng mừng của việc xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy.

Cùng với việc phòng ngừa đại trà cho toàn xã hội, thời gian gần đây, công tác phòng ngừa chuyên biệt dành cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao đã được các cấp, các ngành, địa phương dành nhiều sự quan tâm hơn trước. Thông qua các hoạt động tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, tiếp cận trực tiếp với “nhóm thanh niên đường phố”, v.v… các kỹ năng rất cần thiết như: kỹ năng nhận biết và đánh giá nguy cơ mắc nghiện, cách thức hóa giải các vướng mắc về tâm lý trong cuộc sống, kỹ năng từ chối các cám dỗ, v.v.. thường có trong các nhóm đối tượng “có nguy cơ mắc nghiện cao” đã giúp họ đưa ra các quyết định đúng đắn, bảo vệ họ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy. So với công tác phòng ngừa ban đầu, được triển khai đại trà, những hoạt động trong lĩnh vực phòng ngừa mới mẻ này mới chỉ là sự khởi đầu, chưa đồng đều ở nhiều địa phương, mới chủ yếu ở giai đoạn tạo ra những cán bộ có năng lực tư vấn hơn là những hoạt động tác động trực tiếp đến nhóm đối tượng cần tư vấn. Chúng ta hy vọng khi đã có một số lượng tương đối những cán bộ có trình độ, kiến thức tương đối sâu về tâm lý, kỹ năng tư vấn việc tạo chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi trong nhóm thường được xem là đặc biệt khó tiếp cận này sẽ dần được cải thiện.  

Công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đang trong giai đoạn rất khó khăn, quyết liệt. Hoạt động của tội phạm ma túy chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều loại ma túy, đặc biệt là nhóm ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới đang có xu hướng lan rộng, tác động đến nhiều nhóm đối tượng, nhiều địa bàn. Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy không còn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc đầu từ về kinh phí từ trung ương cho công tác này sẽ ngày càng hạn chế. Trước thực trạng không còn dự án tuyên truyền phòng, chống ma túy của chương trình không những không cho phép chúng ta xem nhẹ công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy nói riêng, hoạt động phòng ngừa lạm dụng ma túy nói chung mà thực chất yêu cầu đề ra các giải pháp mới cho công tác này.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi, với nhiệm vụ của người làm công tác tham mưu về phòng, chống ma túy xin đề xuất 03 vấn đề để mọi người cùng suy nghĩ:

- Trước hết, đề nghị các cơ quan có liên quan nêu cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy trong chiến lược chung về phòng, chống ma túy. Từ đó có có sự phân bổ thật hợp lý kinh phí giữa các nhóm giải pháp giảm cung và giảm cầu ma túy. Trong điều  kiện có thể, đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì dự án tuyên truyền về phòng, chống ma túy để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cốt cán ở địa phương.

- Thứ hai, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác tuyên truyền nhằm phát huy hiệu quả đầu tư; tránh dàn trải, phô trương hình thức. Để hỗ trợ cho các cơ quan, ban ngành và địa phương trong công tác này, Cơ quan thường trực về phòng, chống ma túy cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa để có những chuyên gia đủ tầm về khả năng định hướng cho công tác tuyên truyền, công tác tư vấn, v.v… Bên cạnh đó, việc tận dụng các chuyên môn, kinh nghiệm sẵn có của các viện nghiên cứu như: Viện nghiên cứu về thanh niên, Viện báo chí và tuyên truyền, Viện sức khỏe tâm thần, v.v… hoặc của các nước khác là điều không thể thiếu được.

- Cuối cùng, cần khẩn trương  biến  chủ trương “Xã hội hóa” công tác phòng, chống ma túy của Chính phủ thành những hành động thiết thực qua đó huy động các nguồn lực tiềm tàng trong xã hội vào công tác này. Cần khẩn trương rà soát và có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, về quy định pháp luật và có chính sách động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước mới có thể bù đắp những thiếu hụt về kinh phí cho hoạt động này./.

Đại tá Tạ Đức Ninh
Trưởng phòng Thường trực Chương trình QG phòng, chống ma túy 

Tin cùng chuyên mục