Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 09/01/2025 | 22:44

Gương tiêu biểu

NHNN chi nhánh tỉnh Ninh Bình: Kết nối những bước chuyển kinh tế

29/01/2016

Sau hội nghị kết nối NH – DN vào giữa năm 2014 đến 31/12/2015, các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ cho 93 khách hàng DN với số tiền cam kết hỗ trợ là 2.214 tỷ đồng, trong đó dư nợ đến 31/12/2015 là 1.524 tỷ đồng.

Sau hội nghị kết nối NH – DN vào giữa năm 2014 đến 31/12/2015, các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ cho 93 khách hàng DN với số tiền cam kết hỗ trợ là 2.214 tỷ đồng, trong đó dư nợ đến 31/12/2015 là 1.524 tỷ đồng. 

Đó chỉ là một hiệu ứng khởi đầu trong hàng loạt hoạt động điều hành CSTT trên địa bàn của NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình trong năm 2015. Không chỉ là hỗ trợ vốn vay, tháo gỡ khó khăn cho DN, những CSTT được triển khai và giám sát có hiệu quả của NHNN Chi nhánh Ninh Bình đã góp phần thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2015.

Khi hoà nhịp vào cuộc sống

“Có thể nói, năm 2015 là một năm đầy nỗ lực đối với NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình trong việc triển khai hàng loạt các cơ chế chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng trên địa bàn theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN Việt Nam”, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Minh Khôi cho biết.

Cái khó của người thực thi nhiệm vụ “cánh tay nối dài của Thống đốc trên địa bàn” là vừa phải đảm bảo thực hiện chính sách hiệu quả, vừa tạo được hiệu ứng lan toả trong những nỗ lực phát triển chung của tỉnh.

Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp công tác giữa Ban Dân vận tỉnh ủy và NHNN CN tỉnh Ninh Bình năm 2015

Nhất là trên một địa bàn mà nhu cầu không chỉ từ các dự án phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ mà còn từ những đòi hỏi thiết yếu cho phát triển bền vững khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đối tượng chính sách, trong khi đó nguồn cung vốn địa phương chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2015, NHNN Chi nhánh tỉnh đã triển khai nghiêm túc, kịp thời có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực thi CSTT quốc gia và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, lồng ghép cùng các kế hoạch, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dù trên một địa bàn, nguồn vốn huy động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương, song với sự chỉ đạo sát sao của NHNN Chi nhánh tỉnh, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN Việt Nam và TCTD cấp trên về lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn, thấp nhất là 2,0%/năm; đối với cho vay trung và dài hạn lãi suất phổ biến ở mức 10-12%/năm, thấp nhất là 2,0%/năm.

Dòng vốn tín dụng đã hướng đến các khách hàng có tình hình tài chính tốt cùng với việc đẩy mạnh các chương trình, các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn đã không chỉ giúp các TCTD thu hút khách hàng, mở rộng cho vay mà quan trọng hơn tạo thành lực đẩy cho những thế mạnh của tỉnh như ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 54,2%; ngành thương mại, dịch vụ với tỷ lệ cho vay khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chiếm 95,8%.

Tín dụng đã chảy vào các dự án kinh tế lớn của tỉnh  như Công ty xi măng Tam Điệp, Công ty cán thép Tam Điệp, Nhà máy xi măng Hướng Dương, Nhà máy xi măng Duyên Hà, Nhà máy xi măng The Vissai, Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng với dư nợ đến 31/12/2015 đạt 3.186 tỷ đồng, chiếm 7,25%/ tổng dư nợ trên địa bàn.

Sức bền của kinh tế tỉnh thêm điểm tựa với dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng, TCTD đến 31/12/2015 đạt 9.971 tỷ đồng, chiếm 22,69%/tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, TCTD, trong đó cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 5.723 tỷ đồng, chiếm 57,4%. Dư nợ cho vay xuất khẩu đến 31/12/2015 đạt 336 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hỗ trợ DNNVV đạt 9.622 tỷ đồng.

Cùng với đó là các trợ lực khác đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững như chương trình bình ổn thị trường, cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Tín dụng chính sách thông qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh đến 31/12/2015 có 97.548 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, dư nợ đạt 1.796,3 tỷ đồng, tăng 8,65% so với 31/12/2014.

