Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 09/01/2025 | 23:19

Sổ tay cán bộ công đoàn

10 Luật có hiệu lực từ 01/01/2016

26/01/2016

10 Luật có hiệu lực từ 01/01/2016, gồm: Luật bảo hiểm xã hội; Luật căn cước công dân; Luật hộ tịch; Luật nghĩa vụ quân sự; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi; Luật tổ chức chính phủ; Luật tổ chức Quốc hội; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật kiểm toán nhà nước; Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

1. Luật bảo hiểm xã hội

Một trong những điểm thay đổi quan trọng nhất của Luật Bảo hiểm xã hội là tăng tiền đóng bảo hiểm. Cụ thể, khi luật này có hiệu lực đến cuối năm 2017, mức đóng sẽ dựa trên lương cùng phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động; từ 1/1/2018 trở đi mức đóng trên lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong hợp đồng lao động. Phụ cấp được xác định là các khoản cố định, ít biến động, gồm tiền để bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

Ngoài ra, luật mới bổ sung chế độ thai sản cho lao động nam. Cụ thể, chồng được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày khi vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Nếu vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày...

2. Luật căn cước công dân 

Từ năm 2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực. Tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước 12 số thay cho chứng minh thư. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

3. Luật hộ tịch

Luật này có những quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân (như đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết khi đăng ký hộ tịch; cải tiến phương thức nộp hồ sơ để người dân lựa chọn - nộp trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép; giảm thời hạn giải quyết đối với hầu hết việc hộ tịch).

Luật hộ tịch cũng quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống...

4. Luật nghĩa vụ quân sự 

Luật nghĩa vụ quân sự quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 (hiện nay là đến hết 25) đối với công dân đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ để học chương trình đào tạo đại học, cao đẳng. Ngoài ra, để đảm bảo cho công dân chủ động chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, tạo điều kiện cho địa phương trong xây dựng, thực hiện kế hoạch gọi công dân nhập ngũ hàng năm, Luật quy định thời điểm cụ thể gọi công dân nhập ngũ vào tháng 2 hoặc tháng 3 hàng năm.

5. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tăng từ 65% lên 70% từ ngày 1/1/2016 và 75% từ ngày 1/1/2019; với rượu dưới 20 độ, thuế suất thuế TTĐB là 30% từ ngày 1/1/2016 và 35% từ ngày 1/1/2018...

Riêng với mặt hàng ôtô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi, giá làm căn cứ tính thuế là giá bán ra của nhà nhập khẩu (giá bán buôn) nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Nếu thấp hơn mức này, giá tính thuế sẽ do cơ quan thuế ấn định. "Giá vốn" được giải thích là giá tính thuế nhập khẩu kèm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.

6. Luật tổ chức chính phủ 

Luật tổ chức Chính phủ quy định cụ thể số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; các bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao không quá 6. Trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng, Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã bổ sung 2 thẩm quyền: Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng quyết định giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND cấp tỉnh, Thủ tướng quyết định giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

7. Luật tổ chức Quốc hội

Luật bổ sung nhiều quy định để bảo đảm đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bổ sung các quy định nhằm xác định cụ thể vị trí pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Luật cũng quy định mới về chức danh Tổng thư ký. Theo đó, Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm để tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Tổng thư ký là đại biểu Quốc hội đồng thời giữ vai trò là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội.

8. Luật tổ chức chính quyền địa phương

Luật Tổ chức chính quyền địa phương thay thế Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 có những điểm mới là tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và TP HCM từ 95 lên 105 để phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm, tính chất của các đô thị lớn này. Ngoài ra, tất cả đơn vị hành chính đều tổ chức HĐND và UBND (cấp chính quyền địa phương), chấm dứt việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

9. Luật kiểm toán nhà nước

Luật này bổ sung những đơn vị được kiểm toán là: Cơ quan quản lý sử dụng công; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.

10. Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí với các nội dung như tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; xác minh vụ việc tham nhũng, lãng phí; xử lý người có hành vi tham nhũng, lãng phí; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí.

Ngoài ra, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được bổ sung và tăng thêm các hình thức giám sát như: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

 Thanh Tùng - Ban CSPL CĐNHVN

 

 

Tin cùng chuyên mục