Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 09:20

Tin hoạt động ngân hàng

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú dự Hội thảo “Giảm nghèo đa chiều bền vững: Thực tiễn và định hướng, giải pháp cho các tỉnh Tây Bắc”

21/08/2016

Ngày 19/8/2016, tại Sơn La, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La và Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn “Giảm nghèo đa chiều bền vững: Thực tiễn và định hướng, giải pháp cho các tỉnh Tây Bắc”. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú đã tham dự và có bài phát biểu tham luận tại Hội thảo

Ngày 19/8/2016, tại Sơn La, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La và Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn “Giảm nghèo đa chiều bền vững: Thực tiễn và định hướng, giải pháp cho các tỉnh Tây Bắc”. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú đã tham dự và có bài phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La.

Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tạp chí Cộng sản;đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc; các nhà khoa học, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Hội thảo nhằm mục đích làm rõ những quan điểm, nhận thức mới của Đảng ta về giảm nghèo đa chiều; những vấn đề đặt ra trong công tác xóa đói, giảm nghèo nói chung và ở khu vực Tây Bắc nói riêng trong những năm qua; kiến nghị, đề xuất các chủ trương, giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm giảm nghèo đa chiều bền vững cho các tỉnh vùng núi Tây Bắc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây bắc nhấn mạnh: Tây Bắc là địa bàn chiến lược của đất nước, trong những năm qua, tuy đã đạt được một số kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng Tây Bắc vẫn là vùng có tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước, công tác xóa đói giảm nghèo còn nhiều hạn chế, bất cập, nguy cơ tái nghèo cao. Vì vậy, xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững ở Tây Bắc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo Tây Bắc trong thời gian tới. Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các cấp lãnh đạo ở các tỉnh Tây Bắc cần lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và nhân dân để có hành động quyết liệt, cụ thể trong công tác giảm nghèo đa chiều. Ban tổ chức Hội thảo cần chắt lọc những nội dung trọng tâm để tổng hợp báo cáo, đề xuất với Đảng và Chính phủ những giải pháp mang tính đột phá, phù hợp nhằm thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững ở khu vực Tây Bắc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Phát biểu ý kiến tham luận tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã rất quyết liệt trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo. Đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, ngành Ngân hàng luôn đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng đối với khu vực Tây Bắc đạt 203.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4% so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Trong đó, cho vay đối tượng chính sách (dư nợ đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay chính sách của cả nước) là một trong những chương trình được triển khai thành công nhất, góp phần quan trọng giúp xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế- xã hội khu vực Tây Bắc. Bên cạnh đó, hoạt động an sinh xã hội cũng được ngành Ngân hàng hết sức quan tâm, riêng trong giai đoạn 2009-2015, các ngân hàng đã tài trợ hơn 2200 tỷ đồng để đầu tư cho các công trình an sinh xã hội của khu vực Tây Bắc.Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của khu vực Tây Bắc còn rất hạn chế. Cụ thể, tại 2 hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc (năm 2013 và 2014, các ngân hàng đã cam kết đầu tư cho khu vực Tây Bắc khoảng 9000 tỷ đồng (không tính số vốn đầu tư cho Thủy điện 15.000 tỷ đồng), nhưng đến nay số vốn giải ngân mới đạt khoảng 50%. Nguyên nhân do Tây Bắc vẫn còn nhiềuvấn đề như hạ tầng cơ cơ sở yếu kém, thiếu thị trường, môi trường sản xuất kinh doanh khắc nghiệt…. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục có các chính sách, giải pháp căn cơ, đồng bộ để phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, phát triển thị trường cho vùng Tây Bắc… Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các chương trình, giải pháp, kết hợp chặt chẽ tín dụng chính sách với tín dụng thương mại, góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc không ngừng phát triển.

Theo sbv.gov.vn

Tin cùng chuyên mục