Tổng số nợ xấu của các ngân hàng, TCTD đến 31/12/2015 là 245,8 tỷ đồng, chiếm 0,56%/tổng dư nợ, càng minh chứng cho chất lượng hoạt động của các ngân hàng cũng như việc sử dụng vốn có hiệu quả của các đối tượng vay vốn.

Cùng với việc chỉ đạo điều hành thực thi CSTT thêm hiệu quả và sát thực hơn với cuộc sống, NHNN tỉnh đã thường xuyên liên hệ, trao đổi với Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh, Ban Dân vận, Ủy ban MTTQ tỉnh để kịp thời nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Để rồi nhìn lại năm 2015 nói riêng và cả giai đoạn 2010-2015, những kết quả hoạt động điều hành của NHNN Ninh Bình và việc thực thi có hiệu quả của các TCTD đã cộng hưởng vào những thành công trong chặng đường thực hiện kế hoạch 5 năm (2010 - 2015).

Nhiều khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dự án kinh tế lớn đã được triển khai có hiệu quả từ dòng vốn ngân hàng, khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương…

Tăng lực cho đòn bẩy chính sách

Tuy nhiên, nhìn về chặng đường 2016 trước mặt, những thách thức phát triển kinh tế, mở rộng tín dụng với tốc độ 18 - 20% đang đặt ra từ chính những điểm yếu còn nội tại trong nền kinh tế.

Dù từ cuối năm 2011 đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm nhanh và giảm mạnh chỉ bằng khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011 song, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân giai đoạn 2011-2015 chưa đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra (chỉ đạt 17,4%), cho thấy lãi suất không còn là nguyên nhân chính cản trở dòng vốn tín dụng mà chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế do không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, vốn tự có, tài sản thể chấp hạn chế.

Chưa kể môi trường đầu tư tín dụng còn khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao khi các DNNVV nguồn vốn hoạt động phần lớn là vốn vay ngân hàng, vốn tự có tham gia vào dự án, phương án SXKD thấp, nên khi gặp khó khăn rất dễ mất tính thanh khoản.

Những điểm khuyết này đã được Ban lãnh đạo NHNN Chi nhánh nhìn nhận để rồi từ đó thêm những kế hoạch hành động làm kim chỉ nam cho các TCTD mở rộng tín dụng, đầu tư ra thị trường ngay từ trong năm 2015.

Có thể kể đến Chương trình hành động của ngành Ngân hàng Ninh Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2016-2020; Tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh…

Chương trình hành động của Chi nhánh thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Riêng năm 2016, Chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới hoạt động ngân hàng; nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng, TCTD trong môi trường hội nhập kinh tế, tài chính thế giới. Việc mở rộng đầu tư tín dụng sẽ đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô và phục vụ tăng trưởng kinh tế địa phương, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Minh Khôi nhấn mạnh: “Nguồn vốn tín dụng sẽ ưu tiên tập trung vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN sử dụng nhiều lao động, DN ứng dụng công nghệ cao, dự án, phương án có hiệu quả.

NHNN cũng sẽ rà soát, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn cao. Đồng thời cùng các TCTD nghiên cứu, xem xét, triển khai các gói sản phẩm tín dụng dựa trên chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”.

Ngành Ngân hàng Ninh Bình tích cực tham gia tài trợ các dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh

Hoạt động ngân hàng sẽ thêm hoàn thiện với việc đa dạng hoá các hoạt động ngân hàng, phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và nâng cao chất lượng các dịch vụ, tiện ích gắn với hiện đại hoá công nghệ, phát triển hệ thống thanh toán và thị trường tiền tệ.

Tại Hội nghị làm việc với các ngân hàng và đại diện DN, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc vay vốn hồi cuối năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến đã ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu và những đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng Ninh Bình vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định của tỉnh.

Sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc của lãnh đạo tỉnh, đại diện của nhân dân, DN thời gian qua về những khó khăn của hoạt động tín dụng sẽ tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho cán bộ, nhân viên Chi nhánh NHNN cũng như các TCTD trên địa bàn thực thi có hiệu quả CSTT hơn nữa để thẩm thấu nhanh hơn vào nền kinh tế, thúc đẩy một địa phương đang nỗ lực phát triển công nghiệp - dịch vụ - du lịch.

Minh Quang (theo thoibaonganhang)

 

 

Tin cùng chuyên mục