Công đoàn Ngân hàng với việc thực hiện tốt Luật An toàn, vệ sinh lao động
02/12/2015
An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước; Luật ATVSLĐ đã được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Nhân dịp này, Website đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Vũ Bình - Phó Chủ tịch Công đoàn NHVN về một số nội dung liên quan tới trách nhiệm của Công đoàn đối với việc tuyền truyền vận động thực hiện Luật ATVSLĐ.
PV: Xin đ/c cho biết quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong công tác ATVSLĐ được quy định trong Luật ATVSLĐ như thế nào?
Đ/c Nguyễn Vũ Bình: ATVSLĐ được xác định là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc bảo đảm ATVSLĐ là lợi ích thiết thực nhất đối với người lao động. Việc xây dựng thành luật và ban hành Luật ATVSLĐ là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. So với quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2012 thì phạm vi điều chỉnh của Luật ATVSLĐ rộng hơn, bao quát hơn, bao gồm các quy định về việc đảm bảo ATVSLĐ; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác ATVSLĐ và quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Mặt khác, về đối tượng điều chỉnh của Luật ATVSLĐ cũng được mở rộng hơn, bao gồm cả người lao động có quan hệ lao động, người lao động không có quan hệ lao động và các tổ chức, cá nhân cung cấp các hoạt động bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Tại Điều 9, Điều 10 - Chương I “Quy định chung” có nêu rất rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Trong đó, Điều 9 quy định “Quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ” và Điều 10 quy định “Quyền, trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong công tác ATVSLĐ”. Và cụ thể, tại Điều 10 của Luật đã quy định rất rõ 10 quyền và trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ mà công đoàn cơ sở phải thực hiện. Ngoài ra, tại một số Điều, Khoản khác trong Luật còn có các quy định liên quan tới công đoàn như: Tiết b, Khoản 5, Điều 74 quy định mức phụ cấp trách nhiệm cho an toàn, vệ sinh viên do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở thống nhất thỏa thuận và được ghi trong quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; hoặc tại Khoản 3, Điều 75 quy định thành phần của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động phải có đại diện của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động (nơi chưa có công đoàn cơ sở) làm Phó Chủ tịch Hội đồng,…
Công đoàn NHVN phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, PCCN (năm 2014, 2015)
PV: Xin đ/c cho biết tình hình ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ (PCCN) trong ngành Ngân hàng thời gian qua?
Đ/c Nguyễn Vũ Bình: So với các ngành nghề khác thì người lao động ngành Ngân hàng được làm việc trong điều kiện khá thuận lợi. Do đặc thù ngành nghề, ngành Ngân hàng ít tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động hơn, nên hàng năm số vụ tai nạn lao động xảy ra trong ngành Ngân hàng là không nhiều và ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, cá biệt vẫn đã có những vụ tai nạn lao động do chập cháy điện, tai nạn giao thông trên đường đi làm,… gây chết người hoặc bị thương nặng. Ngoài ra, một bộ phận nhỏ người lao động trong ngành Ngân hàng đã và đang thường xuyên phải làm việc trong môi trường hóa chất độc hại (như: Nhà máy In tiền quốc gia, Công ty cổ phần Cơ khí Ngân hàng,…), việc khênh vác nặng tại các kho tiền, ảnh hưởng từ bụi bẩn, nấm mốc của tiền (bộ phận kiểm ngân, kho quỹ,…) hoặc phải làm việc thường xuyên với máy vi tính là những yếu tố chứa đựng nguy cơ cao về tai nạn lao động và mắc bệnh nghề nghiệp. Sự cố cháy nổ mà nguyên nhân chủ yếu là do điện đã từng xảy ra tại nơi làm việc của một vài cơ quan, đơn vị.
Trong quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, Ban lãnh đạo công đoàn các cấp trong ngành Ngân hàng đã thường xuyên quan tâm, chú trọng tới việc trang bị phương tiện bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và trên thực tế đã có những biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra trong môi trường làm việc.
Các hoạt động tập huấn PCCC, ATVSLĐ của các đơn vị trong Ngành
PV: Xin đ/c cho biết các hoạt động của Công đoàn NHVN đã thực hiện và dự kiến tới đây nhằm thực hiện tốt Luật ATVSLĐ?
Đ/c Nguyễn Vũ Bình: Công đoàn NHVN đã phân công một đồng chí lãnh đạo là Phó ban Chính sách - Pháp luật phụ trách công tác ATVSLĐ. Hàng năm, công đoàn đều đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, PCCN và giao cho một đơn vị trong Ngành đăng cai thực hiện, với sự tham gia của đại diện Ban lãnh đạo, người lao động các đơn vị trong Ngành. Ngoài ra, Công đoàn NHVN còn thường xuyên có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các cấp công đoàn trong hệ thống thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, PCCN như: Tham gia xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động; huấn luyện cho người lao động về ATVSLĐ, PCCN; kiểm tra, chấm điểm xếp loại thi đua và thực hiện khen thưởng chuyên đề đối với các đơn vị về công tác ATVSLĐ, PCCN; khai báo tai nạn lao động…
Vừa qua, Công đoàn NHVN đã cử hai đồng chí cán bộ tham dự lớp tập huấn nghiệp vụ về bảo hộ lao động và đã được cấp chứng chỉ về lĩnh vực này, đây sẽ là những nhân tố tham mưu cho Ban lãnh đạo và hỗ trợ các cấp công đoàn triển khai thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.
Mặc dù Luật ATVSLĐ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, nhưng ngay từ bây giờ Công đoàn NHVN cần thiết phải xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Luật tới các cấp công đoàn trong hệ thống. Trước mắt, thực hiện việc mua sách Luật ATVSLĐ trang bị kịp thời, đầy đủ tới các công đoàn cơ sở, đồng thời sẽ chỉ đạo Ban Chính sách - Pháp luật phối hợp với Ban Tuyên giáo tổ chức tuyên truyền sâu, rộng tới các cấp công đoàn và đoàn viên, lao động về những nội dung được Luật ATVSLĐ quy định thông qua các phương tiện, các kênh thông tin, như: Website Công đoàn NHVN, các cơ quan báo chí của Ngành; tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo hay các hoạt động tuyên truyền phù hợp để người lao động biết, hiểu và thực hiện tốt các quy định của Luật. Bên cạnh đó, phải khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp về quyền và trách nhiệm của công đoàn cũng như các kỹ năng, nghiệp vụ về công tác ATVSLĐ tại cơ sở.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
PV