Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 09:49

Tin hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho khu vực ĐBSCL

27/05/2016

Chiều ngày 26/5/2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Hội nghị do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức.

Chiều ngày 26/5/2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Hội nghị do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức.

Chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Trưởng Ban, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Ông Lữ Văn Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); Ông Nguyễn Cẩm Tú – Thứ trưởng Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Văn Hiếu – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Quốc Việt đánh giá: Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo cơ hội quảng bá, hợp tác đầu tư thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP. Hà Nội và cả nước. ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nêu rõ: Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh ĐBSCL. Năm 2015, Hà Nội giúp ĐBSCL tiêu thụ 105 tấn hành tím và tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2015 với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh các mặt hàng đặc sản các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, đưa một lượng lớn hoa quả, nông sản, thủy sản của ĐBSCL về Hà Nội tiêu thụ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội ký biên bản hợp tác phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại nông nghiệp với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long…; đã có trên 100 dòng sản phẩm nông sản an toàn được bày bán tại thị trường Hà Nội, được người tiêu dùng Thủ đô đánh giá cao về chất lượng. Về lĩnh vực du lịch, Hà Nội và ĐBSCL cũng có nhiều hoạt động kết nối, ký kết để quảng bá, xúc tiến giữa các bên, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực… Thời gian tới, Hà Nội và ĐBSCL sẽ tiếp tục hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch…

Nhấn mạnh đến vai trò của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư vào thương mại và du lịch cho vùng ĐBSCL, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Trong những năm vừa qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cả nước và khu vực ĐBSCL phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch như: Huy động vốn tại chỗ của 13 tỉnh ĐBSCL luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, chiếm khoảng 6,4% tổng vốn huy động của nền kinh tế. Đến ngày 30/4/2016, huy động vốn của cả vùng đạt khoảng 304.482 tỷ đồng, tăng 6,93% so với 31/12/2015; dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt khoảng 394.347 tỷ đồng, tăng 2,44% so với 31/12/2015, chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Đối với ngành thương mại dịch vụ, đến ngày 30/4/2016, dư nợ tín dụng đạt khoảng 165.313 tỷ đồng, chiếm 41,9% dư nợ tín dụng trên toàn địa bàn. Riêng đối với lĩnh vực du lịch, đến ngày 30/4/2016, dư nợ tín dụng ngành du lịch của khu vực ĐBSCL đạt khoảng 2.403 tỷ đồng, chiếm 0,61% dư nợ tín dụng của toàn địa bàn; Tổ chức 50 hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh khu vực ĐBSCL với tổng số tiền cam kết cho vay mới theo chương trình đạt gần 58.000 tỷ đồng cho hơn 4.300 khách hàng doanh nghiệp và nhiều đối tượng khác.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã triển khai một số chương trình tín dụng trọng điểm tại khu vực ĐBSCL mang lại hiệu quả. Tính đến 30/4/2016, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL đạt khoảng 186.602 tỷ đồng, tăng 8,13% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng 21,4%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm gần 49% tổng dư nợ cho vay của khu vực. Trong lĩnh vực thủy sản, dư nợ cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản tại khu vực ĐBSCL ước đạt 54.306 tỷ đồng, tăng 3% so với 31/12/2015.

Đến nay, NHNN đã phê duyệt cho 10 doanh nghiệp thuộc khu vực ĐBSCL thực hiện 10 dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại 6 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng), trong đó có các doanh nghiệp liên kết cánh đồng lớn sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, doanh nghiệp có chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu thủy sản.

Như vậy, cùng với đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ngân hàng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, phát huy các thế mạnh vốn có của vùng, tạo điều kiện cho thương mại và du lịch vùng ĐBSCL được đẩy mạnh và phát triển.

Là một trong số những NHTM dành nhiều nguồn vốn cho vay và tham gia công tác an sinh xã hội vào ĐBSCL, ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank cho biết, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,6% giai đoạn 2016 – 2020, hiện nay, VietinBank đã và đang phục vụ trên 10.000 doanh nghiệp trên địa bàn. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn khoảng 50.000 tỷ đồng, tổng quy mô cho vay trên 80.000 tỷ đồng, chiếm thị phần khoảng 20% hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Các nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân, phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn như sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản, hoa quả, thủy hải sản đều được VietinBank đáp ứng đầy đủ.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và từng địa phương, các chương trình, kế hoạch về tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP.Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, VietinBank khẳng định rằng sẽ đồng hành và gắn kết chặt chẽ với quá trình này, sẵn sàng đáp ứng đủ vốn và dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý nhất để thực hiện được mục tiêu phát triển đã xác định.


Ký kết Hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa BCĐ Tây Nam bộ với UBND TP. Hà Nội

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp tín dụng cho khu vực ĐBSCL như: Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, trong đó hỗ trợ cho ngành thương mại và dịch vụ phát triển, nhằm tăng tỷ trọng của ngành thương mại và dịch vụ trong GDP của vùng; Tiếp tục tập trung nguồn vốn cho các lĩnh vực đặc thù vùng ĐBSCL nhằm phát huy các thế mạnh của vùng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu; Xây dựng giải pháp toàn diện từ cơ chế, chính sách đến các chương trình tín dụng xanh cụ thể… nhằm bảo đảm hệ thống ngân hàng có thể phục vụ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó có cả lĩnh vực du lịch xanh, thúc đẩy hoạt động du lịch đặc trưng của vùng ĐBSCL; NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD bố trí vốn để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội của khu vực, tạo tiền đề cho sự phát triển thương mại và du lịch, trong đó tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch, các kênh rạch trên các tuyến tham quan đường sông, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, công trình phục vụ du lịch, phát triển du lịch. Phó Thống đốc cũng đề nghị các tỉnh, thành phố có những quy hoạch rất rõ ràng, trên cơ sở đó, tín dụng ngân hàng bám sát, gắn chặt với các quy hoạch đó.

Tại Hội nghị, UBND TP. Hà Nội và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã ký kết các văn bản hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Cụ thể, hai bên sẽ phối hợp, trao đổi danh mục ưu tiên mời gọi đầu tư, vận động các doanh nghiệp Hà Nội đầu tư xây dựng, khai thác hạ tầng; Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm của vùng ĐBSCL tại hệ thống phân phối của Hà Nội, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định, lâu dài. Thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong sản xuất - kinh doanh; Tăng cường tuyên truyền, quảng bá đặc sản vùng miền... Về du lịch, hai bên sẽ xây dựng các chương trình khai thác các tua, tuyến du lịch liên vùng và nội dung, quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Theo website Ngân hàng Nhà nước VN 

Tin cùng chuyên mục