Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 07:49

Công tác nữ công

Hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII”

26/10/2016

Chiều ngày 25/10/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII”.

Chiều ngày 25/10/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII”.

Tham dự có gần 60 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ nữ công một số LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành trung ương và tương đương tham dự. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu đã cho ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII và dự thảo Điều lệ Hội Liên hiệp phụ nữ VN (sửa đổi bổ sung).

Về báo cáo chính trị, các đại biểu tập trung cho ý kiến đánh giá về kết quả phong trào của nữ CNVCLĐ và hoạt động nữ công vào phong trào phụ nữ và công tác Hội nhiệm kỳ qua. Theo đó, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, nữ CNVCLĐ đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt cùng với phụ nữ cả nước triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội phụ nữ và Đại hội công đoàn các cấp,tạo ra những chuyển biến mới trong phong trào phụ nữ cả nước, động viên chị em nâng cao trình độ, năng lực công tác, góp phần thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Hai bên cũng đã phối hợp trong công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, chính sách liên quan đến nữ CNVCLĐ; phối hợp tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Phụ nữ thi đua tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; thi đua “5 không, 3 sạch”… Hoạt động của ban nữ công quần chúng đã góp phần không ngừng chăm lo cho nữ CNVCLĐ, khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn tại DN cũng như trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, thông qua đó, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ qua.

“Những kết quả đó đã khẳng định sự chỉ đạo hiệu quả và phân công hợp lý của Đảng trong công tác phụ vận, tránh được sự chống chéo trong công tác vận động, tập hợp, chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên CĐ, hội viên, từ đó phát huy được thế mạnh của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị xã hội mà Đảng lãnh đạo”- Phó Chủ tịch TLĐ Nguyễn Thị Thu Hồng nhấn mạnh.

Về dự thảo Điều lệ Hội Liên hiệp phụ nữ VN (sửa đổi bổ sung), các đại biểu thảo luận, tham gia ý kiến về chức năng, nhiệm vụ, điều kiện trở thành hội viên; hệ thống tổ chức Hội; hình thức bầu cử…

Thảo luận về vấn đề tổ chức Hội cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp và Hội nữ trí thức ở các cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, tại Hà Nội, trong 5 năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã thành lập 32 Hội phụ nữ trong các DN khu vực ngoài nhà nước. Qua khảo sát cho thấy, đa phần các hội, chi hội phụ nữ trong các DN được thành lập đều không có kinh phí hoạt động nên các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, chăm lo cho nữ CNLĐ hầu hết đều do kinh phí CĐ thực hiện hoặc do DN hỗ trợ chung vì cùng một đối tượng... Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật đều khẳng định vị trí của Công đoàn, Ban nữ công trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trong phát huy vai trò và bào vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ chứ không phải là chi hội phụ nữ.

 Chứng minh cho quan điểm này, chị Nguyễn Thị Phương Hoa nêu: “Điều 10 Hiến pháp đã nêu rõ “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và NLĐ, đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ”; Khoản 2, điều 154 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ là “tham khảo ý kiến của lao động hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ”. Đặc biệt, điều 5, Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc thành lập tổ chức chính trị- xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế  đã nêu, các tổ chức chính trị - xã hội tại DN gồm: tổ chức Công đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh. Nghị định không quy định về tổ chức Hội phụ nữ…” “Do vậy, không cần thiết phải quy định về tổ chức Hội cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp”- chị Hoa bày tỏ. Đây cũng là ý kiến của tuyệt đại đa số các đại biểu tham dự Hội thảo.

Kiến nghị về phối hợp trong hoạt động, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Lương Thị Minh đề nghị: TƯ Hội LHPNVN khi ban hành văn bản hoặc tổ chức các phong trào thi đua, vận động ủng hộ các loại quỹ… nếu liên quan đến CNVCLĐ thì cần có sự phối hợp, thống nhất với tổ chức Công đoàn để tránh chồng chéo, gây khó khăn cho cơ sở và nữ CNVCLĐ.

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch TLĐ Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, các ý kiến sẽ được Đoàn Chủ tịch TLĐ tiếp thu và chuyển tới Trung ương LHPN Việt Nam để góp ý cho các văn kiện của Đại hội.

 

(Theo congdoan.vn)

Tin cùng chuyên mục