Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Chủ nhật, 12/01/2025 | 22:41

Chính sách - xã hội - thi đua

Ngành Ngân hàng với nghĩa cử cao đẹp vì miền Trung ruột thịt

20/10/2016

Hưởng ứng sự vận động của Thống đốc và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, toàn thể cán bộ viên chức ngành Ngân hàng đã chung tay góp sức, ủng hộ đồng bào miền Trung 1 ngày lương với số tiền 5 tỷ đồng.

Trước những khó khăn mà đồng bào miền Trung đang gặp phải từ sự cố cá chết và bão lũ, ngành Ngân hàng đã có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ về tín dụng trong việc cơ cấu lại nợ, giãn hoặc hoãn những khoản lãi cho người dân một cách kịp thời. Đồng thời, hưởng ứng sự vận động của Thống đốc và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, toàn thể cán bộ viên chức ngành Ngân hàng đã chung tay góp sức, ủng hộ đồng bào miền Trung 1 ngày lương với số tiền 5 tỷ đồng. Ngành Ngân hàng đã tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội, giúp bà con giải quyết những khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống lâu dài, thể hiện nghĩa cử cao đẹp và trách nhiệm cộng đồng.

Tình người trong cơn lũ

Ngay trong ngày 18/10/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 7921/NHNN-TD chỉ đạo các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội và NHNN chi nhánh các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế triển khai công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ. Theo đó, các TCTD chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của các khách hàng đang vay vốn và căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, cho vay mới để khách hàng tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất…; Đồng thời, tăng cường công tác an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân yên tâm sản xuất.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, ngành Ngân hàng đã khẩn trương vào cuộc bằng những hành động cụ thể: “Ngành Ngân hàng đã hết sức tích cực hỗ trợ cho bà con về vốn. NHNN đã gửi ngay văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn, các giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp cận ngay đối với bà con, xác định các thiệt hại, trước mắt cho khoanh nợ, giãn nợ ngay những khoản vay bị bão lũ gây thiệt hại”.

Phó Thống đốc cho biết, với cơ chế vay hiện hành theo Nghị định 55, đã có những quy định rất rõ ràng đối với các khoản vay bị thiệt hại nặng, giảm lãi, miễn lãi, cơ cấu lại nợ. Ngành Ngân hàng cùng với các cấp chính quyền địa phương đã phối hợp, xác định một cách cụ thể những thiệt hại lớn mà bà con không thể khắc phục được nhằm xem xét cho miễn, xóa nợ. Trên cơ sở xác định số lượng cụ thể, các địa phương báo cáo NHNN và Bộ Tài chính để trình Thủ tướng nhằm thực hiện việc xóa nợ và việc cho vay lại tiếp tục khắc phục ngay hậu quả của bão lũ.

Thực tế, ngành Ngân hàng đã cử các đoàn cán bộ lãnh đạo của các Ngân hàng thương mại, trước hết là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vào trực tiếp các tỉnh để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề hỗ trợ cho bà con để tái cơ cấu nợ, khoanh nợ, giãn nợ, những vấn đề về lãi suất… đồng thời có ngay những khoản hỗ trợ để giúp cho những người chịu thiệt hại, đang gặp nhiều khó khăn.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Nguyễn Văn Lý cùng Đoàn công tác NHCSXH đã thay mặt cán bộ viên chức lao động trong toàn hệ thống NHCSXH có mặt tại huyện Tuyên Hoá và thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) kịp thời thăm hỏi, động viên cũng như trao tận tay 600 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng tới các hộ gia đình bị thiệt hại, đang gặp khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh đó, đối với các gia đình có thân nhân bị chết do lũ cuốn: Công đoàn NHCSXH hỗ trợ 3 triệu đồng/người.

Ngày 19/10/2016, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã có văn bản số 7713/NHNo-TD chỉ đạo các chi nhánh Agribank một số tỉnh miền Trung triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ trên địa bàn. Công đoàn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã bước đầu dành 200 triệu đồng đóng góp cho việc cứu trợ khẩn cấp đồng bào hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn lũ lịch sử. BIDV đã dành gần 3 tỷ đồng để hỗ trợ người dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do mưa lũ là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, hỗ trợ các gia đình có người chết, mất tích 10 triệu đồng/người. 

Các NHTM khác căn cứ vào chỉ đạo của NHNN đang xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ đối với các tỉnh bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Chung tay chia sẻ thiệt hại do cá chết bất thường

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh 4 tỉnh có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại do sự cố cá chết hàng loạt tại 04 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Từ đó, NHNN các tỉnh, thành phố cũng như các chi nhánh ngân hàng thương mại theo chỉ đạo của trung ương đã cùng với chính quyền các cấp xem xét một cách cụ thể khắc phục khó khăn, cụ thể như sau:

Tại Công văn số 3177/NHNN-TD ngày 29/4/2016, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do hiện tượng thủy, hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung, kịp thời thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, … đồng thời tiếp tục xem xét cho vay mới giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tính đến ngày 30/9/2016, các ngân hàng đã hỗ trợ ngư dân khắc phục thiệt hại với tổng số tiền cho vay mới 339,3 tỷ đồng cho 4.113 lượt khách hàng; dư nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ là 118,9 tỷ đồng cho 1.501 khách hàng và dư nợ được miễn, giảm lãi là 897,2 tỷ đồng cho 570 khách hàng (số tiền lãi được miễn, giảm là 2,73 tỷ đồng) và đang đề nghị khoanh nợ số tiền 891 triệu đồng cho 44 khách hàng.

NHNN đã gửi Công văn số 3438/NHNN-TD ngày 12/5/2016 và Công văn 4953/NHNN-TD ngày 01/07/2016 hướng dẫn 4 ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN, Đầu tư và phát triển VN, Ngoại thương VN và Công thương VN triển khai việc cho vay thu mua, tạm trữ hải sản trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung. Tính đến ngày 05/07/2016 (thời điểm kết thúc chương trình), các ngân hàng đã cho vay 208,93 tỷ đồng để thu mua 7.302 tấn hải sản (trong đó Ngân hàng Công thương Việt Nam cho vay nhiều nhất là 101,26 tỷ đồng để thu mua 1.419 tấn hải sản).

Ngoài việc triển khai chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng thương mại Nhà nước chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ riêng của tổ chức tín dụng như miễn, giảm lãi và cơ cấu nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng và đang tích cực triển khai các gói tín dụng ưu đãi để triển khai phương án sản xuất kinh doanh mới (Agribank triển khai gói tín dụng 500 tỷ, BIDV triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng với lãi suất cho vay 6-8%, Vietinbank triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với lãi suất 6-7%; Ngân hàng Chính sách triển khai gói tín dụng 125 tỷ đồng …).

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đối với công tác an sinh xã hội, hiện nay, toàn ngành Ngân hàng đã phát động phong trào “Tất cả vì đồng bào miền Trung yêu thương”. Toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng đã đóng góp đồng lương của mình và ước tính sẽ quyên góp được khoảng 5 tỷ đồng để ủng hộ cho đồng bào miền Trung. Theo thống kê nhanh, các ngân hàng thương mại đã quyên góp được trên 5 tỷ ủng hộ đồng bào bằng nhiều hình thức tiền mặt hoặc hiện vật đã chuyển vào miền Trung. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã và đang chủ động có những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện trách nhiệm cộng đồng lớn đối với đồng bào miền Trung ruột thịt.

Thoa Lê (theo SBV)

 

 

Tin cùng chuyên mục