Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 09/01/2025 | 22:40

Kiến thức đời sống

Xuân Bính Thân tản mạn vui về khỉ

04/02/2016

Trong các loài động vật, Khỉ là giống vật được xếp chung loài với người, loài Linh trưởng; Vì có hình dáng giống người, có trí khôn, biết xử lý tình huống để lấy được thức ăn, bắt chước giỏi, sai công việc được nên rất được con người quan tâm.

Trong các loài động vật, Khỉ là giống vật được xếp chung loài với người, loài Linh trưởng; Vì có hình dáng giống người, có trí khôn, biết xử lý tình huống để lấy được thức ăn, bắt chước giỏi, sai công việc được  nên rất được con người quan tâm.




Theo các nhà khoa học hiện có hơn 200 loài khỉ, trong đó giống khỉ hình người (Tinh tinh, Đười ươi, khỉ Gorin) là giống người nhiều hơn cả. Qua nhiều nghiên cứu thấy rằng giống khỉ có đời sống khá cao, có khi chúng sống thành bầy đàn, có khi sống thành mỗi gia đình, có khi sống thành đàn có nhiều gia đình với nhau, ít sống đơn độc. Trong bầy đàn cũng có tôn ti  trật tự do con trưởng đàn chỉ huy, dĩ nhiên con  khỉ đầu đàn có những quyền ưu tiên như phân phối thức ăn và ăn trước, quyền chọn lựa bạn tình mà khỉ đực khác không được xâm phạm và khi cần phải tổ chức “thu hoạch” chiến lợi phẩm hoặc tổ chức chiến đấu thì bao giờ con đầu đàn phải đi trước và về sau cùng để bảo vệ an toàn cho cả đàn;  khi có con trong đàn bị thương chúng cũng cố gắng đưa đi không bỏ lại đồng bọn. Trong từng gia đình, chúng cũng biết chăm sóc nhau, yêu thương nhau, chia sẻ thức ăn cho con nhỏ, bắt chí rận cho nhau; nếu có một con bị chết thì những con khác tỏ vẻ buồn bả, đi bẻ nhánh cây phủ lên xác con chết thành một nấm mồ trước khi bỏ đi; nếu có khỉ mẹ bị chết, con còn nhỏ thì có khỉ mẹ khác làm “mẹ nuôi” khỉ mồ côi đó. Khỉ con chết, khỉ mẹ cứ ôm con, mắt cứ nhìn đăm đắm không rời. Chúng cũng phân định giang sơn và cũng sẽ chiến đấu quyết liệt với kẻ (đồng loại) xâm phạm lãnh thổ của đàn.


Vì khỉ có tính bắt chước giỏi nên từ rất lâu con người đã biết thuần dưỡng khỉ để dùng trong việc hái trà gọi là “hầu trà”. Dạy  khỉ leo lên những núi cao có những cây trà sống hàng trăm năm để hái những đọt trà bỏ vào cái gùi nhỏ mang sau lưng, khi đầy gùi thì trở về. Trà này rất quý và bán với giá cao gấp 100 lần trà thường. Hoặc dạy khỉ hái dừa, hái những cây trái trên cao, dạy làm những việc đơn giản, dạy khỉ làm xiếc, đóng phim. )… Vì khỉ giống người về mặt giải phẫu và sinh lý nên giống khỉ hy sinh khá nhiều cho những nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học dùng khỉ trong các nghiên cứu y học lâm sàng, thử thuốc mới, sản xuất huyết thanh, vac-xin, do thám không gian… Hiện nay người ta còn nuôi khỉ để bán cho các nước Âu, Mỹ dùng vào việc thí nghiệm cũng thu được lợi nhuận khá hời.

Trong sử thi Hamayana của  Ấn Độ có tướng  khỉ Hanuman đã giúp thái tử Rama cứu thoát nàng Sita từ quỷ dữ với rất nhiều mưu mẹo khôn ngoan và có lẽ Ngô Thừa Ân dựa vào đây để tạo ra linh vật Tề thiên đại thánh phò Tam Tạng đi Tây phương thỉnh chân kinh Đại thừa. Truyện cổ tích Việt Nam cũng có nhiều chuyện về khỉ như họ hàng nhà trưởng giả hóa thành khỉ vì tính ác độc và tham lam; chuyện người anh tham lam giành hết tài sản thừa kế của người em, biết được người em ngủ ở bìa rừng lũ khỉ tưởng người chết đem chôn ở hố vàng, người em trở nên giàu có. Ông anh  nổi máu tham cũng vào rừng giả chết bị lũ khỉ khiêng liệng xuống vách núi tan xác và rất nhiều chuyện về khỉ trong kho tàng truyện dân gian các dân tộc.


Do mặt khỉ có vẻ nhăn nhó, hay lăng xăng bốc chụp mọi thứ làm đổ bể, hỏng việc, trông khỉ không có vẻ đạo mạo…  nên có từ liếng khỉ, đồ khỉ, làm trò khỉ, mặt nhăn như khỉ ăn ớt, rung cây nhát khỉ, xứ khỉ ho cò gáy, làm lắm trò con khỉ,  nuôi khỉ dòm nhà (sợ khỉ bắt chước đốt nhà) .vv… nên người ta kiêng nói “con khỉ ” lúc mới mở hàng ban sáng hoặc nơi thiêng liêng cũng ít có hình tượng khỉ; trong thơ văn thường thay bằng chữ “vượn” và hình ảnh con vượn thường có trong thơ của  các bậc cao sĩ, tu sĩ, ẩn sĩ sống nơi thâm sơn cùng cốc.

Quan niệm xưa “ăn gì, bổ nấy”, cho rằng khỉ thông minh nên thích ăn món “óc khỉ” cho nhanh khôn, thực tế óc khỉ có thể nhiễm những loại vi-rút, vi  khuẩn nguy hiểm, lại có khá nhiều Cholesterol tăng  nguy cơ xơ vữa mạch máu làm tăng huyết áp, có thể bị đột quỵ do xuất huyết não, hóa ra bổ não chưa thấy mà nguy cơ bệnh não là không tốt. Thịt khỉ không ngon và cũng không bổ lắm nên món thịt khỉ, cao khỉ thật ra cũng không nên dùng mà thay bằng thịt dê, cao dê toàn tính là hợp lý hơn và rẽ tiền hơn. Sách tử vi nói rằng những người cầm tinh con khỉ (tuổi thân) thường là thông minh, hiếu học, thích nghiên cứu, tận tụy với công việc và có ý chí; trọng tình cảm và dễ hòa đồng nên được mọi người  quý mến. Tuy nhiên việc giỏi dỡ đúng là do người có chí hoặc không, còn giàu nghèo là chuyện không dự báo được vì có bao nhiêu sách dạy con làm giàu mà có mấy ai học đó làm giàu  được đâu. Sống theo luật nhân quả “tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”, dẫu sao làm việc thiện tâm người ta dễ an lạc hơn những toan tính hơn thua. Xin trích vài câu thơ phần cuối Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du thay cho lời kết:Gẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia bắt đã làm người có thân/ Bắt phong trần, phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao/ Có đâu thiên vị người nào/ Chữ Tài, chữ Mệnh dồi dào cả hai/ Có tài mà cậy chi tài/ Chữ Tài liền với chữ Tai một vần/ Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Thì đừng trách lẫn trời gần, trời xa/ Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài/ …


 

Sưu tầm

Tin cùng chuyên mục