Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 04:58

Tuyên truyền - Giáo dục

Cán bộ ngân hàng luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người về đạo đức cách mạng

19/05/2017

Ngay từ những năm chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến đạo đức của cán bộ ngân hàng.

Ngay từ những năm chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến đạo đức của cán bộ ngân hàng. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính, ngày 20-2-1952, Bác đã đề cập rất cụ thể: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công, vô tư, cần, kiệm liêm, chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”.

Như vậy, bên cạnh việc cần thiết nâng cao trình độ chuyên môn, Bác đã rất chú trọng đến yêu cầu về đạo đức đối với cán bộ ngân hàng là phải “chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính” và “tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu”, vì cán bộ ngân hàng phụ trách nhiều tiền của. Bác đã đề cập đến những khía cạnh hết sức cụ thể như phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành… Ta có thể hiểu phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức thuộc về phạm trù đạo đức; còn trình độ và năng lực… thuộc về phạm trù tài. Song việc tạm tách như vậy chỉ mang tính chất tương đối, bởi ngay trong từng việc cụ thể đức và tài bao chứa ở trong nhau. Trong một chừng mực nào đó giữa hai phạm trù đức và tài trong đạo đức của người cán bộ luôn cần sự thể hiện thống nhất như một chỉnh thể. Đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải có đức, có tài trong thực thi công vụ là muốn đề cập tới những tiêu chuẩn chung nhất của người cán bộ, công chức.

Quan điểm của Bác về đạo đức đối với cán bộ ngân hàng là “chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính”.

"Cần" là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong lao động.“Cần còn có nghĩa là làm việc có phương pháp, có khoa học và có trí tuệ. "Cần" trong giai đoạn hiện nay còn phải là tích cực, chủ động, sáng tạo trong công việc được giao, mang lại hiệu quả cao trong công việc mình đảm nhiệm. Tính hiệu quả là yêu cầu không thể thiếu trong điều kiện kinh tế thị trường, nhất là đối với cán bộ ngân hàng trong giai đoạn đổi mới, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và hội nhập quốc tế. “Cần” cũng là khả năng thích nghi, biết học tập và tiếp thu cái mới để đáp ứng được yêu cầu của công việc trong giai đoạn mới.

“Kiệm” là tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tránh xa hoa, lãng phí của cải vật chất và tinh thần của nhân dân, gia đình và xã hội. Những điều đó vẫn giữ nguyên giá trị và vai trò trong điều chỉnh hành vi của cán bộ ngân hàng từ trước đến nay. Tuy nhiên, cũng phải có sự đổi mới nhận thức, không nên hiểu chữ "kiệm" với nghĩa hạn hẹp, đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải "thắt lưng, buộc bụng", "nắm cơm với quả cà" để xây dựng CNXH, cán bộ không được mua sắm và sử dụng những phương tiện hiện đại... Cái chúng ta cần giáo dục đối với cán bộ ngân hàng là đấu tranh với lối sống gấp, sự xa xỉ, lãng phí chạy theo thị hiếu không lành mạnh về văn hóa và đạo đức nghề nghiệp.

"Liêm" là liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, không tham địa vị.Cán bộ ngân hàng lại càng cần lưu ý, rèn giũa phẩm chất này, vì cán bộ ngân hàng quản lý tiền của, nếu không nghiêm minh, liêm khiết,lại tham lam của cải, vật chất, vi phạm các thói xấu như tham ô, móc ngoặc, hối lộ, tư lợi bất minh... thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự và mang lại hậu quả khó lường trong việc thực thi nhiệm vụ và không mang lại được niềm tin cho nhân dân, làm suy yếu xã hội.

"Chính" thẳng thắn, trung thực, luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa, lên án những cái xấu, cái sai trái. “Chính” cũng được hiểu là việc phải, việc đúng thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh. Đức tính này đòi hỏi cán bộ phải làm theo lẽ phải, đấu tranh chống sự giả dối, không trung thực, cơ hội, lợi dụng chức quyền làm việc bất minh.Đối với mình thì không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Đối với người, không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc. “Chính là một trong những phẩm chất, tư cách cần có của người cán bộ ngân hàng. Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường, cán bộ ngân hàng càng cần phải được giáo dục, rèn luyện phẩm chất đó. Cán bộ ngân hàng không vì lợi nhuận mà chấp nhận làm những việc không đúng quy định, mà dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành và thực thi nhiệm vụ một cách đúng mực, nghiêm túc.

“Chí công” là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.  Muốn chí công vô tư thì phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân. Có chí công, vô tư thì mới không vị kỷ, không vì lợi ích cá nhân, đầu óc mới tỉnh táo, sáng suốt, không tham tiền tài, địa vị, danh vọng. Lúc đó, mọi việc làm mới công tâm, khách quan.

“Cần, kiệm, liêm, chính” có quan hệ chặt chẽ với nhau và với “chí công, vô tư”. “Cần, kiệm, liêm, chính” sẽ dẫn đến “chí công, vô tư”. Ngược lại, đã “chí công, vô tư”, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được “cần, kiệm, liêm, chính”.

Đó chính là các đức tính, phẩm chất đạo đức cần có của người cán bộ, đảng viên, cán bộ ngân hàng, nó thể hiện thông qua những hành vi cụ thể trong hoạt động kinh doanh. Hành vi đạo đức của cán bộ ngân hàng chỉ có thể được hình thành và phát hiện trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày phục vụ nhân dân. Không có thứ đạo đức chung chung, trừu tượng, bên ngoài cuộc sống, càng không có thứ đạo đức suông. Cán bộ ngân hàng phải gương mẫu về đạo đức. Sự gương mẫu về đạo đức là một trong những chuẩn mực đặc trưng của nền công vụ. Người có quyền lực càng lớn, địa vị càng cao thì càng phải thường xuyên tu dưỡng và làm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp.

Từ những đức tính, phẩm chất đạo đức mà Bác Hồ đã căn dặn cán bộ ngân hàng, thì cán bộ, công chức, viên chức và lao động trong ngành Ngân hàng cần cụ thể hóa thành những phẩm chất đạo đức, những đức tính cần thiết đối với từng vị trí công tác, trong từng giai đoạn cụ thể, để nêu cao phẩm chất đạo đức trong việc triển khai, xử lý và thực thi công việc.

Trong giai đoạn hiện nay, đạo đức ngân hàng càng được quan tâm vì trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rủi ro đạo đức là điều luôn thường trực. Nhằm hướng cán bộ, công chức, viên chức và lao động trong ngành Ngân hàng rèn luyện đạo đức, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, Ngân hàng Nhà nước VN đã ban hành Quyết định số 973/QĐ-NHNN, ngày 19/5/2006, về Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong Chương trình có các quy định cụ thể trong các lĩnh vực: công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, các doanh nghiệp trực thuộc NHNN, tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm tiền gửi VN; thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện minh bạch về tài sản, thu nhập.

Hiện nay, trong ngành Ngân hàng Việt Nam, các đơn vị, tổ chức tín dụng đều xây dựng những chuẩn mực, hoặc quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp của đơn vị, hệ thống mình, góp phần vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cũng luôn quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, người lao động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người đối với cán bộ ngân hàng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Đây là 1 trong những công tác trọng tâm của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tiếp tục khẳng định “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Phạm Liên

Trưởng Ban Tuyên giáo CĐNHVN

Tin cùng chuyên mục